Kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh

07:51, 25/05/2018

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có từ 100 giường bệnh trở lên phải thiết lập Hệ thống Kiểm soát nhiễm khuẩn gồm: Hội đồng Kiểm soát nhiễm khuẩn; khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn; mạng lưới Kiểm soát nhiễm khuẩn. Theo yêu cầu chuyên môn và quy mô hoạt động, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, có thể thành lập Trung tâm kiểm soát nhiễm khuẩn.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phải thành lập Hội đồng Kiểm soát nhiễm khuẩn và có nhân viên chuyên trách kiểm soát nhiễm khuẩn.

Đây là nội dung tại dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang được Bộ Y tế xây dựng.

Theo dự thảo, Hội đồng Kiểm soát nhiễm khuẩn do Giám đốc (Thủ trưởng) cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Giám đốc) ban hành quyết định thành lập. Hội đồng Kiểm soát nhiễm khuẩn bao gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các ủy viên.

Hội đồng Kiểm soát nhiễm khuẩn tham mưu cho giám đốc về: Mục tiêu, kế hoạch, tiêu chí chất lượng kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống bệnh dịch; xây dựng, sửa đổi, bổ sung các hướng dẫn, quy trình kỹ thuật chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn phù hợp với quy định của Bộ Y tế; sửa chữa, thiết kế, xây dựng mới các công trình y tế trong đơn vị phù hợp với nguyên tắc kiểm soát nhiễm khuẩn; hỗ trợ giám sát và đào tạo kiểm soát nhiễm khuẩn; họp định kỳ hoặc đột xuất để xem xét, đánh giá và định hướng việc thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn tùy theo quy mô bệnh viện có các bộ phận do Giám đốc quyết định, trong đó tối thiểu phải có bộ phận giám sát.

Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn là đơn vị đầu mối triển khai thực hiện và tham mưu cho Giám đốc, Hội đồng Kiểm soát nhiễm khuẩn về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Cụ thể, xây dựng mục tiêu, kế hoạch và nội dung hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn bao gồm kinh phí cần thiết trình Giám đốc phê duyệt; xây dựng vị trí việc làm, mô tả công việc của nhân viên khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn; xây dựng, cập nhật và tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách, hướng dẫn, quy định, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, bao gồm các quy định về kiểm tra, kiểm soát chất lượng trình Giám đốc phê duyệt và tổ chức thực hiện; tổ chức thực hiện, theo dõi, giám sát, đánh giá, báo cáo, phối hợp việc triển khai các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn và các đề án cải tiến chất lượng kiểm soát nhiễm khuẩn.

Kiểm soát nhiễm khuẩn thực hiện thu thập, tổng hợp, phân tích, quản lý dữ liệu các hoạt động giám sát, bao gồm: Giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện; giám sát phát hiện, điều tra dịch trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; giám sát tuân thủ các quy trình kỹ thuật liên quan đến kiểm soát nhiễm khuẩn; giám sát môi trường trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; phối hợp giám sát vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh; phối hợp giám sát, tư vấn sử dụng kháng sinh hợp lý…

Mạng lưới Kiểm soát nhiễm khuẩn gồm đại diện các khoa lâm sàng và cận lâm sàng; mỗi khoa cử ít nhất một bác sĩ và một điều dưỡng/hộ sinh tham gia mạng lưới Kiểm soát nhiễm khuẩn. Hoạt động của mạng lưới Kiểm soát nhiễm khuẩn dưới sự chỉ đạo chuyên môn của Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. Các thành viên mạng lưới Kiểm soát nhiễm khuẩn phải được đào tạo, có chứng chỉ về kiểm soát nhiễm khuẩn và thường xuyên được huấn luyện cập nhật.

Mạng lưới Kiểm soát nhiễm khuẩn tham gia tổ chức thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại khoa theo phân công của Giám đốc; tham gia kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn các nhân viên y tế và các đối tượng khác tại khoa thực hiện các quy định, quy trình chuyên môn kiểm soát nhiễm khuẩn; định kỳ và đột xuất báo cáo Lãnh đạo khoa và khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn về tình hình nhiễm khuẩn bệnh viện và công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại khoa.