Phát hiện di cốt người cổ dưới lòng hồ thủy điện Tuyên Quang

09:49, 30/10/2007

Các nhà khảo cổ học vừa phát hiện nhiều dấu tích của người tiền sử sinh sống liên tục qua hàng nghìn năm dưới nền hang Phia Mồn (thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú, huyện Nà Hang, Tuyên Quang).

Cuộc khảo sát của Bảo tàng Tuyên Quang phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, cho thấy lớp dưới cùng của tầng văn hoá dày 50-60cm, có xương răng những loại thú nhỏ cùng vỏ ốc núi và các công cụ đá (hình rìu ngắn, hình bầu dục) được chế tác từ đá cuội sông theo phong cách kỹ thuật của văn hoá Hoà Bình muộn ( cách nay 6-7 nghìn năm). Lớp trên có nhiều xương răng động vật, vỏ ốc suối, trai, hến, dấu tích than tro, đồ gốm, bên cạnh những công cụ đá được mài nhẵn ( rìu có vai , rìu tứ giác, dao mài nhẵn toàn thân), vô số mảnh gốm dày, thô, nặn bằng tay, trang trí hoa văn thừng.


Đáng chú ý là đã phát hiện một số di cốt người cổ nhiều khả năng sống vào hậu kỳ đá mới ( cách ngày nay chừng 4000 năm). Di cốt nguyên vẹn hơn cả, chiều cao đo được 165cm, ở tư thế nằm ngửa, hai tay đặt xuôi. Đồ chôn theo gồm vài rìu đá mài nhẵn, đồ gốm hoa văn thừng. Đặc biệt là mộ được kè đá theo hình bầu dục tạo thành huyệt mộ-là tục táng hiếm gặp trong các di chỉ thuộc hậu kỳ đá mới ở vùng núi phía bắc nước ta.

Di tích cư trú Phia Mồn chứa nhiều cứ liệu khoa học quan trọng giúp cho việc tìm hiểu nhiều mặt về đời sống vật chất và tinh thần của người tiền sử ở miền núi phía bắc Việt Nam, cùng không ít di tích có giá trị khác rất cần được khai quật, nghiên cứu và sưu tậm hiện vật cần được khẩn trương khai quật, nghiên cứu và lưu giữ di vật trước khi tất cả chìm vĩnh viễn dưới lòng hồ thuỷ điện.