Từ đầu tháng 8, một số chính sách mới bắt đầu có hiệu lực, xin giới thiệu tói đọc giả những chính sách nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 08/2020:
1. Điều kiện giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020
Nghị quyết 116/2020/QH14 về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2020 đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế TNDN (gọi chung là doanh nghiệp) bao gồm:
- Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định;
- Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã;
- Tổ chức khác được thành lập theo quy định có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.
Cụ thể, giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.
Doanh nghiệp tự xác định số thuế được giảm khi tạm nộp thuế TNDN theo quý và quyết toán thuế năm 2020.
Nghị quyết 116/2020/QH14 có hiệu lực từ ngày 03/8/2020 và áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020.
2. Quy định mới khi chọn Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp
Chính phủ ban hành Nghị định 66/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp có hiệu lực từ ngày 01/8/2020.
Theo đó, ngoài khuyến khích, ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư (CĐT) xây dựng hạ tầng kỹ thuật (HTKT) các cụm công nghiệp khi có hồ sơ đáp ứng theo quy định, Nghị định 66 còn bổ sung thêm:
- Trong quá trình thẩm định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, Sở Công Thương báo cáo UBND cấp tỉnh thành lập Hội đồng đánh giá lựa chọn CĐT để chấm điểm (thang điểm 100) cho các tiêu chí:
+ Phương án đầu tư xây dựng HTKT (tối đa 15 điểm);
+ Phương án quản lý, bảo vệ môi trường cụm công nghiệp (tối đa 15 điểm);
+ Năng lực, kinh nghiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã (tối đa 30 điểm) và phương án tài chính đầu tư xây dựng HTKT (tối đa 40 điểm).
- Nếu có số điểm từ 50 trở lên thì được UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định giao làm CĐT xây dựng HTKT.
- Trường hợp dự án xây dựng HTKT cụm cụm công nghiệp theo hình thức đối tác công tư thì lựa chọn CĐT theo quy định của pháp luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
3. Diện tích tối thiểu để công nhận kho ngoại quan
Nghị định 67/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 68/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan có hiệu lực từ ngày 10/8/2020.
Theo đó, quy định mới về điều kiện diện tích công nhận kho ngoại quan (KNQ) như:
- Nằm trong khu vực cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng cạn, cảng hàng không quốc tế,...phải có diện tích kho chứa hàng tối thiểu 1.000 m2;
- KNQ chuyên dùng có diện tích kho chứa hàng tối thiểu 1.000 m2 hoặc thể tích kho chứa hàng tối thiểu 1.000 m3;
- Nằm trong khu công nghiệp phải có diện tích khu đất tối thiểu 4.000 m2 (bao gồm kho, bãi và các công trình phụ trợ), trong đó kho chứa hàng phải có diện tích tối thiểu 1.000 m2;…
Ngoài ra, quy định mới còn yêu cầu dữ liệu về hình ảnh của hệ thống camera trong KNQ phải được lưu giữ tối thiểu 06 tháng (hiện hành tối thiểu là 12 tháng).
4. Ban hành danh mục sản phẩm công nghiệp an ninh
Theo Nghị định 63/2020/NĐ-CP về công nghiệp an ninh có hiệu lực từ ngày 01/8/2020, danh mục sản phẩm công nghiệp an ninh gồm 02 loại: chuyên dụng và lưỡng dụng, trong đó:
- Sản phẩm chuyên dụng: có tính năng đặc thù phục vụ công tác bí mật nghiệp vụ, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội,…của lực lượng Công an và lực lượng thực thi pháp luật khác như:
+ Vũ khí, vật liệu nổ phục vụ quốc phòng, an ninh;
+ Phương tiện cơ động đặc chủng, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ chuyên dùng phục vụ an ninh;
+ Thiết bị quang học, laser phục vụ an ninh;
- Sản phẩm lưỡng dụng: phục vụ công tác của lực lượng Công an, lực lượng thực thi pháp luật khác và nhu cầu hợp pháp của xã hội như:
+ Tài liệu nghiệp vụ, hồ sơ, sách báo chính trị, tạp chí chuyên ngành…;
+ Phương tiện, thiết bị, sản phẩm PCCC, cứu nạn, cứu hộ;…
5. Phạm vi tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của công an cấp huyện
Thông tư 65/2020/TT-BCA về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT có hiệu lực từ ngày 05/8/2020.
Theo đó, công an cấp huyện bố trí lực lượng, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính, gồm:
- Các tuyến quốc lộ, đoạn quốc lộ không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Thông tư này;
- Các đoạn quốc lộ thuộc các tuyến quốc lộ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Thông tư này đi qua thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện theo kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng phòng CSGT;
- Các tuyến đường tỉnh; đường huyện; đường xã; đường chuyên dùng; đường đô thị không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Thông tư này;
- Phối hợp với Phòng CSGT tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính theo kế hoạch của Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng phòng CSGT.
6. Thay đổi màu nền biển số xe hoạt động kinh doanh vận tải
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 58/2020/TT-BCA về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có hiệu lực từ ngày 01/8/2020.
Theo đó, xe hoạt động kinh doanh vận tải của tổ chức, cá nhân trong nước sẽ có sự thay đổi sau:
- Biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen sêri biển số sử dụng lần lượt một trong 20 chữ cái sau: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z (hiện tại biển số nền màu trắng);
- Nếu đang hoạt động kinh doanh vận tải trước ngày 01/8/2020 thì phải thực hiện đổi sang biển số nền màu vàng trước ngày 31/12/2021.
7. Điều kiện làm việc trên tàu biển Việt Nam của thuyền viên nước ngoài
Theo Thông tư 43/2019/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 17/2017/TT-BGTVT về điều kiện để thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 01/8/2020), một số điều kiện được sửa đổi như sau:
- Đối với trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động (GPLĐ) thì phải có văn bản xác nhận do Cục Việc làm Bộ LĐ-TB&XH, các Sở LĐ-TB&XH cấp (hiện hành không quy định);
- Hợp đồng lao động thuyền viên phải phù hợp với GPLĐ hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp GPLĐ;
- Hộ chiếu còn thời hạn ít nhất 6 tháng do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà thuyền viên đó mang quốc tịch cấp (hiện tại không quy định thời hạn này);
- Yêu cầu về kinh nghiệm của thuyền viên: đã có thời gian đi biển tối thiểu 36 tháng;
- Chứng chỉ chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà Việt Nam ký thỏa thuận công nhận chứng chỉ chuyên môn theo Công ước STCW thì mới phải có Giấy công nhận Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn.
8. Từ 31/12/2021, chủ xe phải tự trả chi phí gắn thẻ đầu cuối lần đầu
Quyết định 19/2020/QĐ-TTg về thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020.
Theo đó, phương tiện giao thông đường bộ thuộc đối tượng chịu phí dịch vụ sử dụng đường bộ và các phương tiện được miễn phí sử dụng dịch vụ đường bộ phải được gắn thẻ đầu cuối.
Chủ phương tiện không phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho lần lắp đặt đầu tiên trước ngày 31/12/2021; từ ngày 31/12/2021 trở đi thì phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí.
Ngoài ra, Quyết định 19 còn quy định về tiến độ thực hiện việc thu phí điện tử không dừng đối với các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.