Hướng dẫn tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định

08:30, 11/06/2018

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 45/2018/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thông tư nêu rõ, tài sản cố định hữu hình là những tài sản có hình thái vật chất, có kết cấu độc lập hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định, thỏa mãn đồng thời cả 02 tiêu chuẩn dưới đây: Có thời gian sử dụng từ 01 năm trở lên; có nguyên giá từ 10.000.000 đồng trở lên.

Tài sản cố định vô hình là những tài sản không có hình thái vật chất mà cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã đầu tư chi phí tạo lập tài sản hoặc được hình thành qua quá trình hoạt động, thỏa mãn đồng thời cả 02 tiêu chuẩn quy định nêu trên.

Cụ thể, tài sản cố định hữu hình gồm: Nhà làm việc; hội trường; bảo tàng; nhà trẻ; nhà mẫu giáo; phòng học; nhà khách; nhà ở; nhà công vụ; xe ô tô phục vụ công tác các chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung, xe ô tô chuyên dùng, xe ô tô phục vụ lễ tân nhà nước và xe ô tô khác; máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến; máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị; máy móc, thiết bị chuyên dùng và máy móc, thiết bị khác; cây lâu năm, súc vật làm việc và/hoặc cho sản phẩm…

Tài sản cố định vô hình gồm: Quyền sử dụng đất; quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả; quyền sở hữu công nghiệp; quyền đối với giống cây trồng; phần mềm ứng dụng; thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập (bao gồm các yếu tố năng lực, chất lượng, uy tín, yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống của đơn vị sự nghiệp công lập và các yếu tố khác có khả năng tạo ra các quyền, lợi ích kinh tế cho đơn vị sự nghiệp công lập)…

Mức hao mòn hàng năm của từng tài sản cố định được tính theo công thức sau:

Mức hao mòn hàng năm của từng tài sản cố định

     =

Nguyên giá của tài sản cố định

      x

Tỷ lệ tính hao mòn (% năm)

Hàng năm, trên cơ sở xác định số hao mòn tăng và số hao mòn giảm phát sinh trong năm, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tính tổng số hao mòn của tất cả tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cho năm đó theo công thức sau:

Số hao mòn tài sản cố định lũy kế tính đến năm (n)

  =

Số hao mòn tài sản cố định đã tính đến năm (n-1)

   +

Số hao mòn tài sản cố định tăng trong năm (n)

   -

Số hao mòn tài sản cố định giảm trong năm (n)

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/7/ 2018 và được áp dụng từ năm tài chính 2018.