Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 15/2017/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 24/7/2017.
Thông tư này được áp dụng đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp và các đơn vị, cá nhân có liên quan.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, cơ sở giáo dục nghề nghiệp sử dụng tiêu chí, tiêu chuẩn làm công cụ để tự đánh giá các hoạt động nhằm đảm bảo, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giải trình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người học và xã hội về chất lượng đào tạo của cơ sở mình. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp sử dụng tiêu chí, tiêu chuẩn để đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn hoặc không đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các tổ chức, cá nhân khác có cơ sở để nhận định, đánh giá và tham gia phản biện xã hội đối với chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp mà họ quan tâm.
Cơ sở đào tạo trình đồ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng (cơ sở đào tạo) sử dụng tiêu chí, tiêu chuẩn để đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp sử dụng tiêu chí, tiêu chuẩn để đánh giá và công nhận đạt hoặc không đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Các tổ chức, cá nhân khác sử dụng tiêu chí, tiêu chuẩn làm cơ sở để đánh giá chất lượng chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng của cơ sở đào tạo mà họ quan tâm.
Tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng
Thông tư đưa ra 8 tiêu chí đánh giá trung tâm giáo dục nghề nghiệp gồm: Tiêu chí 1 - Mục tiêu, sứ mạng, tổ chức và quản lý; tiêu chí 2 - Hoạt động đào tạo; tiêu chí 3 - Nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động; tiêu chí 4 - Chương trình, giáo trình; tiêu chí 5 - Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; tiêu chí 6 - Quản lý tài chính; tiêu chí 7 - Dịch vụ người học; tiêu chí 8 - Giám sát, đánh giá chất lượng.
Đánh giá trường trung cấp, trường cao đẳng, ngoài 8 tiêu chí trên, Thông tư còn đưa ra thêm 1 tiêu chí là nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế.
Theo Thông tư, có 7 tiêu chí đánh giá chương trình đào tạo trình độ sơ cấp gồm: Tiêu chí 1 - Mục tiêu và tài chính; tiêu chí 2 - Hoạt động đào tạo; tiêu chí 3 - Nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên; tiêu chí 4 - Chương trình, giáo trình; tiêu chí 5 - Cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo; tiêu chí 6 - Dịch vụ cho người học; tiêu chí 7 - Giám sát, đánh giá chất lượng.
Chương trình đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng cũng có 7 tiêu chí đánh giá gồm: Tiêu chí 1 - Mục tiêu, quản lý và tài chính; tiêu chí 2 - Hoạt động đào tạo; tiêu chí 3 - Nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên; tiêu chí 4 - Chương trình, giáo trình; tiêu chí 5 - Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo và thư viện; tiêu chí 6 - Dịch vụ cho người học; tiêu chí 7 - Giám sát, đánh giá chất lượng.