Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Căn cước năm 2023 chính thức có hiệu lực từ 1/7/2024. Theo đó, Luật bổ sung đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước là người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch đồng thời quy định rõ giá trị sử dụng của Giấy chứng nhận căn cước.
Luật Căn cước năm 2023 được thông qua và có hiệu lực vào ngày 01/07/2024 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, quản lý dân cư và đảm bảo quyền công dân. So với quy định tại Luật Căn cước công dân năm 2014 thì Luật Căn cước năm 2023 có nhiều điểm mới, đặc biệt là bổ sung Giấy chứng nhận căn cước, đây là điểm mới hoàn toàn so với quy định trước đây.
Theo thống kê của Bộ Công an, hiện nước ta có khoảng 31.117 người gốc Việt không xác định được quốc tịch. Trong đó, con lai giữa công dân Việt Nam với nước ngoài chưa xác định được quốc tịch tập trung tại các tỉnh Gia Lai, Bạc người Liêu, Vĩnh Long… có 775 trường hợp; người không xác định được quốc tịch, chưa được đăng ký cư trú tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai... với 10.650 trường hợp; người không có giấy tờ tùy thân tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Dương... 16.161 trường hợp.
Việc không có quốc tịch khiến cho người gốc Việt sinh sống ở Việt Nam gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống, khi làm thủ tục hành chính, thực hiện giao dịch dân sự; đặc biệt khi thực hiện các quyền kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
Từ 1/7/2024, Luật Căn cước 2023 chính thức có hiệu lực thi hành, trong đó quy định cụ thể về giấy chứng nhận căn cước và quản lý về căn cước đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.
Việc cấp Giấy chứng nhận Căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch được nhiều ý kiến đánh giá là quy định tiến bộ, nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ và Nhà nước xuất phát từ tôn trọng quyền con, điều này phù hợp với Hiến pháp và các điều ước quốc tế. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý nhà nước được chặt chẽ; tạo thuận lợi cho công tác hoạch định chính sách phát triển xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Theo đó, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam là người đang sinh sống tại Việt Nam, không có giấy tờ, tài liệu chứng minh có quốc tịch Việt Nam và nước khác nhưng có cùng dòng máu về trực hệ với người đã từng có quốc tịch Việt Nam được xác định theo nguyên tắc huyết thống.
Cụ thể, khoản 1 Điều 30 Luật căn cước quy định: Giấy chứng nhận căn cước được cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 06 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.
Khoản 4 Điều 30 Luật căn cước quy định nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước là cơ quan quản lý căn cước của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý căn cước của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch sinh sống.
Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý căn cước quy định tại điểm a khoản này tổ chức làm thủ tục cấp giấy chứng nhận căn cước tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.
Về giá trị sử dụng của Giấy chứng nhận căn cước, khoản 5 Điều 30 Luật này cũng xác định rõ: giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng số định danh cá nhân trên giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra thông tin của người được cấp giấy chứng nhận căn cước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Khi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch phải xuất trình giấy chứng nhận căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không được yêu cầu người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được chứng nhận trong giấy chứng nhận căn cước, trừ trường hợp thông tin của người đó đã được thay đổi hoặc thông tin trong giấy chứng nhận căn cước không thống nhất với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin