Thủ đô gió ngàn trong thơ Tố Hữu

15:23, 07/05/2007

Chiến khu Việt Bắc-Thủ đô gió ngàn, nơi nuôi chí bền gan chiến đấu cho của cả dân tộc, ở đó có Trung ương Đảng, Chính phủ và “Cụ Hồ sáng soi” là nơi cổ vũ mạnh mẽ tinh thần kháng chiến của cả nước. Trong bài thơ “Việt Bắc” Thi sỹ Tố Hữu đã nói giùm chúng ta điều đó:

Ở đâu u ám quân thù
Nhìn lên Việt Bắc, cụ Hồ sáng soi
Ở đâu u ám giống nòi
Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền.

Một sáng tháng Năm, Nhà thơ Tố Hữu từ xóm Chòi, xã Mỹ Yên huyện Đại Từ ngược lên đèo De Núi Hồng, thăm Bác Hồ tại ATK Định Hoá, nhớ lại những phút giây mừng rỡ khi được gặp Bác và “bàn tay con nắm tay cha”, tác giả đã bồi hồi xúc động ghi lại trong bài thơ “Sáng tháng năm”:

Vui sao một sáng tháng năm/Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ

Nhà sàn nơi Bác làm việc thật bình dị nhưng rất đỗi nên thơ; hình ảnh ấy giống như một bức tranh thuỷ mặc như sinh động hơn bởi:
Bác ngồi Bác viết nhà sàn đơn sơ/Con bồ câu trắng ngây thơ/Nó đi tìm thóc quanh bồ công văn...
Quanh nơi Bác ở còn có dòng suối Khuôn Tát róc rách chẩy ngày đêm, có thung lũng Nà-Nòn xanh mướt nương ngô dưới chân núi Hồng lồng lộng gió, đã in dấu trong những câu thơ đầy gợi tả:

Suối dài xanh mướt nương ngô/Bốn phương lồng lộng Thủ đo gió ngàn.

Những ngày ở ATK Đinh Hoá, tác giả có dịp gắn bó với cảnh vật, nơi có những mái nhà sàn thấp thoáng giữa đồi cọ xanh xoè quạt lá, hay ẩn sau những vườn mận mơ hoa nở trắng cả một vùng, để rồi mỗi độ xuân về:

Ngày xuân mơ nở trắng rừng/Nhờ người đan nón chuốt từng sợi dang.

Không gì đẹp và êm ả bằng ánh trăng thu sáng soi vằng vặc; Bác Hồ trong những ngày sống và làm việc ở đây đã làm nhiều bài thơ về cảnh trăng chiến khu.

Năm 1947 Bác đã làm bài thơ “Cảnh khuya” bất hủ.

Tiếng suối trong như tiếng hát xa/Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa/Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Năm 1949 trong bài thơ “Đi thuyền trên sông Đáy” Bác cũng bắt đầu bằng hai câu:
Dòng sông lặng ngắt như tờ/Sao đưa thuyền chạy thuyền chờ trăng lên...
Năm 1951, Bác làm bài thơ gửi các cháu Nhi đồng yêu quí nhân Tết trung thu với hai câu mở đầu:

Trung thu trăng sáng như gương/Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng...

Trăng chiến khu trong thơ Tố Hữu không nhiều hàm ý và xúc tích như trong thơ của Bác Hồ, nhưng ông cũng có những câu thơ cảm thụ về trăng thu làm ta không thể nào quên và thơ ông thường gắn cảnh với người, làm cho hình ảnh sinh động và cả nỗi nhớ cũng thêm da diết...

- Rừng thu trăng rọi hoà bình/Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung/-Nhớ gì như nhớ người yêu/Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương...

Trong thơ Tố Hữu, cảnh rừng tuy là nơi “mật khu” nhưng không âm u. Rừng không lạnh ngắt xanh mầu lá, mà vẫn đẹp tươi với hoa chuối đỏ mầu cờ. Cảnh đèo De cũng trở nên sinh động bởi thấp thoáng một bóng người và bởi có ánh nắng mặt trời như níu kéo...
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi/Đèo cao nắng ánh dao cài thắt lưng
Còn gì đẹp và rộn ràng nên thơ hơn khi:

Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình.

Bên cạnh “cảnh và người Việt Bắc” thơ Tố Hữu cũng đã ghi lại một sự kiện lớn, đó là hội nghị Trung ương-Chính phủ họp tại Tỉn Keo-Phú Đình để bàn việc thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về việc mở chiến cuộc đông xuân năm 1953-1954, bao vây đánh thắng giặc trên cứ điểm Điện Biên Phủ cùng với bao công việc hệ trọng khác:

Ngọn cờ đỏ thắm gió lồng cửa hang/Nắng trưa rực rỡ sao vàng/Trung ương, Chính phủ luận bàn việc công/Điều quân chiến dịch thu đông/Nông thôn phát động, giao thông mở đường.../Giữ đê, phòng hạn, thu lương/Gửi dao miền ngược, thêm trường các khu...

Trong thơ Tố Hữu, không chỉ miêu tả hình ảnh Bác Hồ ung dung ngồi ngẫm ngợi việc nước mà còn cả hình ảnh Người bước đi thoăn thoắt trên đèo hay “ung dung yên ngựa” trên đường công tác:

Nhớ ông cụ mắt sáng ngời/---áo nâu túi vải, đẹp tươi lạ thường!/Nhớ Người những sáng tinh sương/Ung dung yên ngựa trên đường suối reo/Nhớ chân Người bước lên đèo/Người đi, rừng núi trông theo bóng người...

Từ năm 1953 những ngọn đồi, suối nước ở xã Đồng Thịnh huyện Định Hoá trở thành nơi các binh đoàn chủ lực diễn tập thực binh đánh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Từ đây các đoàn quân vượt qua đèo De, núi Hồng, qua Tuyên Quang lên miền Tây Bắc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Hình ảnh những ngày luyện quân rồi lên đường đi chiến dịch, được diễn tả lại với những hình tượng thật hào hùng:

Những đường Việt Bắc của ta/Đêm đêm rầm rập như là đất rung/Quân đi điệp điệp trùng trùng/Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nam

Và đây những đoàn dân công hoả tuyến:

Dân công đỏ đuốc từng đoàn/Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã “vang dội địa cầu” dẫn đến Kháng chiến hoàn toàn thắng lợi và hoà bình được lập lại trên miền Bắc; Việt Bắc lúc này hiện lên trong thơ Tố Hữu bằng những câu thơ đầy hào sảng:

Ta đi giữa ban ngày/Trên đường cái ung dung ta bước/Đường ta rộng thênh thang tám thước/Đường Bắc Sơn, Đình Cả Thái Nguyên/Đường qua Tây Bắc, đường lên Điện Biên/Đường cách mạng, dài theo kháng chiến...

Với niềm tự hào vui sướng nhà thơ đã thốt lên:

Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!/Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt.


Hoà bình lập lại, đầu tháng 10-1954 từ xã Văn Lãng huyện Đại Từ-Thái Nguyên, Bác Hồ trở về Thủ đô Hà Nội, để lại cho nhân dân các dân tộc Việt Bắc nỗi nhớ Người khôn xiết:
Mình về với Bác đường xuôi/Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người.

Qua bài thơ Việt Bắc, nhà thơ Tố Hữu đã giải bầy tình cảm của mình cũng như của bao cán bộ, bộ đội đối với đồng bào nơi chiến khu xưa:

Nước trôi, lòng suối chẳng trôi/Mây đi mây vẫn nhớ hồi về non/Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn/Chàm nâu thêm đậm, phấn son chẳng nhoà.

Nhân “Năm du lịch Quốc gia tổ chức tại Thái Nguyên”, đông đảo du khách hành hương lên chiến khu xưa, đứng trước những tấm bia di tích trầm mặc, trong nghi nghút khói nhang thơm, đã cùng nhau tưởng nhớ đến Bác Hồ và bao thế hệ cha anh đã gian khổ chiến đấu vì Tổ quốc. Lúc này những vần thơ của cố nhà thơ Tố Hữu một lần nữa càng làm cho ta xúc động và hiểu sâu sắc hơn về Bác Hồ và Chiến khu Việt Bắc.