Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo (1/8/1930 - 1/8/2015)

08:39, 10/07/2015

Nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên biên soạn tài liệu "Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo (1/8/1930 - 1/8/2015)" để phục vụ công tác tuyên truyền.

 

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 85 NĂM
NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TUYÊN GIÁO
1/8/1930 - 1/8/2015

 

I. LỊCH SỬ RA ĐỜI VÀ Ý NGHĨA CỦA NGÀY 1-8

 

1. Lịch sử ra đời ngày 1-8

 

Ngay sau ngày thành lập, Đảng đã thực sự coi trọng lãnh đạo công tác tư tưởng, chính trị - mặt trận quan trọng hàng đầu của cách mạng. Đây chính là cơ sở cốt lõi để Ban Cổ động và Tuyên truyền Trung ương ra đời, tiền thân của Ban Tuyên giáo.

 

Thông qua tuyên truyền Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và đường lối cứu nước, Đảng đã phát động phong trào đấu tranh cách mạng sôi nổi, tiêu biểu là các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5 được dấy lên rộng khắp trong cả nước. Trên đà thắng lợi đó, Đảng chủ trương phát động phong trào quần chúng hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc tế đỏ 1/8, ngày đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, kêu gọi chống chiến tranh, bảo vệ hoà bình, bảo vệ Liên bang Xô Viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Hưởng ứng chủ trương của Đảng, hàng trăm cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân, binh lính đã nổ ra quyết liệt trên nhiều tỉnh, thành phố khiến bọn thực dân và tay sai lúng túng, lo sợ; quần chúng phấn khởi, tin tưởng tìm đến với Đảng, với cách mạng; cao trào cách mạng trong cả nước đã được mở ra, mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tập tài liệu Ngày Quốc tế đỏ 1/8 chứng tỏ sự lãnh đạo đúng đắn và kịp thời của Trung ương về việc hình thành cơ quan tuyên truyền, cổ động, giáo dục đầu tiên của Đảng. Trên cơ sở những tài liệu và sự kiện lịch sử đặc biệt có ý nghĩa này, ngày 1/8/2000, Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khoá VIII) đã quyết định lấy ngày 1/8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác tư tưởng - văn hoá của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) quyết định lấy ngày 1/8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng.

 

2. Ý nghĩa Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo

 

Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo (1-8) đánh dấu một mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời, trưởng thành ngày càng vững mạnh của lĩnh vực công tác tuyên giáo của Đảng - lĩnh vực có lịch sử ra đời sớm nhất trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của công tác tư tưởng trong các hoạt động thành lập Đảng Cộng sản cũng như trong công tác lãnh đạo của Đảng. Trải qua lịch sử 85 năm xây dựng và phát triển, cơ quan chuyên trách làm công tác tuyên giáo của Đảng đã có những tên gọi khác nhau và có những lần chia tách, hợp nhất cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng, nhưng trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, lĩnh vực tuyên giáo cũng luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong công tác lãnh đạo của Đảng.

 

Công tác tư tưởng đã góp phần quan trọng vào việc hình thành cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn của Đảng, đề ra những khẩu hiệu hành động đúng lúc và sát hợp với nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính trị của Đảng, của Nhà nước thành hành động tự giác của hàng triệu quần chúng, thành cao trào cách mạng, đưa cách mạng Việt Nam giành thắng lợi này đến thắng lợi khác. Công tác tư tưởng cũng góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ các thế hệ cán bộ trung kiên, có đức, có tài của Đảng và Nhà nước để từ đội ngũ này mà giáo dục, giác ngộ, tập hợp, tổ chức, cổ vũ, động viên quần chúng tiến hành các hoạt động cách mạng, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống lại sự tấn công của lực lượng thù địch và các phần tử cơ hội chính trị, bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng.

 

Công tác tuyên giáo bao gồm các lĩnh vực: lý luận chính trị, tư tưởng, văn hoá văn nghệ, thông tin, báo chí, xuất bản, dư luận xã hội, khoa học, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, môi trường, nghiên cứu lịch sử Đảng… Công tác tuyên giáo tác động đến tư tưởng, trí tuệ, tình cảm của con người một cách tinh tế, nhạy bén, đòi hỏi phải không ngừng tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng với những yêu cầu ngày càng cao mới đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn.

 

Kỷ niệm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo là dịp để cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, các ngành và cán bộ làm công tác tuyên giáo nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của công tác tuyên giáo, coi đó là lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Đây cũng là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại và phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng trên lĩnh vực công tác tuyên giáo. Qua đó, góp phần củng cố, giữ vững trận địa tuyên giáo của Đảng, bảo đảm sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, kiên định các nguyên tắc, nâng cao niềm tin trong Đảng và nhân dân. Là dịp để các cấp uỷ đảng tăng cường quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên giáo; cơ quan quản lý nhà nước các cấp tăng cường mối quan hệ, phối hợp công tác với ban tuyên giáo các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

 

Thông qua các hoạt động kỷ niệm để ôn lại và phát huy truyền thống vẻ vang của Ngành Tuyên giáo, củng cố và tăng cường niềm tin vào mục tiêu lý tưởng, nền tảng tư tưởng của Đảng, bồi đắp thêm niềm tự hào về những đóng góp to lớn của Ngành Tuyên giáo và cuộc chiến đấu vinh quang của các thế hệ đi trước. Đây cũng là dịp để cán bộ ngành tuyên giáo và đông đảo cán bộ, chiến sĩ hoạt động trên các lĩnh vực tuyên giáo ra sức phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất đạo đức, biểu thị quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

 

II. NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO CỦA ĐẢNG

 

Cơ quan tham mưu của Trung ương Đảng về công tác tuyên giáo từng thời kỳ, từng giai đoạn có khác nhau về tên gọi: Ban Cổ động và Tuyên truyền, Bộ Cổ động và Tuyên truyền (giai đoạn 1930-1945); Ban Tuyên truyền và Giáo dục Trung ương (năm 1950); Ban Tuyên huấn Trung ương (năm 1951); Ban Tuyên giáo Trung ương (năm 1959)... và hiện nay là Ban Tuyên giáo Trung ương (năm 2007).

 

Cho dù tên gọi ở mỗi thời kỳ có khác nhau, song về cơ bản, Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; trực tiếp và thường xuyên là cơ quan tham mưu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, về chủ trương, quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và một số lĩnh vực xã hội; và cũng là cơ quan chuyên môn - nghiệp vụ về các lĩnh vực công tác đó.

 

- Giai đoạn 1930 - 1945: Điểm nổi bật của công tác tuyên giáo thời kỳ này là thắng lợi của công tác giác ngộ, giáo dục, động viên, tập hợp lực lượng, rèn luyện và tổ chức các phong trào quần chúng, biến lý tưởng và tư tưởng cách mạng thành sức mạnh. Trong hoàn cảnh bị kẻ địch đàn áp tàn khốc, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bác Hồ, Trung ương Đảng, đội ngũ những chiến sĩ làm công tác tuyên giáo đã nêu cao phẩm chất và khí tiết người cộng sản, sẵn sàng hy sinh tính mạng, không sợ tù đầy tra tấn, bám sát phong trào cách mạng để tuyên truyền, vận động, tổ chức quần chúng đấu tranh chống thực dân, đế quốc; góp phần quan trọng thúc đẩy cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh; cao trào đấu tranh công khai đòi quyền dân sinh, dân chủ; cao trào chống phát xít, chống chiến tranh đế quốc, ủng hộ Liên Xô và phe Đồng minh... Thông qua báo chí, tài liệu bí mật, các lớp huấn luyện và hàng ngàn cuộc mít tinh, biểu tình... đội ngũ cán bộ tuyên giáo tuyên truyền, cổ vũ các cao trào cách mạng, tiến tới tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

 

- Giai đoạn 1945-1954: Cách mạng mới thành công, chính quyền còn non trẻ giữa vòng vây thù trong, giặc ngoài, nạn đói diễn ra gay gắt, ngân sách cạn kiệt, Đảng phải tạm thời rút vào hoạt động bí mật... Trong hoàn cảnh vận nước ngàn cân treo sợi tóc, đội quân làm công tác tuyên giáo tập hợp dưới là cờ của Đảng, đứng đầu là nhà tư tưởng kiệt xuất Hồ Chí Minh, đã hăng hái tuyên truyền vận động nhân dân, bảo vệ chính quyền mới và tích cực chuẩn bị kháng chiến cứu nước. Hoạt động công tác tuyên giáo đóng vai trò trọng yếu, góp phần trực tiếp nuôi dưỡng, xây dựng, phát triển sức mạnh của nhân tố con người Việt Nam; tập hợp lực lượng, khơi dậy ý chí, tri thức và sức mạnh trong quần chúng, đáp ứng những đòi hỏi gay gắt của cuộc kháng chiến. Sức mạnh tổng hợp to lớn đã được minh chứng bằng thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ, giải phóng miền Bắc, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam (năm 1954).

 

- Giai đoạn 1955-1975: Công tác tuyên giáo tập trung phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng XHCN ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ trong cả nước.

 

Ở giai đoạn này, công tác tuyên giáo đóng vai trò trọng yếu trong việc khơi dậy ý chí, tri thức và sức mạnh trong quần chúng, tập hợp lực lượng, phát động và nhân rộng phong trào thi đua yêu nước ở cả hai miền, với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đó là những phong trào, với những khẩu hiệu rung động lòng người.

 

Ở miền Bắc, có các phong trào thi đua, với những khẩu hiệu: “Sóng Duyên Hải, gió Đại Phong, cờ Ba nhất”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”; “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Hai tốt”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”…

 

Ở miền Nam có các phong trào: “Thi đua ấp Bắc giết giặc lập công”, “Nắm thắt lưng địch mà bắn”, “Một tấc không đi, một li không rời”, “Năm xung phong”, “Dũng sĩ diệt Mỹ - Ngụy”, “Xuống đường đòi tự do, dân chủ”, “Hát cho đồng bào tôi nghe”... Sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng Việt Nam đã được chuyển hoá bằng thắng lợi của cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH.

 

- Giai đoạn 1975 đến nay: Đặc biệt, trong gần 30 năm đổi mới vừa qua, đất nước phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, tưởng chừng không thể vượt qua nổi. Nhưng với bản lĩnh chính trị vững vàng, bản chất cách mạng và khoa học, Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt lên giành thắng lợi. Công tác tuyên giáo của Đảng tập trung phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Điểm nổi bật của công tác tuyên giáo trong thời kỳ này là tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước; đổi mới tư duy, tổng kết thực tiễn; làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta; cổ vũ, động viên phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực; khơi dậy và nhân lên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, sức sáng tạo xã hội, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn của đất nước.

 

Trải qua 85 năm, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo của Đảng không ngừng phát triển, ngày càng đông đảo và trưởng thành theo mỗi bước tiến lên của sự nghiệp cách mạng. Dạn dày trong đấu tranh cách mạng, hoà mình vào phong trào quần chúng, các thế hệ những người làm công tác tuyên giáo luôn xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng, đấu tranh không mệt mỏi cho lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH. Đội ngũ đó đã và đang không ngừng lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng, từng bước hiện đại về phương tiện kỹ thuật, công nghệ, trưởng thành về bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ.

 

Trước những diễn biến trên thực tiễn của đất nước, của tình hình thế giới và khu vực, những người làm công tác tuyên giáo của Đảng hơn bao giờ hết phải kiên định nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vững vàng trước mọi biến cố, nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, ra sức tu dưỡng đạo đức cách mạng, đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương pháp, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

 

III. CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH THÁI NGUYÊN

 

1. Công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh luôn gắn liền với công tác xây dựng đảng trong 85 năm qua

 

Trên chặng đường 85 năm hoạt động, xây dựng và trưởng thành, công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên luôn bám sát vào nhiệm vụ chính trị của Đảng của cách mạng để định ra các hình thức tổ chức và phương thức hoạt động cho thích hợp; góp phần quan trọng vào việc giáo dục lòng yêu nước, phát huy truyền thống của dân tộc, cổ vũ động viên nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết thành một khối thống nhất, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng. Trong mỗi thời kì lịch sử, công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh đều xuất phát từ nhiệm vụ chính trị của Đảng và phong trào cách mạng của quần chúng ở địa phương để định ra các hình thức tổ chức và phương thức hoạt động cho thích hợp.

 

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, mở ra chặng đường mới của cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên công tác tuyên truyền ở Thái Nguyên thời kì này có nhiều khó khăn. Sau cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên (1917), thực dân Pháp tăng cường bộ máy đàn áp, khống chế nhân dân nhất là trong các khu mỏ, đồn điền. Nên cuối năm 1936, cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên mới được thành lập tại xã La Bằng, huyện Đại Từ, là bước ngoặt lớn, vô cùng quan trọng của phong trào cách mạng Thái Nguyên. Trong những năm 1939 - 1945, công tác chính trị tư tưởng ở Thái Nguyên thời kì này tập trung tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng, khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền từng bộ phận tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân tháng 8/1945.

 

Trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), công tác tư tưởng của Đảng bộ tập trung vào việc tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, bài trừ nội phản, xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân; xây dựng và bảo vệ vững chắc căn cứ địa kháng chiến - An toàn khu của Trung ương, cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến; giải thích cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc quán triệt sâu sắc, tích cực hưởng ứng đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và tự lực cánh sinh; tin tưởng kháng chiến nhất định thắng lợi. Cùng với việc tuyên truyền, giáo dục, động viên nhân dân các dân tộc tham gia kháng chiến, công tác chính trị tư tưởng còn góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ vững chắc về chính trị, trong sáng về tư tưởng.

 

Sau khi hiệp định Giơnevơ được ký kết (năm 1954), thực dân Pháp buộc phải chấm dứt chiến tranh, rút hết quân đội về Nam vĩ tuyến 17, miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, bước vào công cuộc xây dựng XHCN, trở thành hậu phương to lớn và vững chắc cho nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Công tác tuyên huấn của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên nhanh chóng chuyển hướng hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong thời kì mới. Đầu năm 1965, đế quốc Mĩ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Cả nước bước vào cuộc kháng chiến dưới các hình thức và mức độ khác nhau. Công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh trong thời kì này nhanh chóng được tăng cường, đáp ứng tình hình nhiệm vụ mới, làm cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh nhận rõ âm mưu và hành động mới của đế quốc Mĩ, nêu cao ý chí quyết chiến quyết thắng, sẵn sàng đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của địch, giữ vững sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, tích cực chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, công tác tư tưởng của Đảng bộ tập trung vào việc cổ vũ mạnh mẽ khí thế chiến thắng, tạo không khí tự hào, phấn khởi trong nhân dân, nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, cải thiện đời sống nhân dân.

 

Thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo nên sự chuyển biến mới về nhận thức và hành động của cán bộ đảng viên và nhân các dân tộc trong tỉnh; thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, các cơ quan báo, đài, thông tin văn hóa tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền những chủ trương chính sách cụ thể của Trung ương, nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giá, lương, tiền và phân phối lưu thông, quản lý thị trường; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền giới thiệu gương người tốt, việc tốt và phê phán những hiện tượng tiêu cực. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến cơ sở, từ năm 1987, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã biên tập và phát hành “Nội san tuyên truyền”; các đồng chí lãnh đạo Ban đã đến trực tiếp các đảng bộ, đơn vị sản xuất để truyền đạt nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh ủy. Đánh giá chung, trong những năm đầu thực hiện đổi mới, công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc truyền đạt tinh thần đổi mới theo Nghị quyết của Đại hội lần thứ VI của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị và của tỉnh; góp phần nâng cao nhận thức cho mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng và cách mạng Việt Nam; hoạt động tuyên giáo thực sự đã góp phần xây dựng niềm tin, tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần cho toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

 

Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh được các cấp ủy đảng đặc biệt coi trọng, đã xây dựng hệ thống tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở. Ban tuyên giáo các cấp đã tích cực, chủ động tham mưu giúp cấp ủy về công tác xây dựng Đảng trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, lý luận chính trị, báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ, khoa giáo, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương,…; chủ động nghiên cứu, đề xuất những phương hướng, nội dung, nhiệm vụ sát với thực tiễn địa phương và yêu cầu của cấp trên; góp phần giải quyết nhiều vấn đề lớn, quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, nhất là về lĩnh vực chính trị, tư tưởng; kịp thời định hướng dư luận xã hội, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, lệch lạc.

 

2. Những kết quả nổi bật của công tác Tuyên giáo tỉnh Thái Nguyên

 

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên được thành lập tháng 3 năm 1948, với tên gọi là Ban Tuyên huấn do đồng chí Ngô Nhị Quý - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ làm Trưởng ban. Đây là cơ quan tham mưu giúp Tỉnh uỷ về công tác tuyên truyền, huấn luyện cán bộ, đảng viên. Đầu năm 1949 Ban Tuyên huấn tách ra thành Ban Tuyên truyền và Ban Huấn học; đến tháng 4 năm 1951 lại sáp nhập thành Ban Tuyên huấn; và đến ngày 2 tháng 8 năm 1960 thành lập Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ thay cho Ban Tuyên huấn,… Từ khi được thành lập đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy luôn thực hiện tốt chức năng là cơ quan tham mưu của Tỉnh uỷ mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh uỷ về công tác xây dựng Đảng thuộc các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, lý luận chính trị, báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ, khoa giáo, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương; đồng thời là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tuyên giáo của Tỉnh uỷ.

 

Một số kết quả nổi bật trên lĩnh vực công tác tuyên giáo của tỉnh trong thời gian gần đây:

 

- Công tác triển khai học tập chỉ thị, nghị quyết và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của đất nước, địa phương, tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo,... luôn được hệ thống ban tuyên giáo các cấp xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác của ngành. Bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, ban tuyên giáo các cấp đã kịp thời tham mưu với cấp ủy việc tổ chức học tập, quán triệt, và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh và địa phương. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Đề án số 09-ĐA/TU, nhằm cụ thể hóa các nội dung của Chỉ thị số 03 để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh và đã thu được kết quả tốt. Qua đó, đã góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào đời sống xã hội; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo; khẳng định thành tựu vĩ đại của cách mạng Việt Nam; củng cố và tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc...

 

- Công tác nắm bắt và phản ánh dư luận xã hội được chú trọng, nâng cao về chất lượng, giúp cấp uỷ, chính quyền có cơ sở, phương hướng, biện pháp chỉ đạo kịp thời, hiệu quả những vấn đề mà dư luận đang quan tâm. Hệ thống báo cáo viên được tổ chức ở tất cả các cấp từ tỉnh đến các huyện, thị, thành ủy và các tổ chức cơ sở Đảng; hoạt động của báo cáo viên thường xuyên được đôn đốc, không ngừng nâng cao chất lượng, bám sát theo những yêu cầu về hoạt động báo cáo viên các cấp. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Đề án số 17-ĐA/TU, ngày 12/11/2014 về “Nâng cao chất lượng nắm bắt và định hướng dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2014 - 2018” và đã được triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh từ đầu năm 2015.

 

- Công tác khoa giáo: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu với Thường trực Tỉnh ủy ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về lĩnh vực khoa giáo; thực hiện tốt công tác tham mưu, phối hợp, theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra và đôn đốc các huyện, thành, thị; các đảng ủy trực thuộc; các sở, ngành thuộc khối khoa giáo; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực khoa giáo. Hoạt động khoa giáo ở cơ sở đã có chuyển biến tích cực; công tác phối hợp giữa các ngành trong thực hiện nhiệm vụ đã đi vào nề nếp và đã đạt hiệu quả cao hơn...

 

- Công tác thông tin, tuyên truyền, báo chí, xuất bản cũng là một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm của công tác Tuyên giáo tỉnh Thái Nguyên. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ thường xuyên cập nhật thông tin từ Trung ương, từ Tỉnh; biên tập và cung cấp thông tin đến đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội; việc triển khai thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước và của Tỉnh; tình hình chống phá của các thế lực thù địch nhằm thực hiện âm mưu “Diễn biến hoà bình”; các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, lợi dụng “dân chủ” để gây rối, mất an ninh trật tự; tình hình biên giới, biển đảo, nhất là những diễn biến phức tạp trong tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, khẳng định chủ của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; định hướng công tác tuyên truyền, cổ động, phục vụ kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện của đất nước, của Tỉnh,... Tham mưu, phối hợp chỉ đạo các cơ quan báo chí của tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng định hướng, tạo ra sự đồng thuận xã hội và xây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

 

- Công tác giáo dục lý luận chính trị đã được triển khai tích cực và thu nhiều kết quả tốt. Ban tuyên giáo các cấp đã triển khai thực hiện tốt công tác giáo dục lý luận chính trị trong toàn Đảng bộ; tham mưu cấp ủy chỉ đạo Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ cho nhiều đối tượng khác nhau; giúp cấp uỷ thực hiện việc kiểm tra định hướng chính trị, tư tưởng, chất lượng giảng dạy lý luận chính trị, giáo dục công dân, đạo đức của các nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân ở địa phương, đơn vị. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã biên soạn và phát hành cuốn “Tài liệu bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên cơ sở giai đoạn 2013 -2015”. Qua đó, giúp bồi dưỡng, cập nhật thông tin, kiến thức mới và những kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp trên địa bàn tỉnh; từ đó nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, năng lực công tác; nâng cao trình độ và phẩm chất chính trị, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

 

- Công tác nghiên cứu, biên soạn, giáo dục lịch sử: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy và trực tiếp tham gia nghiên cứu biên soạn một số cuốn sách về lịch sử của tỉnh Thái Nguyên: “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên”; Lịch sử các ban xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh, huyện; “Bác Hồ với Thái Nguyên - Thái Nguyên với Bác Hồ”; “Từ điển Thái Nguyên”... Chỉ đạo các đảng bộ, ngành, đơn vị đẩy mạnh việc triển khai nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử đảng bộ, ngành, đơn vị, trong đó nhiều cuốn được Phòng Lịch sử Đảng (nay là Phòng Giáo dục lý luận chính trị - Lịch sử Đảng) phối hợp, thẩm định trước khi ban hành. Tính đến nay đã có trên 120 Đảng bộ cấp huyện, xã, phường, thị trấn, sở, ngành biên soạn và phát hành được cuốn lịch sử địa phương, đơn vị.

 

*

*       *

 

Nhìn lại chặng đường gần 70 xây dựng và trưởng thành, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thái Nguyên và các đơn vị thuộc Ngành Tuyên giáo của Tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; góp phần giáo dục, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất cách mạng và trình độ nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng, phát triển của Đảng bộ, nhất là về chính trị - tư tưởng.

 

Với những đóng góp to lớn của mình trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Trung ương và tỉnh trao tặng. Năm 2005, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng, Ban được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Vào đúng dịp kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo (1/8/1930 - 1/8/2015), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất - phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng./.