Tăng cường công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trước và sau Tết Nguyên Đán Bính Thân 2016

15:39, 03/02/2016

Ngày 02/2, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND Về việc tăng cường công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trước và sau Tết Nguyên Đán Bính Thân 2016. Dưới đây là nội dung Chị thị:

Theo thông báo của Cục Thú y hiện nay dịch Lở mồm long móng gia súc (LMLM) đang xảy ra tại 11 huyện của 06 tỉnh chưa qua 21 ngày gồm (tỉnh Bắc Kạn, Sơn La, Cao Bằng, Hà Tĩnh, Đắc Lắk, Lạng Sơn). Dịch Cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra tại 05 huyện của 04 tỉnh chưa qua 21 ngày gồm (Quảng Ngãi, Kon Tum, Tuyên Quang, Lạng Sơn). Dịch Tai xanh ở lợn mặc dù đã được kiểm soát, nhưng nguy cơ dịch phát sinh trong thời gian tới là rất cao.

 

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, theo báo cáo của Chi cục Thú y, tại huyện Phú Bình tính đến ngày 28/01/2016 chưa phát hiện thêm gia súc có dấu hiệu của bệnh LMLM, hiện tại có , 02 hộ thuộc 02 xóm của  02 xã (Xuân Phương, Kha Sơn) có 04 con (gồm 01 con trâu, 03 con bò) có dấu hiệu của bệnh Lở mồm long móng và đã được người chăn nuôi chăm sóc, chữa trị kịp thời hiện sức khỏe đã ổn định.

 

Số gia súc chết rét thống kê sơ bộ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tính đến thời điểm ngày 28/01/2016 là 101 con (gồm 17 con trâu, 13 con bò, 07 con bê, 17 con nghé, 02 con lợn, 45 con dê), xảy ra tại 06 địa phương (huyện: Định Hóa, Đại Từ, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ; thành phố Thái Nguyên).

 

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh trong dịp Tết Nguyên Đán Bính Thân (tháng 2/2016) có khả năng xảy ra khoảng 4-5 đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc, có thể có nhiều đợt rét đậm xảy ra. Do tình hình thời tiết bất lợi (mưa, rét đậm, rét hại) làm giảm sức đề kháng trên đàn gia súc, người dân nhận thức chưa đầy đủ về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh nên còn chủ quan lơ là, một số chính quyền địa phương, thú y cơ sở giám sát, chỉ đạo chưa sát sao, kịp thời, quyết liệt. Do đó nguy cơ lây lan, bùng phát dịch và số gia súc chết rét trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là rất cao.

 

Thực hiện Công điện số 153/CĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống rét đậm, rét hại; Chỉ thị số 685/CT-BNN-TY, ngày 25/01/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm dịp trước và sau Tết Bính Thân 2016;

 

Để chủ động khống chế, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phòng, chống đói, rét trên đàn gia súc, gia cầm bùng phát, lây lan trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị cho Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, thực hiện các nội dung sau:

 

1. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại các Văn bản: Số 189/UBND-KTN, ngày 19/01/2016 về việc tăng cường công tác phòng, chống vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người; số 254/UBND-KTN, ngày 25/01/2016 về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho cây trồng vật nuôi của UBND tỉnh Thái Nguyên.

 

2. Yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các đơn vị liên quan thuộc Sở phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác phòng, chống đói rét, dịch bệnh động vật xuống tận các xã, phường, thị trấn, đặc biệt đối với dịch LMLM; chỉ đạo Chi cục Thú y chuẩn bị đầy đủ vắc xin, hóa chất khử trùng và các phương án xử lý nếu có ổ dịch bệnh động vật phát sinh.

 

3. Giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục Thú y) bố trí đầy đủ kinh phí đảm bảo cho các hoạt động chống dịch và phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh trong năm 2016.

 

4. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã:

 

- Phân công cụ thể trách nhiệm cho thành viên Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh động vật cấp huyện kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh xuống tận cơ sở, thôn, xóm, hộ chăn nuôi nhằm nắm tình hình, phát hiện xử lý kịp thời các ổ dịch, hướng dẫn các hộ chăn nuôi các biện pháp phòng, chống.

 

- Chỉ đạo cơ quan thú y cơ sở tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng bệnh trên đàn gia súc, gia cầm theo kế hoạch, tùy theo tình hình dịch tễ thực hiện chỉ đạo tiêm phòng ngay, đảm bảo tiêm phòng đạt 100% số gia súc, gia cầm trong diện tiêm.

 

- Chỉ đạo tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao, các chợ buôn bán, các trang trại, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm; chuẩn bị đầy đủ vôi bột tại xã, thôn, xóm, yêu cầu các hộ có vôi bột dự phòng đầy đủ để thực hiện tiêu độc môi trường chăn nuôi.

 

- Yêu cầu cơ quan thú y, khuyến nông cơ sở hướng dẫn các hộ chăn nuôi chăm sóc, nuôi dưỡng, thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi nhằm nâng cao sức đề kháng hạn chế mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể vật nuôi.

 

- Tổ chức ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đối các chủ buôn bán, thu gom, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của Pháp luật.

 

* Đối với UBND huyện Phú Bình:

 

 - Tiếp tục tổ chức tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng về đặc điểm, tính chất, tác hại và biện pháp phòng, chống bệnh LMLM gia súc để người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc nâng cao nhận thức và tích cực tham gia công tác phòng chống dịch.

 

- Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại cơ sở; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh động vật huyện để thường xuyên theo dõi, phát hiện sớm dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, báo cáo kịp thời để UBND các cấp chỉ đạo thực hiện các biện pháp cần thiết.

 

- Thực hiện triệt để công tác vệ sinh, khử trùng tại nơi đang xảy ra dịch, tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng tiêu độc vùng có nguy cơ cao; tổ chức tiêm phòng vắc xin bao vây, khống chế ổ dịch đối với vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm cho toàn bộ số gia súc trong diện tiêm;

 

- Tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển gia súc và sản phẩm của gia súc ra, vào địa bàn, nghiêm cấm việc vận chuyển gia súc ra khỏi ổ dịch và từ các tỉnh đang có dịch vào địa phương;  xử phạt, tiêu hủy nghiêm và không hỗ trợ thiệt hại các trường hợp vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc trái phép.

 

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành liên quan, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh,Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã nghiêm túc thực hiện các nội dung trên để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả./.