Trong tháng 3/2020 sẽ có nhiều chính sách mới mới liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội chính thức bắt đầu có hiệu lực, trong đó nổi bật là:
1. Nguyên tắc xác định quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm
Ngày 21/01/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chăn nuôi.
Theo đó, quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm được quy định như sau:
- Từ 300 đơn vị vật nuôi trở lên là chăn nuôi trang trại quy mô lớn;
- Từ 30 đến dưới 300 đơn vị vật nuôi là chăn nuôi trang trại quy mô vừa;
- Từ 10 đến dưới 30 đơn vị vật nuôi là chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ;
- Dưới 10 đơn vị vật nuôi là chăn nuôi nông hộ.
Đơn vị vật nuôi là đơn vị quy đổi của gia súc, gia cầm theo khối lượng sống, không phụ thuộc vào giống, tuổi và giới tính; mỗi đơn vị vật nuôi tương đương với 500 kg khối lượng vật nuôi sống.
Nghị định 13/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 05/03/2020.
2. Cảnh sát giao thông “vòi tiền” người vi phạm bị buộc thôi việc
Buộc thôi việc là hình thức xử lý kỷ luật cao nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức khi có hành vi vi phạm trong quá trình xử lý vi phạm hành chính được đề cập tại Nghị định số 19 năm 2020 của Chính phủ.
Nghị định có hiệu lực từ 31/3/2020. Riêng các quy định về xử lý kỷ luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.
Theo đó, công chức, viên chức nói chung và cảnh sát giao thông nói riêng sẽ bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc nếu có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; Dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi bị xử lý vi phạm hành chính.
Hình thức kỷ luật này cũng được áp dụng với hành vi giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính; Đe dọa, trù dập người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan kiểm tra…
Ở mức độ nhẹ hơn, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm có thể bị khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức hoặc cách chức.
3. Các nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học
Nội dung này được đề cập tại Thông tư 27/2019/TT-BGDĐT quy định nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 01/3/2020.
Theo đó, các nội dung chính ghi trên văn bằng gồm có:
- Tiêu đề gồm Quốc hiệu và Tiêu ngữ;
- Tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo (bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ, văn bằng trình độ tương đương);
- Ngành đào tạo;
- Tên cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng;
- Họ, chữ đệm, tên của người được cấp văn bằng;
- Ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng;
- Hạng tốt nghiệp (nếu có);
- Địa danh, ngày tháng năm cấp văn bằng;
- Chức danh, chữ ký, họ, chữ đệm, tên của người có thẩm quyền cấp văn bằng và đóng dấu theo quy định;
- Số hiệu, số vào sổ gốc cấp văn bằng.
Như vậy, nội dung chính ghi trên văn bằng sẽ không bắt buộc ghi nhận các nội dung như hình thức đào tạo hay xếp loại tốt nghiệp ...
4. Trợ cấp đối với nhà giáo chưa có phụ cấp thâm niên trong lương hưu
Chính phủ ban hành Nghị định 14/2020/NĐ-CP quy định về chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu (có hiệu lực từ ngày 15/3/2020 và thay thế Quyết định 52/2013/QĐ-TTg ngày 30/8/2013).
Cụ thể, đối tượng áp dụng của Nghị định 14/2020/NĐ-CP bao gồm:
- Nhà giáo là giáo viên, giảng viên, cô nuôi dạy trẻ, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chủ nhiệm nhà trẻ, phó chủ nhiệm nhà trẻ, giám đốc, phó giám đốc, trưởng khoa, phó trưởng khoa, chủ nhiệm khoa, phó chủ nhiệm khoa, trưởng ban, phó trưởng ban, trưởng phòng, phó trưởng phòng, nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành hoặc nghỉ chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu và bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1994 đến ngày 31/5/2011 tại các cơ sở giáo dục công lập sau:
+ Cơ sở giáo dục mầm non;
+ Cơ sở giáo dục phổ thông;
+ Cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
+ Cơ sở giáo dục đại học;
+ Cơ sở giáo dục thường xuyên;
+ Các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
- Nhà giáo nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục hoặc nghỉ chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu và được bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1994 đến ngày 31/5/2011 tại cơ sở giáo dục bán công nhưng trước đó được điều động từ các cơ sở giáo dục công lập hoặc tại cơ sở giáo dục bán công do cấp có thẩm quyền chuyển đổi từ cơ sở giáo dục công lập và được xếp lương theo bảng lương của ngạch viên chức ngành giáo dục.
- Nhà giáo làm công tác giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập được cấp có thẩm quyền cử làm chuyên gia giáo dục ở ngoài nước, khi hết thời gian làm chuyên gia về nước thì nghỉ hưu ngay.
- Nhà giáo nghỉ hưu có thời gian tham gia giảng dạy ở các lớp học được tổ chức tại các đơn vị thanh niên xung phong mà chưa hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước dành cho thanh niên xung phong; nhà giáo là quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu sau đó chuyển ngành về công tác giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập khi nghỉ hưu là giáo viên, giảng viên trong lương hưu có phụ cấp thâm niên lực lượng vũ trang nhưng không có phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Lưu ý: Đối tượng nêu trên đã được giải quyết chế độ theo quy định tại Quyết định 52/2013/QĐ-TTg thì không được hưởng, không được điều chỉnh mức trợ cấp đã hưởng theo quy định tại Nghị định 14/2020/NĐ-CP.
5. Điều kiện với ô tô đã qua sử dụng sẽ đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu
Đây là quy định được đề cập tại Thông tư 04/2020/TT-BCT quy định về đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng theo cam kết tại Hiệp định CPTPP.
Theo đó, ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan phải tuân thủ theo các quy định sau:
- Được đăng ký lưu hành tại nước xuất khẩu trước khi về đến cửa khẩu Việt Nam theo quy định của pháp luật.
- Đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP và phải có Giấy chứng nhận xuất xứ khi làm thủ tục nhập khẩu.
- Đáp ứng các quy định của pháp luật về quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô, các quy định về cửa khẩu nhập khẩu ô tô.
- Chủng loại ô tô nhập khẩu phải phù hợp với nội dung của Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô theo quy định của pháp luật.
Thông tư 04/2020/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 05/3/2020.
6. 03 quy chuẩn kỹ thuật lĩnh vực TT&TT có hiệu lực từ 01/3/2020
Bộ TT&TT đã ban hành 03 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có hiệu lực từ 01/3/2020.
(1) QCVN 35:2019/BTTTT về chất lượng dịch vụ điện thoại trên mạng viễn thông cố định mặt đất ban hành kèm theo Thông tư 07/2019/TT-BTTTT ngày 16/8/2019.
(2) QCVN 34:2019/BTTTT về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất ban hành kèm theo Thông tư 08/2019/TT-BTTTT ngày 16/8/2019.
(3) QCVN 81:2019/BTTTT về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất ban hành kèm theo Thông tư 09/2019/TT-BTTTT ngày 16/8/2019.
7. Quy định mới về điều kiện thanh toán thuốc cho người có thẻ BHYT
Tại Thông tư 01/2020/TT-BYT vừa được ban hành mới đây, Bộ Y tế đã sửa đổi, bổ sung danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế. Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/3/2020.
So với quy định tại Thông tư 30 năm 2018, điều kiện và tỷ lệ thanh toán của một số loại thuốc được thay đổi như sau:
- Thuốc Liraglutide: Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 30% cho người bệnh đái tháo đường tuýp 2 đáp ứng đồng thời các tiêu chí:
+ Trên 40 tuổi, BMI > 23, mắc đái tháo đường tuýp 2, có bệnh lý tim mạch hoặc tăng huyết áp;
+ Không kiểm soát đường huyết sau thời gian 03 tháng
+ Suy thận nồng độ CrCI < 59 ml/phút
- Tinh bột este hóa: Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán điều trị giảm thể tích tuần hoàn do mất máu cấp khi việc sử dụng dịch truyền đơn thuần không cải thiện lâm sàng; điều trị sốt xuất huyết Dengue nặng theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue của Bộ Y tế
- Thuốc Imatinib: Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán điều trị bệnh bạch cầu tủy mạn hoặc u mô đệm dạ dày ruột với mức thanh toán 80% (trước đây chỉ thanh toán 50%).