Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành các Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của một số Tổng cục trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
* Nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thủy lợi
Quyết định 25/2017/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thủy lợi trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, Tổng cục Thủy lợi là tổ chức thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về thủy lợi và nước sạch nông thôn trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục theo quy định của pháp luật.Tổng cục Thủy lợi có nhiệm vụ và quyền hạn về quy hoạch thủy lợi; điều tra cơ bản thủy lợi; tưới tiêu và công trình thủy lợi; an toàn đập; nước sạch nông thôn...
Trong đó, về tưới tiêu và công trình thủy lợi, Tổng cục có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi; phương án, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và kiến nghị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; hướng dẫn, kiểm tra quy trình kỹ thuật, chính sách tưới, tiêu; quản lý tưới, tiêu, quản lý khai thác công trình thủy lợi.
Bên cạnh đó, Tổng cục hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sa mạc hóa, ngập lụt, úng; tổ chức quan trắc, dự báo, cảnh báo, giám sát về hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ngập lụt, úng, diễn biến bồi lắng, xói lở công trình thủy lợi, số lượng, chất lượng nước; khảo sát, đánh giá, kiểm kê nguồn nước và xây dựng kế hoạch sử dụng nước phục vụ sản xuất, dân sinh.
Về nước sạch nông thôn, Tổng cục hướng dẫn, kiểm tra về điều tra cơ bản, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, chính sách, pháp luật về nước sạch nông thôn; hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, khai thác và bảo vệ công trình cấp, thoát nước nông thôn; tham gia ý kiến về quy hoạch cấp nước sạch nông thôn trong phạm vi cấp tỉnh.
Hướng dẫn, kiểm tra thực hiện phòng, chống, khắc phục hậu quả và hỗ trợ khẩn cấp về nước sạch nông thôn khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng; quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án cấp, thoát nước nông thôn theo phân công, phân cấp của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Về cơ cấu tổ chức, Tổng Cục thủy lợi có 9 đơn vị: Vụ Kế hoạch Tài chính; Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế; Vụ Pháp chế, Thanh tra; Vụ Xây dựng cơ bản; Vụ Nguồn nước và nước sạch nông thôn; Vụ An toàn đập; Văn phòng Tổng cục; Cục Quản lý công trình thủy lợi; Trung tâm Chính sách và kỹ thuật thủy lợi.
Các tổ chức quy định 1 đến 8 nêu trên là các tổ chức giúp Tổng cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Trung tâm Chính sách và kỹ thuật thủy lợi là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng cục.
Tổng cục Thủy lợi có Tổng cục trưởng và không quá 4 Phó Tổng cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật.
* 21 nhiệm vụ của Tổng cục Phòng, chống thiên tai
Theo Quyết định số 26/2017/QĐ-TTg, Tổng cục Phòng, chống thiên tai trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 21 nhiệm vụ chính.
Tổng cục Phòng, chống thiên tai là tổ chức thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống thiên tai, đê điều trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ của Tổng cục Phòng, chống thiên tai là trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; phòng ngừa và kiểm soát rủi ro thiên tai; ứng phó thiên tai; khắc phục hậu quả thiên tai; truyền thông và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật; tiếp công dân; giải quyết kiến nghị khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo thẩm quyền...
Về cơ cấu tổ chức, các đơn vị thuộc Tổng cục Phòng, chống thiên tai gồm: Vụ Kế hoạch, Tài chính; Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế; Vụ Pháp chế, Thanh tra; Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai; Vụ Quản lý thiên tai cộng đồng; Vụ Quản lý đê điều; Văn phòng Tổng cục; Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai; Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng chống thiên tai.
* Nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức Tổng cục Thuỷ sản
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 27/2017/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuỷ sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo đó, Tổng cục Thủy sản là tổ chức thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về thủy sản trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục theo quy định của pháp luật.
Tổng cục Thuỷ sản có nhiệm vụ và quyền hạn về bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản; khai thác thủy sản; đăng ký, đăng kiểm tàu cá; đóng mới, cải hoán tàu cá; nuôi trồng thủy sản; kiểm ngư; ...
Trong đó, về khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản có nhiệm vụ trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phân vùng khai thác thủy sản; phân công, phân cấp quản lý khai thác thủy sản; quy chế quản lý khai thác thủy sản; trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy phép khai thác thủy sản; điều kiện hoạt động khai thác thủy sản của tàu cá nước ngoài trong vùng biển Việt Nam và tàu cá Việt Nam hoạt động khai thác thủy sản trong và ngoài vùng biển Việt Nam.
Bên cạnh đó, hướng dẫn tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp trong hoạt động khai thác thuỷ sản; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quy hoạch khai thác thủy sản, cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá. Về kiểm ngư, Tổng cục có nhiệm vụ tổ chức thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, điều tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản; tổ chức thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, trực đường dây nóng những vấn đề đột xuất, phát sinh nghề cá trên biển; ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý theo phân công của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển theo quy định của pháp luật; hướng dẫn thông tin liên lạc, phòng, tránh thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn tàu cá trên biển...
Về Cơ cấu tổ chức, Tổng cục Thủy sản có 11 đơn vị gồm: 1- Vụ Kế hoạch, Tài chính; 2- Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế; 3- Vụ Pháp chế, Thanh tra; 4- Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản; 5- Vụ Nuôi trồng thủy sản; 6- Vụ Khai thác thủy sản; 7- Văn phòng Tổng cục; 8- Cục Kiểm ngư; 9- Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định nuôi trồng thủy sản; 10- Trung tâm Đăng kiểm tàu cá; 11- Trung tâm Thông tin thủy sản.
Các tổ chức quy định từ 1 đến 8 nêu trên là các tổ chức giúp Tổng cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các tổ chức quy định từ 9 đến 11 là các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục.
Tổng cục Thuỷ sản có Tổng cục trưởng và không quá 4 Phó Tổng cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật.
* Quy định mới về nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức Tổng cục Lâm nghiệp
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 28/2017/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Lâm nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Quyết định này thay thế Quyết định số 59/2014/QĐ-TTg ngày 22/10/2014.
Theo Quyết định mới, Tổng cục Lâm nghiệp là tổ chức thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về lâm nghiệp trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ của Tổng cục là trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định, nghị quyết của Chính phủ; dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; cơ chế, chính sách và các văn bản khác thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản; hướng dẫn xây dựng hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ trên phạm vi cả nước và kiểm tra việc thực hiện; khôi phục, phát triển rừng; hướng dẫn, kiểm tra và tổng hợp báo cáo về hoạt động sản xuất, chế biến, bảo quản lâm sản...
Cơ cấu tổ chức của Tổng cục Lâm nghiệp gồm 15 đơn vị: Vụ Kế hoạch, Tài chính; Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế; Vụ Pháp chế, Thanh tra; Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ; Vụ Phát triển rừng; Vụ Phát triển sản xuất Lâm nghiệp; Văn phòng Tổng cục; Cục Kiểm lâm; Cơ quan quản lý CITES Việt Nam (có Đại diện CITES phía Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh); Vườn quốc gia Tam Đảo; Vườn quốc gia Ba Vì; Vườn quốc gia Cúc Phương; Vườn quốc gia Bạch Mã; Vườn quốc gia Cát Tiên; Vườn quốc gia YokDon./.