Chính phủ vừa ban hành Nghị định 02/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV).
Đài Truyền hình Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ
Theo đó, Đài Truyền hình Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, là đài truyền hình quốc gia thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần giáo dục, nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân bằng các chương trình truyền hình và các loại hình báo chí, truyền thông đa phương tiện khác.
Đài Truyền hình Việt Nam có nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, trung hạn, hàng năm và các dự án quan trọng khác của Đài Truyền hình Việt Nam và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt; tổ chức sản xuất, truyền dẫn, phát sóng, phát hành, lưu trữ các chương trình truyền hình, báo điện tử, báo in theo quy định của pháp luật; quyết định và chịu trách nhiệm về nội dung, chương trình và thời lượng phát sóng hàng ngày trên các kênh chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình địa phương về kế hoạch sản xuất các chương trình phát trên kênh chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam; quản lý, quyết định các dự án đầu tư và xây dựng thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật; tham gia thẩm định các đề án, dự án quan trọng thuộc chuyên môn, nghiệp vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.
Đồng thời, thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, số lượng người làm việc; được vận dụng cơ chế tài chính, tiền lương như doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với các doanh nghiệp do Đài Truyền hình Việt Nam quyết định thành lập và đối với phần vốn góp tại các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;...
Cơ cấu tổ chức
Đài Truyền hình Việt Nam có các đơn vị gồm: 1- Ban Thư ký biên tập; 2- Ban Tổ chức cán bộ; 3- Ban Kế hoạch - Tài chính; 4- Ban Hợp tác quốc tế; 5- Ban Kiểm tra; 6- Văn phòng; 7- Ban Thời sự; 8- Ban Khoa giáo; 9- Ban Truyền hình tiếng dân tộc; 10- Ban Truyền hình đối ngoại; 11- Ban Văn nghệ; 12- Ban Sản xuất các chương trình Giải trí; 13- Ban Sản xuất các chương trình Thể thao; 14- Ban Biên tập truyền hình cáp; 15- Ban Thanh thiếu niên; 16- Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự; 17- Trung tâm Sản xuất phim truyền hình; 18- Trung tâm Tư liệu; 19- Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh; 20- Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Huế; 21- Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng; 22- Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Nha Trang; 23- Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Cần Thơ; 24- Các cơ quan thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại nước ngoài được thành lập theo quy định của pháp luật; 25- Trung tâm Kỹ thuật sản xuất chương trình; 26- Trung tâm Kỹ thuật truyền dẫn phát sóng; 27- Trung tâm Mỹ thuật; 28- Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ truyền hình; 29- Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình; 30- Trung tâm Tin học và Công nghệ truyền hình; 31- Tạp chí Truyền hình.
Các đơn vị từ (1) đến (6) nêu trên là tổ chức giúp việc Tổng giám đốc; các đơn vị quy định từ (7) đến (27) là các tổ chức sản xuất, phát sóng chương trình; các đơn vị quy định từ (28) đến (31) là các tổ chức sự nghiệp khác.
Đài Truyền hình Việt Nam có Tổng Giám đốc và không quá 4 Phó Tổng Giám đốc. Tổng Giám đốc và các Phó Tổng Giám đốc do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật.