Chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh

15:49, 04/12/2015

Ngày 1/12, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 24/CT-UBND v/v thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

************************************

 

ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH THÁI NGUYÊN

 

Số: 24/CT-UBND

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

        Thái Nguyên, ngày 1 tháng 12 năm 2015

 

CHỈ THỊ

Về việc thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non
ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

 

Quán triệt và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục và đào tạo, những năm gần đây giáo dục mầm non tỉnh Thái Nguyên đã có sự phát triển về quy mô, mạng lưới trường lớp và chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, đáp ứng nhu cầu đưa trẻ ở độ tuổi mầm non đến trường, chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp một. Hệ thống các trường mầm non công lập tăng về số lượng và đáp ứng yêu cầu về chất lượng, các trường mầm non bán công được chuyển đổi sang trường mầm non công lập; hệ thống trường mầm non ngoài công lập được hình thành và một số trường đi vào hoạt động, nhất là trên địa bàn thành phố Thái Nguyên đã góp phần làm giảm tình trạng quá tải trong các trường mầm non công lập. Tuy nhiên, hiện nay ở một số địa phương có khu công nghiệp nhu cầu gửi trẻ mầm non dự báo sẽ tăng nhanh, hệ thống các trường mầm non công lập trên địa bàn có các khu công nghiệp, khu ở tập trung của công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp sẽ không đáp ứng được nhu cầu ảnh hưởng đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, đồng thời ảnh hưởng đến tâm lý, năng suất lao động của công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp.

 

Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời giải quyết tốt hơn việc bảo đảm nhu cầu trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu:

 

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

 

Chủ trì, phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát nhu cầu học tập của con em cán bộ và công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn. Thực hiện các giải pháp mở rộng quy mô, diện tích, xây dựng bổ sung phòng học ở các trường mầm non xung quanh các khu công nghiệp, khu ở của công nhân đáp ứng nhu cầu học tập của con em công nhân.

 

Rà soát quy mô, hệ thống trường lớp mầm non, phổ thông trên địa bàn, cân đối nguồn ngân sách địa phương, phối hợp với các Sở, ngành chuyên môn của tỉnh tham mưu UBND tỉnh bố trí, phân bổ kinh phí để xây dựng trường mầm non, tiểu học ở các khu công nghiệp.

 

Tăng cường các biện pháp quản lý các trường học, đặc biệt là các trường mầm non ngoài công lập, các nhóm, lớp độc lập tư thục, nhóm trẻ gia đình, bảo đảm môi trường chăm sóc, giáo dục trẻ lành mạnh, thân thiện và an toàn.

 

Tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về sự cần thiết của việc đưa trẻ đến trường, lớp mầm non; tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ cho cha mẹ và cộng đồng dưới nhiều hình thức linh hoạt.

 

2. Sở Giáo dục và Đào tạo

 

Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban , ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã tham mưu xây dựng cơ chế chính sách xã hội hóa giáo dục; tham mưu UBND tỉnh Thái Nguyên xây dựng chính sách đặc thù để khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng trường mầm non phục vụ nhu cầu của cán bộ và công nhân khu công nghiệp.

 

Chủ trì, phối hợp  UBND các huyện, thành phố, thị xã quy hoạch mạng lưới trường lớp mầm non tại các khu công nghiệp, khu ở tập trung của công nhân; hướng dẫn về công tác tuyển sinh, công tác chuyên môn bảo đảm hoạt động của các trường học theo đúng quy định.

 

Tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện các quy định về quản lý các trường mầm non ngoài công lập, đặc biệt là các nhóm, lớp độc lập tư thục; kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

 

Tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho gia đình và cộng đồng về sự cần thiết của việc đưa trẻ đến trường, lớp mầm non; tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ cho cha mẹ và cộng đồng dưới nhiều hình thức linh hoạt.

 

3. Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên

 

Rà soát lại quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là khu công nghiệp Yên Bình - Phổ Yên, về quy định xây dựng trường, lớp mầm non tại các khu công nghiệp. Đối với những khu công nghiệp đã có quy hoạch xây dựng trường mầm non, cần triển khai các giải pháp thực hiện; những khu công nghiệp có nhu cầu cao về học tập của trẻ mầm non chưa có quy hoạch xây dựng trường, lớp mầm non cần bổ sung vào quy hoạch để phê duyệt thực hiện.

 

Phối hợp với các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã tham mưu xây dựng cơ chế chính sách xã hội hóa giáo dục; tham mưu UBND tỉnh Thái Nguyên xây dựng chính sách đặc thù để khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp cá nhân đầu tư xây dựng trường mầm non phục vụ nhu cầu của cán bộ và công nhân khu công nghiệp.

 

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

 

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo cân đối đầu tư nguồn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác để hỗ trợ phát triển cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trong đó ưu tiên đầu tư cho các trường mầm non, tiểu học tại các khu công nghiệp.

 

5. Sở Tài chính

 

Tham mưu bố trí kinh phí để thực hiện các mục tiêu của Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập, tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020.

 

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh và các đơn vị liên quan, tham mưu UBND tỉnh giải pháp về xây dựng cơ sở vật chất cho thuê để thành lập các trường mầm non ngoài công lập đối với những khu công nghiệp chưa có điều kiện hoặc không thể xây dựng, phát triển trường mầm non công lập.

 

6. Sở Tài nguyên và Môi trường

 

Trên cơ sở rà soát quỹ đất, đăng ký nhu cầu sử dụng đất của các Sở, Ban ngành và các huyện, thành phố; thị xã, Sở Tài Nguyên và Môi trường tổng hợp đưa vào điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016-2020 cấp tỉnh, trình phê duyệt theo quy định. Đồng thời, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016-2020 cấp huyện và đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện trình UBND tỉnh phê duyệt để là cơ sở thực hiện.

 

7. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

 

Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với lao động nữ quy định tại Khoản 6 Điều 153 và Khoản 4 Điều 154, Bộ Luật Lao động, trong đó chú trọng đối với lao động tại các khu công nghiệp.

 

Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là trong các khu công nghiệp, khu ở tập trung của công nhân.

 

8. Sở Xây dựng

 

Hướng dẫn các địa phương, các đơn vị liên quan thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, các quy chuẩn, tiêu chí kỹ thuật, thiết kế mẫu đối với khu nhà ở của công nhân đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu công nghiệp, trong đó có các quy định áp dụng cho trường, lớp mầm non.

 

9. Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Báo Thái Nguyên, Trung tâm Thông tin tỉnh: chịu trách nhiệm phối hợp tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về sự cần thiết của việc đưa trẻ đến trường, lớp mầm non; tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ cho cha mẹ và cộng đồng dưới nhiều hình thức linh hoạt.

 

12. Các Sở, Ban, ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan: căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm phối hợp tích cực, chủ động tham gia, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương để triển khai thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp trên địa bàn.

 

Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thị hành Chỉ thị này, định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Giáo dục và Đào tạo).

 

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, tổng hợp tình hình và định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

CHỦ TỊCH

 

(Đã ký)

 

 

Dương Ngọc Long