Từ 01/9/2020, một số Nghị định của Chính phủ sẽ có hiệu lực thi hành, xin giới thiệu đến bạn đọc 1 số Nghị định này
1. Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên phổ thông là 08 tuần
Từ ngày 01/9/2020, Nghị định 84/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực thi hành.
Theo đó, thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 08 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm (quy định hiện hành là 2 tháng).
Trường hợp đột xuất, khẩn cấp để phòng chống thiên tai, dịch bệnh hoặc trường hợp cấp bách, thời gian nghỉ hè của giáo viên do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định theo thẩm quyền.
Ngoài thời gian nghỉ hè, giáo viên được nghỉ lễ, tết và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động.
Căn cứ kế hoạch thời gian năm học do Bộ GD&ĐT ban hành và điều kiện cụ thể của địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thời điểm nghỉ hè của giáo viên ở cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn.
2. Quy định mới về hồ sơ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp từ 01/9/2020
Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, theo đó hồ sơ phát hành trái phiếu bao gồm:
- Phương án phát hành trái phiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 163;
- Bản công bố thông tin về đợt phát hành trái phiếu theo Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định 163;
- Hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp phát hành với các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến đợt phát hành trái phiếu;
- Báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán;
- Kết quả xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và loại trái phiếu phát hành (nếu có);
- Hợp đồng mua trái phiếu trong đó bao gồm cam kết của nhà đầu tư về việc đã tiếp cận đầy đủ nội dung công bố thông tin trước khi phát hành và hiểu rõ các rủi ro khi mua trái phiếu (hiện hành không yêu cầu).
3. Phạt đến 30 triệu đồng nếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo
Đây là nội dung tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; HN&GĐ; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Theo đó, phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với cá nhân có một trong các hành vi vi phạm quy định về công chứng hợp đồng, giao dịch sau:
- Giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch để công chứng hợp đồng, giao dịch;
- Giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng;
- Yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo;
- Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng hợp đồng, giao dịch;
- Cản trở hoạt động công chứng.
Đồng thời, buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hành vi vi phạm trên (trừ hành vi cản trở hoạt động công chứng).