Từ ngày 01/01/2018, 11 Luật mới sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành

10:48, 26/12/2017

Từ ngày 01/01/2018, 11 Luật mới sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành, Báo Thái Nguyên điện tử giới thiệu những điểm mới nổi bật của 11 Luật này:

1. Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017

Luật này, bổ sung thêm 02 tội mà pháp nhân thương mại (PNTM) phải chịu trách nhiệm hình sự, đó là:

- Tội tài trợ khủng bố quy định tại Điều 300 Bộ luật hình sự 2015: PNTM phạm tội quy định tại Điều này thì mức phạt lên đến 15 tỷ đồng hoặc có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

- Tội rửa tiền quy định tại Điều 324 Bộ luật hình sự 2015: PNTM phạm tội quy định tại Điều này thì mức phạt lên đến 20 tỷ đồng và có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Đồng thời, Luật cũng bổ sung thêm trường hợp phân loại tội phạm là PNTM theo mức độ ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

2. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 có nhiều nội dung hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Đơn cử như sau:

Về thuế, DNNVV được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán đơn giản theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán.

Ngoài ra, DNNVV còn được hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, công nghệ, mở rộng thị trường, hỗ trợ về phát triển nguồn nhân lực cũng như về thông tin, tư vấn và pháp lý. 

Đồng thời, Luật Hỗ trợ DNNVV 2017 cũng sửa đổi bổ sung một số điều của Luật đầu tư 2014, Luật đấu thầu 2013, đơn cử như:
Bổ sung các ngành nghề kinh doanh được ưu đãi đầu tư như:

- Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của DNNVV; 

- Đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ DNNVV, cơ sở ươm tạo DNNVV;

- Đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ DNNVV.

3. Luật Trợ giúp pháp lý 2017 

Luật này bổ sung tiêu chuẩn và điều kiện để thực hiện trợ giúp pháp lý, cụ thể, tư vấn viên pháp luật phải có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên mới được thực hiện trợ giúp pháp lý (TGPL) trong khi Luật TGPL 2006 không quy định về số năm kinh nghiệm.

Luật mới cũng bổ sung thêm tiêu chuẩn trở thành trợ giúp viên pháp lý là “không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật” 
Ngoài ra, Luật còn điều chỉnh về đối tượng được TGPL, trong đó “Người cao tuổi” và “người khuyết tật” phải gặp khó khăn về tài chính mới được TGPL.

Đồng thời, bổ sung thêm các đối tượng được TGPL, đơn cử như:

- Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

- Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo

- Người thuộc 1 trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính:

+ Cha đẻ. Mẹ đẻ, vợ chồng, còn của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ;

+ Người nhiễm chất độc da cam;

+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự;

+ Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình;

+ Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng chống mua bán người;

+ Người nhiễm HIV.

4. Bộ luật hình sự 2015

Bộ luật này bãi bỏ 11 tội danh được quy định tại Bộ luật hình sự 1999, đơn cử như: Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Tội kinh doanh trái phép, Tội tảo hôn, Tội sử dụng trái phép chất ma túy,…
Đồng thời, bổ sung thêm 34 tội danh mới trải đều trên các lĩnh vực, chẳng hạn: Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147); Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 216); Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219),…
Lần đầu tiên đưa pháp nhân thương mại vào phạm vi đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự với một số tội danh cụ thể như: Tội buôn lậu (Điều 188), Tội trốn thuế (Điều 200), Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213),…
Ngoài ra, trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi cũng được làm rõ tại một số tội phạm như: Tội giết người, Tội hiếp dâm, Tội cướp tài sản,…
 

5. Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015

Luật này quy định rõ các quyền của người bị tạm giữ, tạm giam trong quá trình bị tạm giữ, tạm giam.

Theo đó, ngoài các quyền cơ bản như quyền được bảo vệ tính mạng, tài sản, được bảo đảm chế độ ăn, mặc, ở,…người bị tạm giữ, tạm giam còn được thực hiện các quyền quan trọng khác, nổi bật như:

- Được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình; 

- Được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý; 

- Được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự;

- Được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam,…

Đồng thời, chế độ tạm giữ, tạm giam đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi cũng được quy định cụ thể, đặc biệt là chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong nhà tạm giữ, tạm giam. 

Luật này cũng quy định rõ hệ thống tổ chức cơ quan quản lý, cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam so với Quy chế tạm giữ, tạm giam hiện hành. 

6. Luật quản lý, sử dụng tài sản công 2017

Luật quản lý, sử dụng tài sản công 2017 quy định rõ các điều kiện để các đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh.

Theo đó, bổ sung các điều kiện mới so với quy định tại Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước 2008. Cụ thể bao gồm:

- Được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép;

- Không làm mất quyền sở hữu về tài sản công, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước giao;

- Tính đủ khấu hao tài sản cố định, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước theo quy định;

- Nhà nước không cấp kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa đối với tài sản công chỉ được sử dụng vào mục đích kinh doanh.

7. Luật du lịch 2017

Nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch được đơn giản hóa so với quy định hiện hành, đơn cử như:
Để được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, doanh nghiệp chỉ cần nộp 01 bộ hồ sơ đến Tổng cục Du lịch thay vì phải gửi hồ sơ đến Sở Du lịch hoặc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch thẩm định rồi mới gửi đến Tổng cục Du lịch.
Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của khách du lịch, Luật này cũng đồng thời bổ sung một số điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa. Cụ thể là:

- Phải ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng;

- Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.

8. Bộ Luật tố tụng hình sự 2015

Bộ luật tố tụng hình sự 2015 dành một Chương quy định về thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) pháp nhân, theo đó:

- Mọi hoạt động tố tụng của pháp nhân bị truy cứu TNHS được thông qua người đại diện hợp pháp của pháp nhân.

- Bốn biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân gồm:

 + Kê biên tài sản liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân;

+ Phong tỏa tài khoản của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội;

+ Tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động liên quan đến hành vi phạm tội;

+ Buộc nộp một khoản tiền để đảm bảo thi hành án.

- Tòa án có thẩm quyền xét xử đối với pháp nhân là tòa án nơi pháp nhân thực hiện tội phạm, hoặc nơi pháp nhân có trụ sở chính hoặc nơi có chi nhánh.
Đồng thời, Bộ luật này thay đổi quy định “người chưa thành niên” thành “người dưới 18 tuổi” như quy định của Luật trẻ em,  nêu cụ thể 7 nguyên tắc tiến hành tố tụng với các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi.
Luật này cũng nêu cụ thể khái niệm về đầu thú và tự thú trong tội phạm hình sự.

9. Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015      

So với Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự 2004, Luật đã bổ sung quy định mới về các hành vi bị nghiêm cấm, đơn cử như:

- Làm sai lệch hồ sơ vụ án; làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm; can thiệp trái pháp luật vào việc điều tra vụ án hình sự.

- Bức cung, dùng nhục hình; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Cản trở quyền được bào chữa của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can; quyền khiếu nại, tố cáo của người khác.
Ngoài ra, Luật bổ sung chức danh Cán bộ điều tra là người tiến hành tố tụng để phù hợp với Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Luật cũng mở rộng thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT) Bộ Công an; Cơ quan ANĐT Công an cấp tỉnh;  bổ sung thẩm quyền điều tra các tội khủng bố, tội tài trợ khủng bố cho cơ quan ANĐT trong Quân đội.

10. Luật quản lý ngoại thương 2017

Luật quản lý ngoại thương 2017 có nhiều quy định nổi bật về biện pháp quản lý ngoại thương (NT), phát triển hoạt động NT, giải quyết tranh chấp, như:

Các biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và biện pháp tự vệ lần đầu tiên được đưa vào luật.

Luật quy định thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam có quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

 Quy định cụ thể về các biện pháp hành chính:

- Cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu;

- Hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu;

- Quản lý theo giấy phép, theo điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu;

- Chứng nhận xuất xứ hàng hóa;

- Chứng nhận lưu hành tự do;

- Các biện pháp khác.

11. Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016

So với Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 có những điểm mới nổi bật, đơn cử như:

- Công nhận tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo; 

- Bổ sung quy định đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung;

- Các quy định mới liên quan đến cơ sở đào tạo tôn giáo.

Luật cũng cụ thể quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam:

- Được vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo của tổ chức tôn giáo ở Việt Nam;

- Được tổ chức tôn giáo Việt Nam phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị;

- Sinh hoạt tôn giáo tập trung tại cơ sở tôn giáo hoặc tại địa điểm hợp pháp khác ở Việt Nam