Tản mạn về một ngày ‘’không uống...’’

08:14, 12/06/2007

Ngày 1/6/2007, 11 giờ30 phút. Thủ trưởng vẫn chưa xong phần kết luận hội nghị. Chẳng là, cuộc họp hôm nay, cơ quan tôi kết hợp giải quyết nhiều công việc. Mà theo kế hoạch, buổi trưa còn có phần "liên hoan tổng kết"...

11 giờ 45 phút, mọi người đã có mặt ở nhà hàng H.V. nằm ngay cổng cơ quan. Xưa nay, nhà hàng này chủ yếu phục vụ đối tượng là các cơ quan, doanh nghiệp đến đặt cơm khách, hội nghị. Chúng tôi đang tò mò muốn biết, hôm nay, bữa trưa trong ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị 15 ngày 15-5-2007 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, ở đây sẽ thế nào?

Tầng 2, nơi có vị trí thoáng mát, không ngăn riêng, với sức chứa khoảng hơn một chục mâm. Không vãn khách. Các mâm đều đã bày kín và có khách gần hết. Nhưng rất dễ nhận thấy, hơn một nửa trong số đó không bày rượu, bia!

Chắc vì ra sau, nên mấy mâm của cơ quan tôi chưa bày đủ. Cậu T., "tửu lượng" vốn khá, hay được đi chúc rượu "ngoại giao" mỗi khi tiếp khách, gãi đầu: "sếp" ơi, có phải "cắt cơn" dần dần để tránh hội chứng "vật" không? Vốn người vui tính, "sếp" nói ngay: tất nhiên rồi, đợi tí!

Rồi cốc và đá được mang ra. Nhưng tiếp theo là nước khoáng và nước ngọt! Chúng tôi đều vui vẻ. Nào, hôm nay thử ăn "chay" xem có gì khác? Thủ tục vẫn thế. Sau khi công bố lí do, mọi người cùng chạm cốc. "Đồ nhắm" vẫn được tiếp dần theo thực đơn. Dư âm của hội nghị buổi sáng vẫn được mọi người hào hứng bàn luận. Hình như không có gì hẫng hụt lắm khi thiếu đi cái món "cay cay"!
Vậy mà khi mới nghe chuẩn bị có Chỉ thị 15, ngay trong chúng tôi cũng có nhiều người bàn tán: Chủ trương thì rất hợp, mọi người đều ủng hộ, nhưng lúc thực hiện, nó sẽ thế nào nhỉ? Có người bảo: chắc chẳng ai tổ chức liên hoan, tiếp khách buổi trưa nữa, vì liên hoan, tiếp khách mà không "uống" thì còn ra gì? Có người lại tin tưởng: "Cái gì hợp lí sẽ tồn tại"! Đành rằng, ối cái hợp lí nhưng chưa thắng được tư tưởng, thói quen cố hữu. Nhưng đó không phải là chân lí. Nhiều thứ lạc hậu nhưng đi ra từ truyền thống, nên không phải một sớm, một chiều mà dẹp được bằng mệnh lệnh hành chính. Còn việc này thì khác. Đây là sản phẩm của "văn hoá cơ quan", được hình thành dần từ thời bao cấp, và đặc biệt phát triển mạnh trong thời gian gần đây, có chiều hướng làm ảnh hưởng đến đạo đức, tư cách, công việc của cán bộ, công chức. Bởi vậy, nó phải được xử lí bằng mệnh lệnh hành chính, và hoàn toàn có thể thực hiện được!

Nói thế, chẳng phải là không có gì khác lạ trong bữa đầu tiên "không uống" này. Đầu tiên là không có cảnh mâm này chúc mâm kia, người này chúc người kia như trước, cứ rối cả lên! Chỉ có "lách cách" mỗi lần đầu mà thôi! Đấy là điều hay. Nhưng cũng có một sự cố ách tắc: Cơm và canh không phục vụ kịp, cứ phải vừa ăn vừa đợi! Lí do chính, có lẽ nhà hàng chưa quen với kiểu phục vụ "ăn không uống" này, nên chưa lường hết. Chúng tôi đùa nhau: Ăn chậm thôi, đợi cơm chín đã!

Quan sát một vòng, có mấy mâm đang uống bia. Nhìn vẻ ngoài, dường như chắc chắn đó không phải là công chức. Vài mâm "trong đối tượng", chúng tôi đều biết, nhưng không ai vi phạm. Rõ ràng là nghiêm túc, chí ít là tại đây!

Trưởng phòng K. đã xong bữa, đứng dậy ra cửa. Bỗng: "Xin chào! Vào đây đã!". Một trong số khách đang uống bia cất cao giọng và vẫy gọi Trưởng phòng. Cậu T. tủm tỉm: "Gay rồi!". Trưởng phòng K. đi vào, bắt tay. Cậu T. hỏi tôi: "Ông K. dám uống không?". "Chắc không", tôi trả lời. Và đúng vậy. Cũng phải một chút phân bua, nhưng rồi Trưởng phòng K. cũng được "giải thoát" một cách vui vẻ.

Chúng tôi đứng dậy. Nhìn xuống bàn, ai cũng phì cười: Có 6 cái bát to chồng lên nhau. Đấy là bát đựng cơm và đựng canh. Nhìn đồng hồ, mọi người ngạc nhiên: Mới 12 giờ 20 phút! Ai cũng tấm tắc khen: Ngon thật. Không uống mới biết thức ăn họ làm ngon. Và chắc chắn là không đắt, vì giá cả món ăn vẫn thế. Riêng khoản bia, rượu không dùng, chí ít cũng giảm được gần một nửa chi phí. Bây giờ, lại còn được gần 1 tiếng để nghỉ trưa.

Đúng là lợi đủ đường. Thế thì chẳng quá hay, còn gì nữa?...