Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Mục tiêu Đề án nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quyền con người nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người học, của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về tầm quan trọng, ý thức tự bảo vệ các quyền của bản thân, tôn trọng nhân phẩm, các quyền và tự do của người khác; ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với nhà nước và xã hội, góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững của đất nước.
Trong đó, giai đoạn 2017 - 2020, đối với giáo dục mầm non và phổ thông (Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông), tổ chức thí điểm ở 3 tỉnh, thành phố đại diện cho ba miền (dự kiến 2 trường mỗi cấp học); đối với giáo dục đại học, tổ chức dạy thí điểm cho các khối trường theo nhóm ngành đào tạo (dự kiến 3 trường mỗi khối trường); đối với giáo dục nghề nghiệp, tổ chức dạy thí điểm cho các khối trường theo nhóm ngành, nghề đào tạo (dự kiến 3 trường mỗi khối trường).
Đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức giáo dục quyền con người cho người học.
Chương trình giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân được xác định cụ thể cho từng cấp học và chương trình đào tạo, trong đó nêu rõ: Mục tiêu giáo dục; nội dung giáo dục; chương trình giáo dục; tài liệu giáo dục.
Trong đó, nội dung giáo dục về quyền con người đối với trẻ em mẫu giáo là những yếu tố cơ bản về quyền, bổn phận của bản thân và của người khác; đối với học sinh Tiểu học là một số kiến thức cơ bản về các nguyên tắc, giá trị về quyền con người (bình đẳng, không phân biệt đối xử, khoan dung và tôn trọng sự khác biệt,…); các quyền con người của trẻ em đã được pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam quy định; với học sinh Trung học cơ sở là các kiến thức cơ bản về các nguyên tắc, giá trị về quyền con người (bình đẳng, không phân biệt đối xử, khoan dung và tôn trọng sự khác biệt,…) ở mức cao hơn so với học sinh Tiểu học.
Còn đối với học sinh Trung học phổ thông, nội dung giáo dục về quyền con người là các kiến thức cơ bản về các nguyên tắc, giá trị về quyền con người, quyền công dân (bình đẳng, không phân biệt đối xử, khoan dung và tôn trọng sự khác biệt,…) ở mức cao hơn so với học sinh Trung học cơ sở; các cơ chế chủ yếu bảo vệ quyền con người.
Với giáo dục nghề nghiệp, nội dung giáo dục về quyền con người đối với học viên gồm: Nội dung cơ bản của quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là quyền con người trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, việc làm; các cơ chế bảo vệ quyền con người; kỹ năng ứng dụng quyền con người trong hoạt động nghề nghiệp; giải quyết tranh chấp phát sinh trong quan hệ lao động; quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động trong quan hệ lao động.
Giáo dục về quyền con người trong các trường đại học bao gồm các nội dung cơ bản sau: Khái niệm, nguồn gốc, bản chất và tính chất của quyền con người, quyền công dân; nội hàm của các quyền con người được quy định trong các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và các công ước quốc tế khác; các quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 và các luật chuyên ngành; bảo vệ, bảo đảm quyền của các nhóm dễ tổn thương trong xã hội; ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể (nhà nước, tổ chức, cá nhân) trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; quan điểm của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Giáo dục về quyền con người trong các trường đại học ngoài các nội dung cơ bản nêu trên còn có nội dung chuyên sâu./.