Công điện về tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông

17:16, 25/05/2015

Nhằm triển khai quyết liệt các biện pháp bảo đảm TTATGT trong những tháng tiếp theo để thực hiện mục tiêu giảm số người chết do TNGT trong năm 2015. Ngày 21-5-2015, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện số 01/CĐ-UBND về tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông gửi các Sở, ban ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, UBND, Ban ATGT các huyện, thành phố, thị xã. Dưới đây là nội dung Công điện.

Trong 5 tháng đầu năm 2015 tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp, toàn tỉnh xảy ra 90 vụ TNGT, làm chết 48 người, bị thương 80 người. So với cùng kỳ năm 2014, TNGT tăng cả 3 tiêu chí, trong đó: tăng 02 vụ (+2,27%), tăng 04 người chết (+9,09%), tăng 08 người bị thương (+11,11%); 6/9 địa phương có số người chết do TNGT tăng gồm: TX Sông Công, TP Thái Nguyên, các huyện Phô Yên, Đại Từ, Đông Hỷ, Võ Nhai. Đặc biệt, ngày 16/5 và ngày 19/5 vừa qua đã xảy ra liên tiếp 2 vụ TNGT nghiêm trọng giữa xe ô tô tải và tàu chở khách tại điểm giao cắt giữa đường Phú Xá và đường sắt, thuộc khu vực ga Lưu Xá, thành phố Thái Nguyên gây thiệt hại lớn về tài sản.

 

Để thực hiện mục tiêu giảm số người chết do TNGT xuống dưới 100 người trong năm 2015, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã, các Sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể triển khai quyết liệt các biện pháp bảo đảm TTATGT trong những tháng tiếp theo như sau:

 

1- Triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 47-CT/TƯ ngày 9/3/2015 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT và kiểm soát tải trọng phương tiện.

 

- Thực hiện quyết liệt Kế hoạch hành động Năm An toàn giao thông 2015 của Ủy ban ATGT Quốc gia gắn với mục tiêu thực hiện năm thứ 5 Đề án “Kiềm chế và đây lùi tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011 - 2015”, nhiệm vụ trọng tâm là “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” với khẩu hiệu “Tính mạng con người là trên hết”.

 

2- Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, phối hợp tuyên truyền thường xuyên liên tục với nhiều hình thức, nhiều chủ đề phong phú, thiết thực đến mọi tầng lớp nhân dân.

 

Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Thái Nguyên, các cơ quan thông tin, báo chí trên địa bàn tỉnh tăng cường thời lượng, xây dựng nội dung truyện truyền về công tác ATGT. Phát huy hiệu quả của các Đài truyền thanh - truyền hình các huyện thành thị, các cụm loa truyền thanh cơ sở phục vụ công tác tuyên truyên nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân khi tham gia giao thông.

 

3- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm; Thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT; Xây dựng kế hoạch tổ chức chiến dịch cao điểm với các chủ đề cụ thể, kết hợp giữa lực lượng CSGT và các lực lượng chức năng khác thực hiện nghiêm kỷ cương pháp luật trong lĩnh vực TTATGT; Huy động lực lượng Công an xã tham gia tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền, nhắc nhở người dân có ý thức tham gia giao thông ngay từ các tuyến giao thông nông thôn.

 

Thực hiện nghiêm kế hoạch phối hợp số 12593/KHPH-BGTVT-BCA ngày 21/11/2013 giữa Bộ GTVT và Bộ Công an về phối hợp kiểm tra, xử lý xe quá tải trọng quy định trên địa bàn; làm tốt công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, đặc biệt đối với những xe vận tải hàng hóa; duy trì thường xuyên hoạt động trạm kiểm tra tải trọng xe. Xử lý triệt để đối với các phương tiện tự ý cải tạo, cơi nới thành thùng xe để trở hàng quá tải.

 

4- Phòng chống và kiểm soát việc sử dụng rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; Đồng loạt mở chiến dịch tuyên truyền và duy trì thường xuyên liên tục chủ đề tuyên truyền “Uống rượu, bia – hiểm họa tai nạn giao thông”; Vận động mỗi người tự giác thực hiện “đã uống rượu bia thì không lái xe Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm khắc người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia trái với quy định của pháp luật.

 

5- Duy trì và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy; Tạo ý thức tự giác đội mũ bảo hiểm, sử dụng mũ bảo hiểm bảo đảm chuẩn chất lượng, cài quai đúng cách cho cả người lớn và trẻ em khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.

 

6- Đảm bảo TTATGT đường sắt và đường thủy nội địa

 

- Các đơn vị quản lý đường sắt phối hợp với Chính quyền các địa phương kiểm tra, rà soát và thống kê toàn bộ đường ngang qua đường sắt, lập hồ sơ theo dõi, không để phát sinh mới đường ngang trái phép; đối với những đưòng ngang không có rào chăn và thiêt bị cảnh bảo tự động mà có mật độ phương tiện giao thông cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn thì phải tổ chức cảnh giới, bảo đảm an toàn; Có lộ trình xóa bỏ các đường ngang không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện qua lại.

 

- Thiết lập trật tự vận chuyển khách du lịch bằng đường thủy trong mùa mưa bão, bảo đảm phương tiện thủy chở người phải có đủ phao cứu sinh và điêu kiện an toàn; Nhân rộng mô hình văn hóa giao thông với bình yên sông nước.

 

7- Kiện toàn lại tổ chức Ban ATGT các cấp, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các thành viên Ban ATGT; Phát động thi đua và tô chức khen thưởng phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm TTATGTnăm 2015”.