Vốn cổ truyền là kho tàng quý cần gìn giữ, nhưng để người ta nhớ lại được cái hay, cái đẹp của nó trong thời điểm âm nhạc điện tử đang thống trị thế này, trước hết cần phải lôi kéo được sự chú ý của công chúng đã. Chính vì thế, tôi không ngại khi bắt tay vào bất kỳ thể nghiệm.
Đó là lời giải thích mộc mạc của nghệ sĩ đàn nhị, giảng viện Nhạc viện HN Ngô Hồng Quang cho CD "Quang" với 11 tác phẩm không theo một dòng nhạc cố định nào: một bài chèo, một bài cải lương, một bài dân ca quan họ, một bài phú lục âm nhạc cung đình Huế, một vài bài nhạc trẻ và cả những... vũ khúc nước ngoài, một bài bonus "Tiếng Việt" của nhạc sĩ Lê Tâm phổ thơ Lưu Quang Vũ. Tất cả đều được thể hiện bằng đàn nhị. Một CD thực sự là độc đáo về chất liệu.
Trái ngược với sự mải mốt đầy quyết đoán trong nghệ thuật - Quang ngoài đời là một chàng trai hiền lành, thậm chí hơi rụt rè. "Yêu lắm và tin lắm những thanh âm mang hồn dân tộc, nhưng thời buổi này mấy người nghe đàn nhị? Băn khoăn nhiều, lo lắng nhiều, thú thực ban đầu Quang chỉ định làm CD với quy mô nhỏ, mang tính chất tự giới thiệu bản thân để tham gia một số dự án theo lời mời của các tổ chức văn hoá thuộc khu vực Châu Âu thôi. Nhưng những người bạn tri kỷ của Quang là nhạc sĩ Lê Tâm và nhà văn Ngô Tự Lập đã... hùa nhau đẩy Quang tiến thêm một bước...
Và thế là CD "Quang" với Quang đàn nhị chủ đạo, tam thập lục Việt Hồng, Thuý My, đàn tranh Hồng Hạnh, trống Khắc Huấn, piano Đức Cường, đàn môi Đức Minh, biên tập Ngô Tự Lập, Lê Tâm... ra đời.
Giống như một bữa tiệc thính giác đa dạng, Quang dẫn người nghe từ một không gian êm ái "Kể chuyện ngày mùa" (sáng tác Thao Giang), tới trầm lắng suy tư "Đường đời duyên phận" (nhạc chèo), từ bảng lảng Phú lục (nhạc cung đình Huế), Tây Thi (nhạc cải lương) tới rộn ràng "Vũ khúc Hungary" (Johannes Brahms), "Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ" (Wolfgang Amadeus Mozart)...
"Dùng nhị để trình tấu "Vũ khúc Hungary" là một cách trò chuyện bằng âm nhạc với các châu lục khác. Đàn nhị không thể thay thế violon, hay "nhị Tây" theo cách gọi vui của người Việt, nhưng cây violon chắc cũng ngạc nhiên và thú vị khi gặp gỡ một người họ hàng Phương Đông vừa xa lạ vừa gần gũi"... Đó là một trong nhiều đoản khúc vừa là lời giới thiệu, vừa là cảm nhận của những người bạn tri âm của Quang viết trên phụ trang của bìa đĩa (song ngữ Việt - Anh).
Quang bây giờ đang mang "Quang" đi biểu diễn giao lưu một vòng Iceland, Hà Lan, Bỉ... "Hãy để người nghe khám phá hết những khả năng của cây đàn nhị, dùng một nhạc cụ dân tộc để chơi những ca khúc hiện đại cũng thật hay và độc đáo chứ sao. Đến khi những cây đàn dân tộc tìm lại được chỗ đứng trong thị trường nhạc rồi, những ca khúc cổ sẽ dần tìm được chỗ đứng. Với tôi - thể nghiệm - đó chính là bảo tồn!"