Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý.
Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3 ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Nhằm triển khai thi hành Luật kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý.
Mục đích của Kế hoạch nhằm xác định các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành, kết quả đầu ra và trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước.
Theo Kế hoạch, các bộ, ngành liên quan và các địa phương thực hiện tổ chức quán triệt, truyền thông về nội dung Luật Trợ giúp pháp lý và hoạt động trợ giúp pháp lý; tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý; xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Trợ giúp pháp lý; sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để bảo đảm phù hợp với Luật Trợ giúp pháp lý; nâng cấp và vận hành trang thông tin điện tử trợ giúp pháp lý, phần mềm quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý.
Đồng thời, nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý; rà soát người thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thuộc diện được trợ giúp pháp lý trên địa bàn; cập nhật, công bố danh sách tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý trên địa bàn và các thủ tục hành chính theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải xác định các nội dung công việc triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý một cách chi tiết, rõ ràng, gắn với nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về trợ giúp pháp lý ở Trung ương là Bộ Tư pháp và cơ quan có trách nhiệm quản lý Nhà nước về trợ giúp pháp lý ở địa phương là UBND cấp tỉnh. Ngoài ra, đảm bảo sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý; giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện./.