Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ về ATK Định Hoá - Thái Nguyên lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược

17:19, 04/04/2017

Báo Thái Nguyên điện tử giới thiệu cùng bạn đọc Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ về ATK Định Hoá - Thái Nguyên lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (20/5/1947 - 20/5/2017) do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn và phát hành tháng 3 năm 2017:

**********************************************

 

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

Kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ về ATK Định Hoá - Thái Nguyên lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (20/5/1947 - 20/5/2017)

 

1. Thái Nguyên - vùng đất giàu truyền thống yêu nước, cách mạng và văn hóa

 

Thái Nguyên là tỉnh giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Trên mảnh đất này đã ghi danh nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân lịch sử như: Dương Tự Minh, Lưu Trung, Lưu Nhân Chú, Phạm Cuống, Đỗ Cận, Nguyễn Cầu, Phạm Nhĩ, Đàm Sâm…

 

Năm 1884, thực dân Pháp đánh chiếm tỉnh Thái Nguyên, nhưng chúng đã vấp phải tinh thần yêu nước sôi nổi, mạnh mẽ, liên tục của nhân dân Thái Nguyên kéo dài từ cuối thế kỉ XIX sang đầu thế kỉ XX; tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917, do Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo. Trải qua 10 năm đấu tranh cách mạng (1936 - 1945), dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Thái Nguyên đã biểu lộ khí phách của một dân tộc anh hùng. Nhiều cán bộ trung kiên đã không ngại khó khăn, gian khổ, bất chấp mọi hiểm nguy, sẵn sàng hi sinh vì cách mạng, tiêu biểu như Nông Văn Cún, Nhật Sơn... Đồng bào các dân tộc trong tỉnh từ miền núi đến vùng hạ du, từ nông thôn đến thành thị mặc dù liên tục bị kẻ thù khủng bố, đàn áp dã man, bị o ép, khống chế trong các trại tập trung, nhưng vẫn một lòng đi theo bảo vệ cách mạng, chống lại kẻ thù, san sẻ cho Cứu quốc quân từng ngọn rau, bát cháo, che chở, bảo vệ cán bộ… Tinh thần yêu nước của nhân dân đã hun đúc nên truyền thống kiên cường, bất khuất của quê hương Thái Nguyên.

 

Lịch sử tỉnh Thái Nguyên là một bộ phận của lịch sử dân tộc Việt Nam. Sự ra đời cơ sở Đảng đầu tiên (năm 1936) tại xã La Bằng (huyện Đại Từ) đánh dấu bước phát triển quan trọng của phong trào cách mạng tỉnh Thái Nguyên.

 

Theo quyết định của Hội nghị Trung ương Đảng (tháng 11/1940), vùng Bắc Sơn (Lạng Sơn) - Võ Nhai (Thái Nguyên) được xây dựng thành căn cứ địa đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Để đáp ứng yêu cầu của phong trào cách mạng, ngày 15/9/1941, tại Rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, Trung đội Cứu Quốc quân II đã ra đời, là một trong những lực lượng tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Năm 1943, cùng với xã Hoàng Vân (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang), địa bàn các xã Kha Sơn (huyện Phú Bình) và Tiên Phong (huyện Phổ Yên) thuộc tỉnh Thái Nguyên, được chọn làm nơi xây dựng An toàn khu II (ATK II) của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ. Ngày 15/5/1945, tại Đình làng Quặng, xã Định Biên (Định Hóa) diễn ra lễ hợp nhất Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu quốc quân và các lực lượng vũ trang của Đảng trong toàn quốc thành Việt Nam Giải phóng quân.

 

Thái Nguyên cũng là nơi có nền văn hoá lâu đời. Từ những năm 70, 80 của thế kỉ XX, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện, khai quật khu di chỉ khảo cổ trên địa bàn xã Thần Sa (huyện Võ Nhai), bao gồm các hang Phiêng Tung, mái đá Ngườm, Nà Ngùn, Thắm Choong…, với những công cụ cuội (một loại đá) được ghè đẽo như: Mảnh tước, rìu tay, công cụ chặt hình núm, công cụ chặt rìa, công cụ chặt 2 lưỡi, công cụ hình sừng bò… Đặc biệt là việc tìm thấy 3 bộ xương người cổ được mai táng ở mái đá Ngườm, xóm Kim Sơn là những tư liệu quý giúp các nhà khoa học tìm hiểu sâu hơn về nền văn hoá Hoà Bình nổi tiếng. Từ kết quả nghiên cứu di chỉ hang Phiêng Tung và mái đá Ngườm ở Thần Sa, các nhà khảo cổ học đã xác định có một nền văn hóa thuộc hậu kì đồ đá cũ, cách nay khoảng 2 - 3 vạn năm. Thành tựu này có ý nghĩa to lớn đối với nhận thức tiền sử không chỉ ở Việt Nam, mà cả khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ học còn phát hiện ra trống đồng Đông Sơn ở xã Hoà Bình (huyện Đồng Hỷ)...

 

2. Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc lựa chọn Định Hóa - Thái Nguyên làm nơi xây dựng An toàn khu

 

Sau một thời gian dài hoạt động ở nhiều nước, cuối năm 1938, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô đi Trung Quốc để tìm cách về nước lãnh đạo phong trào cách mạng. Tháng 8/1940, từ Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam), Người trở lại Quế Lâm (tỉnh Quảng Tây) cùng với một số cán bộ, chuẩn bị điều kiện và chờ cơ hội thuận lợi để trở về Tổ quốc lãnh đạo phong trào cách mạng. Chính tại nơi đây, với tầm nhìn chiến lược, Nguyễn Ái Quốc đã nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta… Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối được phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ(1).

 

Như vậy, với tầm nhìn chiến lược của Nguyễn Ái Quốc, Thái Nguyên có vị trí đặc biệt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam. Do đó, “… khi Bác về Pác Bó đã có ý định phát triển cơ sở xuống Thái Nguyên, vì Thái Nguyên là một địa bàn quan trọng “tiến có thể đánh, lui có thể giữ” và nhân dân ở đây có truyền thống cách mạng([2]).

 

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (09/3/1945), thời cơ cho nhân dân ta nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền nhanh chóng chín muồi. Từ lúc này, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã có ý định chuyển về huyện Định Hoá (Thái Nguyên) một thời gian để lãnh đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Theo lời kể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “… tôi nhận được chỉ thị của Bác Hồ bố trí cho Bác về làm việc ở Chợ Chu. Tôi bàn với hai anh Tấn và Song Hào đề nghị Bác chọn Tân Trào, vì Chợ Chu tuy cơ sở chính trị, kinh tế đều tốt nhưng có đường thông thương với Thái Nguyên dễ bị uy hiếp; còn Tân Trào, dân cư có thưa thớt, kinh tế có khó khăn nhưng địa thế hiểm trở hơn. Châu Sơn Dương còn cách tỉnh lị Tuyên Quang bởi con sông Lô, tiện bảo vệ([3]). Do vậy, từ tháng 6/1945, khi thành lập Khu giải phóng thì Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) được chọn làm Thủ đô và Định Hoá (Thái Nguyên) là áo giáp bảo vệ Thủ đô từ phía đông.

 

Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân công đồng chí Phạm Văn Đồng cùng một số cán bộ ở lại Việt Bắc một thời gian để củng cố căn cứ địa.

 

Giữa tháng 12/1946, một số cán bộ trong Đội công tác đặc biệt (thành lập tháng 11/1946) lần lượt lên vùng Việt Bắc để khảo sát địa điểm. Sau một thời gian nghiên cứu, Đội quyết định chọn các huyện Định Hoá, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên), cùng với các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Chiêm Hoá (Tuyên Quang) và Chợ Đồn (Bắc Kạn) làm nơi xây dựng An toàn khu (ATK) của Trung ương. Đó là những nơi có đủ các yếu tố địa lợi và nhân hoà, bảo đảm sự an toàn cho các cơ quan đầu não kháng chiến hoạt động trong những năm chiến tranh ác liệt.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển về phía tây nam Hà Nội từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Mờ sáng ngày 04/3/1947, Người rời Sơn Tây, qua bến đò Trung Hà sang địa phận Phú Thọ trên đường di chuyển lên ATK. Cùng đi với Người có 8 cán bộ vừa làm cảnh vệ, vừa làm liên lạc và cấp dưỡng. Đồ dùng của Người mang theo gồm có chăn, màn, vài bộ quần áo, đôi dép cao su, chiếc máy chữ và ít tài liệu, sách vở đựng trong chiếc túi nhỏ. Từ ngày 02/4/1947, Người ở tại làng Xảo (xã Bình Phú, còn gọi là xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang).

 

Tối 19/5/1947, từ làng Xảo (Sơn Dương, Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cán bộ cảnh vệ và giúp việc trèo đèo, lội suối sang ATK Định Hoá. Ngày 20/5/1947, Người đến ở và làm việc tại xã Điềm Mặc (Định Hoá) và ở đó cho đến ngày 11/10/1947.

 

Thời gian đầu ở ATK, các đồng chí phục vụ mới dựng được hai căn nhà để Bác, các đồng chí Vũ Kỳ, Hoàng Hữu Kháng, nữ đồng chí Thường (cấp dưỡng phục vụ Bác) ở và làm việc. Còn các đồng chí khác ở tạm trong nhà đồng chí Ma Đình Tương (lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện Định Hóa). Nơi ở và làm việc của Bác là một căn nhà sàn lợp lá gồm hai gian được dựng trên đồi Khau Tý, nép mình bên cây cổ thụ giữa khu rừng nứa ngộ thuộc thôn Nà Tra. Căn nhà Bác ở thoáng mát, vách nứa được đan rất khéo tay, nhìn rất đẹp. Trên một phía vách có treo một chiếc áo the dài, một khăn xếp, một chiếc ô đen. Đó là những thứ Bác dùng để cải trang khi đi công tác. Dưới sàn có hai chiếc vali dùng để đựng tài liệu và quần áo. Giữa sàn trải một chiếc chiếu. Tất cả “tiện nghi” của Bác Hồ - vị Cha già kính yêu của dân tộc ta, vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ có như thế.

 

Cách căn nhà Bác ở khoảng 10 mét, là một căn nhà nhỏ xinh xắn. Giữa hai căn nhà là sân đất sạch sẽ. Ở góc sân có một xà đơn, một xà kép; cạnh đó là hầm tránh máy bay. Từ nơi Bác ở có con đường mòn đi sang huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang), xuống huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên), lên huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn), ra huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) và nhiều đường tắt đi lại kín đáo, thuận tiện.

 

Để đảm bảo bí mật - một trong những nguyên tắc nghiêm ngặt nhất trong thời kì kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cao cấp thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc. Có lúc, Người ở huyện Định Hoá, có lúc sang Sơn Dương, Yên Sơn, có lúc lên Chợ Đồn hoặc sang Võ Nhai. Riêng huyện Định Hoá, Người đã từng ở và làm việc tại xã Điềm Mặc từ ngày 20/5 đến ngày 11/10/1947, Khuôn Tát (xã Phú Đình) từ ngày 20 đến ngày 28/11/1947, Nà Lọm (Phú Đình) từ ngày 7/3 đến ngày 12/9/1948 và cuối năm 1951, bản Pèo (Phú Đình) từ ngày 12/5 đến ngày 01/6/1949… “Cơ quan Trung ương Đảng, cơ quan đồng chí Trường Chinh thường ở gần cơ quan của Bác và Tổng Quân uỷ, Bộ Tổng Tư lệnh, chủ yếu là ở Lục Rã (Phú Đình), cũng có lúc cơ quan chuyển sang Tân Trào nhưng ít lâu sau lại trở về chỗ cũ…”([4]).

 

Như vậy, một lần nữa, Thái Nguyên là một trong những địa bàn chiến lược được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi đặt đại bản doanh để lãnh đạo quân, dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thái Nguyên là một bộ phận cấu thành của căn cứ địa miền núi phía Bắc.

 

Không chỉ các quyết sách lớn của Đảng và Chính phủ phần lớn đều quyết định tại ATK Định Hoá, mà các hoạt động ngoại giao cũng diễn ra chủ yếu trên đất Thái Nguyên. Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Pôn Muýt (Paul Mus) - đại diện Cao uỷ Pháp, tại thị xã Thái Nguyên. Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp do Lêô Phighe (Léo Figuères) dẫn đầu, các đoàn cố vấn Trung Quốc, đoàn điện ảnh Liên Xô và nhà đạo diễn nổi tiếng Cácmen, nhiều nhà ngoại giao, nhà báo quốc tế… được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tại ATK Định Hoá. “Các đồng chí lãnh đạo Đảng bạn như Chủ tịch Xuvanuvông, đồng chí Cayxỏn, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào, đồng chí Sơn Ngọc Minh, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia… trong thời kì kháng chiến chống Pháp đã ở và làm việc nhiều ngày trên đất Đại Từ…”([5]).

 

Rõ ràng là, Thái Nguyên - trong tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trở thành một địa bàn chiến lược trong ATK Trung ương. ATK Trung ương chính là Thủ đô kháng chiến; trong đó, Thái Nguyên là một bộ phận trọng yếu không thể tách rời. Nói đến Thủ đô kháng chiến chống thực dân Pháp là nói đến một khu vực lãnh thổ thuộc địa phận các huyện Định Hoá, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn), Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hoá (Tuyên Quang) nằm trong căn cứ địa Việt Bắc mà ở đó có các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng Tham mưu… Trong ATK Trung ương, các huyện: Định Hoá (Thái Nguyên), Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang) và Chợ Đồn (Bắc Kạn) là khu vực trung tâm (vòng trong) của Thủ đô kháng chiến.

 

Như vậy, địa hình, địa thế hiểm yếu, cùng với cơ sở cách mạng ra đời sớm và phát triển vững chắc ở đây là những cơ sở rất cơ bản đã giúp cho Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định chọn Thái Nguyên cùng Tuyên Quang, Bắc Kạn làm địa bàn xây dựng ATK Trung ương. Chọn ATK ở Việt Bắc nói chung và Định Hóa nói riêng chính là chọn được nơi an toàn nhất, chắc chắn nhất cho cơ quan đầu não tồn tại và lãnh đạo cuộc kháng chiến đi tới thắng lợi. Sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp trong cuộc tấn công lên Căn cứ địa Việt Bắc Thu - Đông 1947 là thực tế khẳng định việc lựa chọn và xây dựng ATK ở vùng này là hoàn toàn chính xác.

 

3. Vị trí, vai trò của ATK Định Hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược

 

- ATK Định Hóa là một trong những trung tâm lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của cả nước

 

ATK do Trung ương xây dựng tại Định Hóa và một số huyện giáp ranh là khu an toàn lớn nhất và quan trọng nhất, vì đó là căn cứ của các cơ quan đầu não kháng chiến. Chính kẻ thù cũng nhận thấy: “Địch đã tổ chức trong khu tứ giác Chợ Chu - Tuyên Quang - Chiêm Hóa - Chợ Rã một căn cứ địa, từ chỗ ấy chúng chỉ huy và điều khiển cuộc kháng chiến([6]). Bởi vậy, khi mở cuộc tấn công quân sự quy mô lớn lên Việt Bắc (Thu - Đông 1947), thực dân Pháp quyết “phá tan cái kim tự tháp đối nghịch, bằng cách đập vào đầu não những cơ quan quân chính điều khiển và tổ chức hành động Việt Minh trên khắp Đông Dương([7]).

 

Sau Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, nhận rõ vị trí quan trọng của Căn cứ địa Việt Bắc nói chung và ATK nói riêng, Hội nghị Đảng đoàn Chính phủ (19/4/1949), dưới sự chủ tọa của Tổng Bí thư Trường Chinh, quyết định: Lấy 6 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang làm căn cứ địa; thành lập Ban Căn cứ địa, với tên gọi Đội Củng cố số 7, gồm 5 người, do đồng chí Trần Kiên phụ trách. Trong phạm vi rộng lớn ấy, Trung ương nhấn mạnh phải đặc biệt coi trọng những khu vực an toàn nhất, thuận tiện nhất, trong đó có vùng ATK Định Hóa([8]).

 

Tuy nằm trên địa phận một số xã ở huyện Định Hóa và một số huyện khác trong Căn cứ địa Việt Bắc, nhưng sự tồn tại và hoạt động của ATK Định Hóa có tầm vóc quốc gia. Phạm vi hoạt động và ảnh hưởng của ATK Định Hóa không giới hạn trong phạm vi không gian tồn tại của nó, mà rộng khắp cả nước.

 

Thực vậy, tại ATK Định Hóa…, có cả một bộ máy Trung ương Đảng, Chính phủ… ở và làm việc trong những “căn nhà lá tồi tàn với những Bộ trưởng ba lô trên lưng, hồ sơ đựng trong xà cột…”([9]). Nhưng chính “trong những ngôi nhà lá với những ông Bộ trưởng như vậy, những quyết định quan trọng của Nhà nước Việt Nam đã ra đời và đã chôn vùi số phận quân đội viễn chinh([10]).

 

Từ ATK Định Hóa, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng đã cho ra đời nhiều quyết định quan trọng về việc thành lập các phân hiệu võ bị, các trường lục quân, các lớp bổ túc cán bộ quân sự… Từ ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí nhiều sắc lệnh quan trọng để chỉ đạo kháng chiến, kiến quốc. Cũng tại nơi đây, Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh thường xuyên nhận được tin tức về tình hình kháng chiến, kiến quốc ở các địa phương và có những chủ trương, biện pháp chỉ đạo kịp thời, đẩy mạnh mọi mặt hoạt động ở các khu, các tỉnh. Cuối năm 1948, tại ATK Định Hóa, Bộ Tổng chỉ huy ra bản huấn lệnh gửi Nam Bộ, nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ cụ thể cho phong trào kháng chiến Nam Bộ. Nhờ đó, phong trào kháng chiến ở Nam Bộ, sau một chặng đường vô cùng khó khăn trong những ngày đầu, tiếp tục đứng vững và phát triển…

 

Từ ATK Định Hóa, Bộ Tổng chỉ huy ngày đêm nghiên cứu định ra phương châm hoạt động cụ thể thích hợp cho từng chiến trường. Những quyết tâm của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng về mở các chiến dịch Trung Du (1950), Đường số 18, Hà - Nam - Ninh (1951), Hòa Bình (Đông – Xuân 1951 - 1952), Tây Bắc (Thu - Đông 1952), Thượng Lào (Xuân - Hè l953) đều được quyết định tại ATK Định Hoá. Lán Tỉn Keo (Phú Đình) đã từng là nơi Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp thông qua chủ trương chiến lược trong Đông - Xuân 1953 - 1954. Và cũng chính tại nơi đây, Bộ Chính trị hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

 

ATK Định Hóa cũng là một trong những nơi Trung ương Đảng và Chính phủ đề ra các chủ trương, biện pháp chỉ đạo hoạt động kinh tế, tài chính, văn hóa… trong cả nước. Thực hiện chủ trương của Trung ương, khắp nơi trong vùng tự do, các ủy ban tự túc, tự cấp về ăn, mặc được thành lập. Các đơn vị bộ đội, cơ quan, xí nghiệp, trường học… đều dành thời gian để tăng gia sản xuất… Ngoài lương thực và hoa màu, nhiều nơi nhân dân ta còn trồng bông, trồng dâu nuôi tằm. Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ - đặt tại Phượng Tiến - đã sản xuất được một khối lượng giấy, đáp ứng một phần lớn nhu cầu về giấy viết cho các cơ quan.

 

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tại ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm rèn luyện, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ chính quyền các cấp. Người căn dặn, nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Cuối năm 1947, tại Điềm Mặc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cuốn Sửa đổi lối làm việc, kí bút danh X.Y.Z. Đây là một tài liệu rất bổ ích, giúp cho cán bộ, đảng viên trong quá trình rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, tác phong cách mạng. Những điều căn dặn của Người trong tác phẩm đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

 

ATK Định Hóa - nơi có Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ - chính là niềm tin yêu, là nơi nuôi chí bền của cả dân tộc. Trên ý nghĩa ấy, ATK Định Hóa được coi là trung tâm của Thủ đô kháng chiến.

 

- ATK Định Hóa là một trong những nơi thực hiện chế độ dân chủ mới

 

Đầu năm 1947, Định Hóa được tiếp nhận các cơ quan đầu não kháng chiến và trở thành ATK. Từ đó, hơn bất cứ nơi nào khác, Định Hóa có điều kiện thực hiện các quyền tự do dân chủ cho nhân dân các dân tộc.

 

Trong ATK Định Hóa, bộ máy chính quyền các cấp từng bước được củng cố và kiện toàn, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ. Ở đây có các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, cơ quan Bộ Quốc phòng… được chia thành từng bộ phận nhỏ thường xuyên di chuyển, hòa vào với nhân dân ở những bản làng hẻo lánh, được sự che chở của nhân dân, khiến địch khó có thể phát hiện.

 

Tại Định Hóa, dù công quỹ Nhà nước còn hết sức eo hẹp, trong năm 1948, nông dân trong huyện vẫn được vay 40.000 đồng để mua trâu bò, nông cụ. Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách cho nông dân vay vốn mua sắm nông cụ, Đảng bộ và các cấp chính quyền thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống nhân dân các dân tộc. Ngoài khoản trợ cấp hằng năm của Tiểu ban Cứu tế tỉnh dành cho, Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện có biện pháp sử dụng hiệu quả nguồn công quỹ của địa phương. Bà con nông dân trong huyện còn được tiếp thu các biện pháp kĩ thuật, được hướng dẫn tổ chức sản xuất, thành lập tổ đổi công. Ngay từ năm 1950, toàn huyện đã xây dựng được 100 tổ đổi công. Từ đó, phong trào xây dựng tổ đổi công được mở rộng. Đến vụ mùa năm 1963, toàn huyện đã có 605 tổ đổi công. Suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Định Hóa là một trong những huyện có phong trào xây dựng tổ đổi công mạnh nhất tỉnh Thái Nguyên.

 

Định Hóa cũng như một số huyện trong ATK là nơi đầu tiên thể nghiệm chính sách thuế nông nghiệp (tháng 5/1951) của Chính phủ. Không những là nơi thực hiện thí điểm các chính sách kinh tế, tài chính, từng bước đem lại quyền lợi vật chất cho nhân dân các dân tộc, ATK còn là nơi được chú trọng chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa.

 

Nghị quyết Hội nghị Hội đồng Chính phủ (17/8/1947) nêu rõ: “Cần giúp đỡ đồng bào Việt Bắc một cách thiết thực: Chống nạn mù chữ, phát thuốc, tiếp tế… Việc này sẽ thực hiện dần dần trong những khu vực nhỏ để đi tới toàn Việt Bắc…”([11]).

 

Với vị trí là ATK Trung ương, bộ mặt xã hội ở huyện Định Hóa từng bước thay đổi. Các trường học được mở ra ở nhiều nơi. Đến cuối năm 1950, mỗi xã đã có một trường phổ thông, với tổng số 80 lớp, gồm 1.230 học sinh và 38 giáo viên. Phong trào bình dân học vụ thanh toán nạn mù chữ ngày càng mở rộng. Trong năm 1950, toàn huyện có 152 lớp sơ cấp bình dân và 9 lớp dự bị bình dân([12]). Việc chăm lo bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trong vùng được quan tâm, Phong trào “Ba sạch” (ăn sạch, uống sạch, ở sạch) phát triển rộng rãi ở nhiều nơi. Hiện tượng “cầu ma”, “cúng ma” giảm dần…

 

- ATK Định Hóa là một trong những đầu mối quan hệ trong và ngoài nước

 

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến trường toàn quốc bị chia cắt; vùng tự do và vùng tạm bị địch chiếm xen kẽ nhau, việc giao thông liên lạc gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sự liên hệ giữa ATK Trung ương ở Định Hóa với các địa phương, các chiến trường khắp ba miền Bắc - Trung - Nam vẫn được giữ vững.

 

Từ ATK Định Hóa, Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng chỉ huy thường xuyên thu nhận được tình hình chiến sự ở các nơi và kịp thời đề ra phương hướng chỉ đạo cụ thể.

 

ATK Định Hóa cũng là một trong những nơi đón tiếp, gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam với đại biểu nước ngoài. Năm 1948, tại một địa điểm thuộc xã Phú Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng tiếp phái viên của Chu Ân Lai, bàn về việc phối hợp chiến đấu giúp đỡ lẫn nhau giữa quân đội cách mạng hai nước. Tiếp theo sự ra đời nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (tháng 10/1949), chuyến đi bí mật của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ATK sang Trung Quốc và Liên Xô (tháng 01/1950) đã mở ra một thế phát triển mới cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Trung Quốc, Liên Xô, sau đó một loạt nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước ta. Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã cử một số cố vấn sang Việt Nam, thường xuyên làm việc tại ATK Định Hóa, giúp đỡ Chính phủ ta về các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính.

 

4. Xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh giàu có, phồn vinh

 

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã xác định mục tiêu Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, đoàn kết, sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; phát triển kinh tế nhanh và bền vững, xây dựng Thái Nguyên sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, trung tâm vùng trung du và miền núi phía Bắc về phát triển công nghiệp, dịch vụ, y tế và giáo dục - đào tạo” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

 

Sau hơn 80 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên có 19 đảng bộ trực thuộc, với trên 86.000 đảng viên, sinh hoạt tại 718 tổ chức cơ sở đảng. Thái Nguyên được Trung ương Đảng, Chính phủ xác định là một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá, y tế, đào tạo của vùng trung du, miền núi Bắc Bộ; là một trong những trung tâm công nghiệp của miền Bắc, là cái nôi của ngành Công nghiệp luyện kim Việt Nam, với 6 khu công nghiệp, 32 cụm công nghiệp; là trung tâm giáo dục, đào tạo lớn thứ 3 toàn quốc, trong đó có Đại học Thái Nguyên là đại học trọng điểm Quốc gia; thuộc Vùng Quy hoạch xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 

Quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Trung ương Đảng về công tác xây dựng Đảng và thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thời gian qua, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã được tăng cường, các giải pháp được triển khai một cách đồng bộ, có hệ thống. Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỉ luật Đảng được coi trọng; công tác giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được phối hợp tương đối đồng bộ.

 

Thời gian qua, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên rất coi trọng, đẩy mạnh công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, coi đó là nhiệm vụ then chốt trong quá trình xây dựng và trưởng thành. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được những kết quả và kinh nghiệm bước đầu; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi một bước những tiêu cực, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Phát huy những kết quả đã đạt được, Đảng bộ tỉnh xác định việc triển khai, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt trong công tác xây dựng Đảng.

 

Những kết quả đạt được trong công tác xây dựng Đảng đã góp phần tích cực vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tạo bước chuyển dịch mạnh về cơ cấu kinh tế. Năm 2016, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 15,2%, vượt 3,2% so với kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/người/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 477.000 tỉ đồng. Các khu, cụm công nghiệp và các ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh được quan tâm đầu tư phát triển, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, điển hình là Tập đoàn Samsung - Hàn Quốc. Giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt 19,1 tỉ USD; thu ngân sách đạt trên 9.500 tỉ đồng, vượt trên 3.000 tỉ đồng, tăng 46,6% so với kế hoạch. Sản xuất nông, lâm nghiệp ổn định và từng bước chuyển đổi mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, tăng tỉ trọng ngành Chăn nuôi. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả quan trọng, toàn tỉnh đã có 56 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Diện mạo đô thị có nhiều khởi sắc, tỉ lệ đô thị hóa đạt 33,5%. Văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc được bảo tồn và phát huy; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tiếp tục được quan tâm đổi mới, phát triển. Lao động, việc làm có nhiều chuyển biến tích cực, đã giải quyết việc làm cho trên 26.000 người, trong đó tạo việc làm mới 15.000 lao động. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, đến nay chỉ còn 11,4%. An ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

 

Để phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta như lời căn dặn của Bác Hồ khi Người về thăm Thái Nguyên, Đảng bộ tỉnh đã định hướng chỉ đạo xây dựng kế hoạch nhiệm vụ hằng năm, 5 năm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kì 2015 - 2020. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 là tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng và an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, ổn định tình hình, tạo niềm tin trong Đảng, trong nhân dân. Thông qua nội dung của các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch thực hiện trong nhiệm kì, cấp uỷ, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau: Thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp địa phương tham gia công nghiệp phụ trợ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nhân dân. Nâng cao hiệu quả công tác hợp tác kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế. Cải cách hành chính nâng, cao hiệu lực, hiệu quả quản lí Nhà nước, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện tốt công tác quân sự địa phương; tăng cường đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội, phòng ngừa đấu tranh chống diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch chống phá cách mạng trên địa bàn tỉnh, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu phá hoại của địch. Tiếp tục đổi mới và thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

 

Chặng đường phía trước có nhiều thời cơ và thuận lợi song cũng còn rất nhiều khó khăn, thách thức; nhưng chúng ta tin tưởng rằng, với truyền thống cách mạng anh hùng, sự đoàn kết, quyết tâm, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, chắc chắn tỉnh Thái Nguyên với tiềm năng, thế mạnh to lớn, sẽ phát triển nhanh và bền vững./.

 

(1) Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử. Nxb Văn học, Hà Nội, 1977, tr. 38, 39

(2) Võ Nguyên Giáp: ATK Định Hoá trung tâm của Thủ đô kháng chiến chống thực dân Pháp.

(3) Kỉ yếu Hội thảo khoa học: Hồ Chí Minh với việc xây dựng ATK Định Hoá trong căn cứ địa Việt Bắc, xuất bản 1997, tr. 9

(4) Võ Nguyên Giáp: ATK Định Hoá trung tâm của Thủ đô kháng chiến chống thực dân Pháp. Xem: Hồ Chí Minh với việc xây dựng ATK Định Hoá trong căn cứ địa Việt Bắc (1947– 1954). Kỉ yếu Hội thảo khoa học, xuất bản 1997, tr. 8, 10.

(5) Võ Nguyên Giáp: ATK Định Hoá trung tâm của Thủ đô kháng chiến chống thực dân Pháp. Xem: Hồ Chí Minh với việc xây dựng ATK Định Hoá trong căn cứ địa Việt Bắc (1947– 1954). Kỉ yếu Hội thảo khoa học, xuất bản 1997, tr. 8, 10.

(6), (7) Xalăng (Salan): Một đế quốc cáo chung: Việt Minh, địch thủ của tôi. Tập II, bản dịch, tr. 77.

(8)  Nguyễn Xuân Minh (Chủ biên) - Nguyễn Xuân Hùng: Lịch sử ATK Định Hóa trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954). Huyện ủy Định Hóa xuất bản 1997, tr. 85.

(9), (10) Võ Nguyên Giáp: Chiến đấu trong vòng vây. Hồi ức - Hữu Mai thể hiện. Nxb QĐND và Nxb Thanh niên, Hà Nội 1995, tr. 290.

(11) Hồ sơ biên bản Hội đồng Chính phủ trong năm 1947. Số A1/Q003H001 – Cục Lưu trữ Quốc gia, tr. 3.

(12) Nguyễn Xuân Minh (Chủ biên) - Nguyễn Xuân Hùng: Lịch sử ATK Định Hóa trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954)…. Sđd, tr. 93.