Chùa Hồng Long nằm trên địa bàn phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) có tên chữ là Hồng Long Tự, tên gọi khác là chùa Ông.
Theo lời truyền miệng của những cụ cao tuổi ở tại địa phương, vào cuối thế kỷ XIX, cụ Lê Bá Vĩ, quê ở huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Tây) là một trong những người đã lên khai phá vùng đất thuộc phường Phan Đình Phùng này.
Con trai của cụ Vĩ là Lê Văn Quyền đã tạo lập nên một cái Am tích nhỏ. Đến cuối năm Giáp Thìn niên hiệu Thành Thái thứ 16 (1904) có ông tên là Bùi Đình Thuật (nhân dân tôn xưng là Bùi Quốc Công), quê ở thôn Thái Hạc, xã Vũ Thuận, huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình (nay là xã Vũ Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) lên đây cắm hướng chùa và đầu năm 1905 ông Quyền và ông Thuật kết hợp với công đức của nhân dân đã khởi công xây dựng cái Am này thành một ngôi chùa.
Chùa Hồng Long nằm dưới chân đồi Tăng Xê-một trong 5 điểm di tích của phòng tuyến Gia Sàng thuộc cụm di tích cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 do Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo. Địa điểm chùa Hồng Long thời kỳ đó cũng là một trong những nơi trú chân của nghĩa quân. Tương truyền, mỗi kỳ xuất quân các thủ lĩnh và nghĩa quân của Đội Cấn đều tập trung ở chùa Hồng Long để bàn mưu chống kẻ thù và làm lễ xuất quân.
Xung quanh khu đồi Tăng Xê còn có 5 quả đồi như: Đồi Bầu, đồi Gò Trại, đồi Bà Cụ, đồi Tăng Xê, đồi Cụ Lân. Phía Nam có dòng suối Xương Rồng như một giao thông hào tự nhiên và cánh đồng trũng này thuộc dự án hồ Xương Rồng.
Trong thời kỳ chiến tranh, chùa Hồng Long bị phá, nhưng vẫn còn các dấu tích như: Nền móng chùa, 2 giếng ở cửa chùa (các cụ thường gọi là giếng ngọc giống như 2 mắt của con rồng (long tỉnh); bộ đội đóng ở đây thường lấy nước ở giếng này về dùng). Hiện vật ở chùa duy nhất chỉ còn có hòn non bộ và cây đa được trồng trên đó, nay vẫn đang được đặt trước cửa chùa. Các nguyên vật liệu xây dựng chùa bị thất tán. Gần đây, trùng tu lại chùa người ta tìm thấy cây nóc của ngôi chùa trong đó có lưu lại dòng chữ Hán cho biết chùa được tu tạo lại vào thời Bảo Đại thứ 19 (1944).
Chùa Ông được bố trí gồm có: Cổng Tam quan mới xây dựng khá lớn, trang trí đẹp, bên ngoài có đắp nổi tên chữ của chùa. Hai bên có các câu đối ca ngợi cảnh đẹp của ngôi chùa. Qua cổng đến sân chùa có đắp non bộ kết hợp bàn thờ mẫu thiên. Chùa Hồng Long có kiến trúc kiểu chữ “Đinh” gồm nhà tiền đường 3 gian, hậu cung 2 gian, nhân dân thường gọi là chuôi vồ. Trong chùa 2 bên bàn thờ có câu đối.
Bàn thờ gồm có nhiều tượng phật, giữa là đức phật Thích Ca Mâu ni, tiếp có tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Quan Âm, Di Đà, Tam Thế. 2 lối vào bàn thờ hậu cung có 2 tượng Hộ Pháp. 2 bên nhà tiền đường có 2 bàn thờ Đức Ông và Thánh Tăng.
Đằng sau chùa là đền, nhân dân thường gọi là cung mẫu. Đền kiến trức nhỏ hơn chùa nhưng cũng được làm theo kiểu trúc kiểu chữ “Đinh”, gồm nhà tiền bái và hậu cung. Chùa trong chiến tranh bị tàn phá nặng nhưng đền còn giữ được kiến trúc cổ kính. Trong đền có bàn thờ đều có tượng thờ bằng gỗ được sơn son thiếp vàng như: Đức thánh Trần Hưng Đạo; mẫu Liễu Hạnh; Thánh Gióng và Dương Tự Minh. Trong đền cũng có bàn thờ ông Bùi Đình Thuật, người đã có công xây dựng chùa đầu tiên.
Chùa Hồng Long kể từ khi khởi thủy xây dựng đến nay đã trên 100 năm. Là một công trình văn hóa tín ngưỡng, trải qua 2 cuộc chiến tranh, ngôi chùa là “nhân chứng” gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử diễn ra ở địa phương. Năm 2006, chùa Hồng Long được UBND tỉnh Thái Nguyên ra quyết định xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa. Cùng với quần thể các di tích lịch sử văn hóa như: Di tích lịch sử đồi Tăng Xê trong cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917, đền Xương Rồng, đền Túc Duyên, chùa Hồng Long là một trong những điểm tham quan du lịch phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân tỉnh Thái Nguyên và khách thập phương.