Người không đứng trong dàn đồng ca

15:20, 07/05/2007

84 tuổi, chưa hết ngang. Tôi đã nhận xét thẳng thắn về ông. Nghe vậy, ông cười: Tớ là thế, cả đời tớ đã sống như thế, luôn tự tìm cho mình một lối đi riêng-thế mới là Hải Như.

Sớm bước vào vườn thi ca, túi thơ làm bầu bạn, Hải Như dong duổi qua nhiều miền đất của tổ quốc, rồi định cư lại ở T.P Hồ Chí Minh. Lần trở lại vùng đất gió ngàn ATK định Hoá (Thái Nguyên) này, cùng đi với ông còn có người bạn mấy mươi năm chung chăn gối-vợ ông, bà Nguyễn Ngọc Tỉnh, kém ông có 2 tuổi đời.

Từng một thời khoác áo quân nhân, cầm bút viết báo và chẳng nhớ chuyển hẳn sang thế giới của thơ từ khi nào. Ông say mê sáng tác, nhưng thật sự đăng đàn, thành danh khi mọi người... tức tưởi khóc thương Bác Hồ. Chuyện là năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, là người Việt Nam có ai không đau đớn rơi nước mắt. Song, Hải Như đã khóc người bằng thơ, bằng cả niềm rung cảm trào dâng. Bài thơ “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi” Hải Như đã viết bằng cả trái tim mình, ông viết trong thổn thức, lo lắng, đến cả ánh trăng nghiêng soi cũng sợ phiền giấc của Người.

...Trăng vào cửa sổ đòi thơ
Bác vừa chợp mắt xin chờ trăng ơi...


Lời tự sự cùng trăng bình dị, mà ẩn trong đó sự cao siêu của ngôn từ. Ngay sau đó, bài thơ được phổ nhạc, trở thành bài hát tưởng nhớ Người.

Tuy chưa một lần gặp Bác, nhưng niềm rung cảm trong ông đã cất lên thành hơn bốn mươi bài thơ về Hồ Chí Minh. Ông bảo: Tớ làm thơ về Bác là muốn nói với mọi người trong xã hội cần sống, học tập theo tấm gương của Bác. Nên đọc thơ của tớ, nhiều người cũng không thích vì thấy bị chạm lòng. Có lần, trong một diễn đàn lớn về thi ca, bạn bè không thấy tên mình đã hỏi: Sao không thấy tên Hải Như? Tớ bảo: Tại tớ không đứng trong dàn đồng ca.

Khi đã thành danh, ông càng khiêm nhường, sáng tác có trách nhiệm hơn. Đó là ý thức của người nổi tiếng, không thể chạy xô, nhất là khi ông dong duổi đường thơ tựa con thuyền có bánh lái là ý thức của một công dân muốn đóng góp ý kiến với các vị lãnh đạo đất nước. Và mái chèo đưa thuyền thơ cập bến, không gì khác, đó là những bài thơ.

Ngay bên mái lán Tỉn Keo (Phú Đình-Định Hoá), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch đánh Điện Biên Phủ, ông trò chuyện với chúng tôi, thân thiện như một người cha dành cho con. Có lúc lại gần gũi như những bạn thơ, hồn nhiên, đầy chất lãng mạn, cứ ăm ắp nhựa sống, dưỡng nuôi một tâm hồn thơ mãi trẻ trung.

Ngắm ông trong hoàng hôn trên đỉnh đèo De cách mạng, bất chợt có giọt nắng vương trên mái tóc hoa râm, khiến tôi liên tưởng tới cuốn tiểu thuyết “Người cùng thời” của nhà văn Nga Erya Ranh Bua. Sách có đoạn viết: ...Nhiều người cùng thời với tôi đã bị bánh xe thời gian đè bẹp. Tôi còn sống sót không phải vì tôi giỏi giang gì hơn họ, và tôi nhìn xa, trông rộng hơn họ. Mà vì có những thời thân phận con người giống như cái vé sổ số, không tuân theo luật chơi chặt chẽ của những ván cờ... Với nhà thơ Hải Như, ông lăn lóc, trải nghiệm trong trường đời, thấu được cái tâm của người khác và được bạn thơ ví như hạt ngô trên chảo lửa. Tất cả nở bung, còn ông rắn đanh lại như viên đá quý, rồi lặng lẽ toả sáng.

Trong nghiệp thơ, Hải Như luôn khắt khe với chính mình. Ông tâm niệm: Thơ có luật chơi của thơ, nhưng thơ không cho phép người thai nghén, sinh ra nó cứ na ná như muôn nghìn bài thơ, hoặc cố gắng mà thai nghén, mà sản sinh cho xã hội những “quái thai” thơ... Đó là nỗi buồn của văn hoá dân tộc. Vì lẽ ấy, thơ Hải Như đọng lại được với nhiều thế hệ, vì trong thơ ông có tính triết học, lý lẽ sâu lắng khiến người đọc phải tự vấn lại mình. Càng làm thơ, ông càng thấy mình có nợ với độc giả, kể từ Một khúc Thu Bồn, một đoạn dốc Trường Sơn... ông qua.
Trong bài “Thử định nghĩa thơ” có đoạn:

Thơ là gì?
Thơ là cái ai cũng làm được
Nhưng... không hay
Vì người làm không rung động cũng làm.


Là nhắc nhở-Hải Như được quyền kiêu ngạo, tôi nghĩ thế vì đã gần 40 năm nay, ông như con tằm cần mẫn nhả sợi thơ cho cuộc sống. Cùng thời gian, ông đã cho xuất bản trên các tờ báo có tên tuổi hàng trăm bài. Nhưng, ông ít tập hợp “các con” của mình lại in thành tập sách. Ông bảo: Như thế, không phải là “bỏ rơi chúng”, mà “các con” của ông đã tự trưởng thành, sống trong lòng bạn đọc. Hơn 100 bài thơ được phổ nhạc, nhiều bài trở thành câu hát cửa miệng của người yêu văn nghệ. Như thế, có còn sự đáng kính nào hơn trong làng thơ.

Không vồ vập, không a rua, thơ của ông thường đi trái lại những gì xã hội đang hô hào bằng khẩu hiệu. Khi lên Lạng Sơn, các nhà chức trách đang rối tinh chuyện “nàng Tô Thị” bị phá nung vôi, và khẩn trương phục chế. Hải Như tức cảnh, sinh tình:

Ta không buồn khi mất nàng Tô Thị
Lòng sắt son hoá đá đứng chờ chồng


...Và...

Đừng thi vị đường đầy hoa ra mặt trận
Mẹ già ta cần ta cạnh bên người
Suốt đời mẹ đã làm nàng Tô Thị
Chiếc áo chấn thủ chồng, mẹ ấp ủ tàn hơi


Đọc được câu này, không ít quan chức bừng tỉnh: Đúng. Đất nước bao năm binh biến, bao người đàn bà ôm con đứng chờ chồng hoá đá. Cha ông chúng ta đã phải ra trận vì sự bất đắc dĩ. Hoa, là những đụn khói bom cuộn lên sự chết chóc, chứ có mùi mẫn gì đâu... Đi trái lại trào lưu xã hội mà được mọi người chấp nhận như Hải Như, thật không phải ai cũng có đủ bản lĩnh để sáng tác.

Tính cách Hải Như là thế, không cười hôi, vỗ tay theo, mà phải tự mình lần tìm góc cạnh riêng, phản ánh cuộc sống hiện thực sinh động bằng cách riêng. Qua đó, giúp các nhà lãnh đạo có cách nhìn nhận thực tế hơn, phù hợp hơn với sự vận động, phát triển của thời đại. Vào những năm bảy mươi của thế kỷ trước, bài “Ngõ hẻm” của ông khiến nhiều chính trị gia quan tâm, đoạn cuối bài thơ có câu:

Vui ta vui nhưng đừng vui dễ dãi
Đời rộng dài ta mới dựng xây khung
Bao ngõ hẻm Bác dặn ta phải xoá
Em có dám cùng anh đi hết mọi hang cùng.


Hải Như viết bài thơ này khi nghe chuyện Bác Hồ và đại diện một số bộ, cục của Trung ương đi thăm cuộc sống người dân thủ đô. Tới một con ngõ, đường nhỏ, xe không vào được, ai nấy ngại đi bộ, Bác Hồ đã xuống xe, đi bộ vào trò chuyện với nhân dân. Vì lẽ ấy, khi bài “Ngõ hẻm” đăng trên Báo Nhân Dân, nhiều người cho ông là “xỏ xiên”. Nhưng, khi đọc bài thơ này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gọi ông đến, khen ngợi, động viên, coi đó là một ý kiến tốt của quần chúng đối với Đảng. Không tự huyễn hoặc mình, nhưng ông thảng thốt: Buồn sao, con người không nhìn thẳng kiếp phù sinh... Hải Như luôn cảnh tỉnh chính mình, nhắc nhở mình phải sống sao cho có ý nghĩa. Ông bảo:
Mỗi dòng sông, mỗi cánh đồng đều đầy ắp điệu hò và khúc hát giao duyên... Để rồi, như một trải nghiệm:

Cần có những phút buồn nâng chúng ta lên...



Bằng thi pháp độc đáo, Hải Như tạo được cho mình một lối đi riêng, rất riêng trong làng thơ Việt Nam đương thời. Đó là một khả năng thiên phú, được tôi luyện qua trải nghiệm tạo thành thi pháp độc đáo, làm lên sức sống mãnh liệt trong lòng độc giả. Với một quan niệm rất riêng, rất thật và rất đáng trân trọng: Hải Như cho rằng:

Cái mới gửi thơ, thông điệp gửi đời.
... Dám là mình kể cả đúng và sai.


Ông định nghĩa về tổ quốc:

Tổ quốc cả trong hôn.


Lời thơ khiến người đọc phải trở mình suy nghĩ. Mỗi vần thơ, Hải Như đều ngân rung lên từ sâu thẳm đáy lòng, vì thế đã tạo ra được sự suy nghĩ diệu kỳ trong cảm xúc, cùng tiếng ngân nga cất lên trong cuộc đời.

Bông hoa nào chẳng nở đẹp rồi tàn


Và... như một lời cảnh tỉnh:

Sợ nhất kẻ thù ẩn náu trong ta...


Họ còn vướng mắc vô minh, nên không giác ngộ được chân lý cuộc đời.
Ở tuổi “mấy nay hiếm”, thơ ông thêm thánh thiện, xen lẫn cùng đức từ bi cửa thiền:

Phật là Phật, anh là anh
Phật trong anh và Phật cũng ở trong tôi


Nhà tu hành miệng nhẩm niệm kinh, tay lần tràng hạt mong sớm ngày đạt hạnh ngộ. Còn Hải Như, con cháu phương trưởng, cuộc sống riêng tư khá đủ đầy, vẫn lặng lẽ mang bầu huyết nóng lòng mình rời tổ ấm đi và viết. Ông viết bằng kiến thức, bằng sự tích luỹ và cả bằng chiêm nghiệm cá nhân.

Bài thơ cho ông “đặt được chân” vào làng thơ Việt Nam “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi”, được mệnh danh là bài thơ quần chúng khóc lãnh tụ. Nên, ở tuổi 84, ông “dắt theo” người bạn đời từ T.P mang tên Bác, bay một lèo ra Hà Nội, ngược lên Thái Nguyên với tâm nguyện, được gióng một hồi chuông nơi nhà tưởng niệm Bác trên đỉnh dèo De (Phú Đình-Định Hoá)... Ông đọc nhỏ cho tôi đủ nghe:

...Bảy mươi chín xuân đời của một hiền nhân
Nhà Tưởng niệm Bác Hồ dưới chân núi Hồng
Giản dị thân thương
...Đây an toàn khu Thủ đô gió ngàn
Định Hoá Thái Nguyên ơi!...


Bằng cả niềm xúc cảm tự đáy lòng, tâm hồn ông đọng lại, bật lên thành lời thơ đầy tự sự: “Về đây Thủ đô gió ngàn” đã được nhạc sĩ Văn Lương phổ nhạc, và Báo Thái Nguyên đã đăng tải, giới thiệu với bạn đọc dạo đầu Xuân 2007.

Tự tay thắp nén trầm thơm lên ban thờ Người, thành kính như tất cả triệu triệu trái tim con dân đất Việt. Ông thì thầm: Chúng ta đã hứa với đồng bào nơi chiến khu rất nhiều, song chúng ta cũng thất hứa với người ở lại rất nhiều... Là nhà thơ, có duyên sáng tác về Người, trong chuyến về nguồn cội cách mạng này, tôi nguyện chắt gạn hạt máu từ đáy con tim mình, viết thêm một bài thơ về nơi thờ kính người cha già dân tộc-để xin dâng tặng đồng bào vùng đất ATK cách mạng.