Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19/12/1946) các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên) cùng huyện Chợ Đồn, Chợ Mới (Bắc Kạn) và huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) trở thành An toàn khu (ATK) của Trung ương.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định trong tham luận ATK Định Hóa trung tâm thủ đô kháng chiến chống thực dân Pháp (12/5/1997):
Các quyết sách lớn của Đảng, Chính phủ phần lớn đều quyết định trên đất Định Hóa.
Hạ quyết tâm tiêu diệt địch tấn công lên Việt Bắc, quyết định triển khai đại đội Độc lập, tiểu đoàn tập trung trên toàn quốc... hạ quyết tâm mở chiến dịch giải phóng biên giới, các chiến dịch Trung Du, Hoàng Hoa Thám, Hà Nam Ninh, chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, Sầm Nưa, chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954. Đồng chí Phạm Văn Đồng từ đây đi họp hội nghị Giơ ne vơ và sau khi ký hiệp nghị cũng trở lại nơi đây.
Nhiều chủ trương , đường lối kháng chiến kiến quốc được quyết định ở đây. Và từ đây Trung ương Đảng, Bác Hồ, Chính phủ lãnh đạo toàn quốc thực hiện...”
Hiện trạng các di tích lịch sử ATK ở Thủ đô kháng chiến.
Các di tích lịch sử ATK có 199 điểm, riêng cụm ATK Định Hóa mới phát lộ 128 điểm di tích. Trong đó có 21 trên tổng số 58 di tích quan trọng được xếp hạng cấp quốc gia, xếp hạng cấp tỉnh số còn lại. Các di tích đặc biệt quan trọng chưa được đầu tư xứng đáng với giá trị và ý nghĩa của nó. Các tư liệu, hiện vật cũng như di sản văn hóa phi vật thể chưa được sưu tầm, điều tra đầy đủ. Ngoài số lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh... Các tư liệu hiện vật quý do cá nhân lưu giữ. Việc tiếp tục khảo sát, bổ sung các tư liệu lịch sử cũng như hiện vật liên quan đến các di tích ATK, xây dựng cơ sở dữ liệu trên máy tính phục vụ quản lý di tích, nghiên cứu khoa học cũng như giới thiệu, thông tin cho khách tham quan là vô cùng cần thiết.
Các di tích đã được đầu tư phục hồi, tôn tạo:
Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 70/TTg (27/7/1995) phê duyệt Dự án Bảo vệ, phát huy di tích lịch sử cách mạng và phát triển kinh tế xã hội vùng ATK huyện Định Hóa, giai đoạn I đã hoàn thành:
Xây dựng nhà trưng bày ATK Định Hóa, nhà bia, hàng rào, tứ trụ, đường dạo, phục hồi một số đoạn hầm tại di tích Tỉn Keo; xây dựng bia tôn vinh tại di tích Làng Quặng. Di tích thành lập Đại đoàn 308 Quân Tiên Phong (1949) tại Đồn Đu, Phú Lương được Sư đoàn 308 xây dựng nhà bia ghi dấu sự kiện; di tích Rừng Khuôn Mánh tại Tràng Xá, Võ Nhai được dựng đài bia ghi danh các chiến sĩ đội Cứu quốc quân II và Di tích Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 tại Bàn Cờ (Đại Từ).
Ngày 17/5/1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đáp máy bay lên thẳng khảo sát tổng thể di tích chiến khu Việt Bắc, từ Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn - Tuyên Quang - Thái Nguyên, xuống xã Phú Đình cắt băng khai trương Nhà trưng bày ATK Định Hóa. Sau đó. Chính phủ có quyết định số 984/QĐ - TTg ngày 25/1/1999 phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích chiến khu Việt Bắc, được đã mở ra một bước ngoặt, động lực mới trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn kết với khai thác di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) với du lịch và xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.
Bảo tàng Cách mạng Việt Nam thí điểm phục hồi lán Bác Hồ ở Khuôn Tát, lán làm việc và bộ phận bảo vệ tại Tỉn Keo bằng vật liệu mới. Hệ thống di tích lịch sử - cách mạng ATK - ở Định hóa đã dần được phục hồi, tôn tạo phát huy, được Đảng, Chính phủ chọn năm 2007 là Năm du lịch quốc gia Thái Nguyên, Về Thủ đô gió ngàn - chiến khu Việt Bắc, kỷ niệm 60 năm (1947 - 2007) Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên ATK Định Hóa lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Dựa trên sự phân bố, căn cứ vào tính chất và ý nghĩa lịch sử của các di tích ATK để phân ra các cụm (các trung tâm) từ đó chọn ra các di tích hạt nhân để ưu tiên đầu tư phục hồi, tôn tạo: Hệ thống các di tích lịch sử ATK phân làm:
- Cụm di tích lịch sử ATK Định Hóa.
- Cụm di tích lịch sử ATK Đại Từ và các huyện còn lại
Trong cụm Định Hóa phân thành các trung tâm: Chợ Chu - Quán Vuông; Phú Đình - Điềm Mặc; Định Biên - Bảo Linh; Thanh Định; Trung Lương; Bình Thành; Đồng Thịnh và các xã phía Nam - Đông nam huyện Định Hóa như: Phượng Tiến, Quy Kỳ, Linh Thông...
Cụm di tích lịch sử ATK Đại Từ và các huyện còn lại bao gồm các trung tâm: Đại Từ; Võ Nhai; Phú Lương, Phú Bình; Phổ Yên; thành phố Thái Nguyên - thị xã Sông Công…
Nhóm di tích đặc biệt quan trọng phục hồi, tôn tạo đảm bảo tính chân xác.
Các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Khuôn Tát, Tỉn Keo; Địa điểm di tích phủ Chủ tịch đầu tiên Bác Hồ ở đồi Khau Tý, ATK Định Hóa (20/5/1947); Di tích nơi ở và làm việc của Tổng Bí thư Trường Chinh tại Nà Mòn. Địa điểm di tích Đình Làng Quặng; Bảo tồn các di tích: nhà ông Nguyễn Văn Lá và ông Nông Đình Lăng - nơi ở và làm việc của quyền Trường ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng và cơ quan; nhà bà Phùng thị Vân - nơi ở của Tổng Bí thư Trường Chính ở xóm Phủng Hiển; Tu sửa, nâng cấp di tích căng Bá Vân (thị xã Sông Công) và chùa Mai Sơn
(Phú Bình).
Nhóm di tích quan trọng liên quan đến các sự kiện chính trị, lịch sử cần xây dựng nhà bia và phù điêu nghệ thuật nhằm tôn vinh giá trị lịch sử và truyền thống:
Địa điểm di tích Tổng Cục chính trị quân dội nhân dân Việt Nam ở Định Biên; di tích nhà tù Chợ Chu; Di tích Đại hội tuyên dương anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất (1952) ở (Phú Lương); Địa điểm di tích cơ quan Tổng bộ Việt Minh (xã Điềm Mặc); Địa điểm di tích Trường Nguyễn Ái Quốc (xã Bình Thành); Địa điểm di tích Việt Nam giải phóng quân đánh Nhật giải phóng thị xã Thái Nguyên trong cách mạng Tháng 8-1945; Địa điểm di tích Hồ Chủ tịch ở đồi Thành Trúc, xóm Vai Cày, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ (1954)...
Nhóm di tích quan trọng đặt bia ghi dấu sự kiện: Bao gồm trên 70 di tích lịch sử ATK ở Định Hóa, Phú Lương, Đại Từ...
Việc phục hồi, tôn tạo bền vững hóa hệ thống các di tích được quan tâm đặc biệt. Các di tích gốc ở ATK Việt Bắc hầu hết là hầm hào, lán trại thường đào sâu vào núi hoặc được làm bằng tre, nứa, gỗ... nhanh bị huỷ hoại nên phục dựng, các di tích phải dùng các loại vật liệu bền vững “giả vật liệu gốc” như: hệ thống kết cấu chịu lực (khung, cột, xà...) dùng bằng thép ống; các vách nứa, đòn tay, dui, mè, kèo... đều được phủ compozit bề mặt, theo màu sắc của từng cấu kiện.
Các chất liệu phục chế thể khối đặt tại các di tích được làm bằng chất liệu gốc, ống thép, bê tông cốt thép... nhưng phải phủ compozit theo mẫu mã và màu sắc hiện vật gốc. Các lư hương, đỉnh, đồ tế lễ đặt tại các di tích làm bằng đá thanh liền, chạm khắc theo phong cách truyền thống, nhà bia xây dựng theo phong cách truyền thống hai tầng, tám mái. Tổ chức sưu tầm, sao chụp các tư liệu, tài liệu và lập trình phần mềm quản lý, khai thác dữ liệu qua hệ thống máy vi tính, lưu trữ các tài liệu hiện vật, phim, ảnh, băng hình, ghi âm...
Các di tích lịch sử cách mạng ATK ở Thái Nguyên được đầu tư 19,9 tỷ đồng (2001 - 2005). Các cụm di tích quan trọng đã đựơc phục hồi tôn tạo như: Sau di tích Bác Hồ ở Tỉn Keo và Khuôn Tát, tại đồi Khau Tý nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làm việc đầu tiên tại ATK Định Hóa (20/5/1947) dựng nhà sàn, tôn tạo hầm hào, đường nội thị di tích, cây hoa râm bụt cổ thụ Bác Hồ trồng, dưới tán cây đa Người sáng tác bài thơ Cảnh khuya vẫn lên xanh, làm đường vào, bãi đỗ xe và bia ghi sự kiện... đã phần nào làm sống lại Phủ Chủ tịch năm xưa… Trên đỉnh đèo De, vào 19/5/2005 kỷ niệm 115 ngày sinh nhật Bác khai trương Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh làm cho quần thể di tích lịch sử cách mạng ATK thực sự là những di sản văn hóa - du lịch hấp dẫn du khách.
Nhà nước đã đầu tư 120 tỷ đồng (1995 - 2000) xây dựng điện, đường, trường, trạm, phát triển kinh tế, nâng cao dân trí vùng ATK. Mở thông đường nối khu di tích lịch sử ATK Định Hóa với khu di tích lịch sử Tân Trào (12/2006) mở ra động lực mới, gắn kết giáo dục truyền thống cách mạng với du lịch.
Ban quản lý di tích & danh thắng Thái Nguyên được thành lập (8/2005), việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích ATK được nâng lên vị thế mới.
Một số thắng cảnh Động Chùa Hang, thác Khuôn Tát, hồ Bảo Linh và tài nguyên đồi rừng vầu cọ bát ngát chân núi Hồng cũng được bảo tồn, phát huy giá trị. Lễ hội Lồng Tồng được Tổng Cục du lịch phối hợp với UBND huyện Định Hóa tổ chức phục dựng, khai hội Xuân từ 10 - 12 tháng Giêng được duy trì từ năm 2002 đến nay tại sân lễ hội bên Nhà tưởng niệm Bác Hồ thu hút hàng vạn lượt người.
Bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể vùng ATK Định Hóa
Các di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào Tày, Nùng, Dao, Sán chí... vùng ATK rất phong phú. Tại Tỉn Keo, Nhà Văn hóa TT Thái Nguyên mở lớp đàn Tính, hát Then cho 40 học viên (2003). Đội hát Then khu di tích và du lịch ATK trang phục, đàn Tính, tăng âm, thường xuyên phục vụ các tuor du lịch. Đặc biệt việc bảo tồn múa Rối Tày ở Thẩm Rộc (xã Bình Yên) còn lại duy nhất vùng Việt Bắc có 14 người được Bộ Văn hóa TT công nhận là Nghệ nhân dân gian. Bảo tồn nhà sàn, phát huy nghề đan lát, dệt vải được phục hồi từng bước tạo ra sản phẩm du lịch về văn hóa dân tộc...
Viện Văn hóa thông tin, Sở VHTT triển khai điều tra bảo tồn văn hóa phi vật thể các xã ATK huyện Định Hóa và Đại Từ, sưu tầm được 161 tư liệu và 91 ảnh chụp ... gồm có sắc phong, văn bia, hát ví, hát Lượn, ký ức của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội và người dân được ghi chép trong hồi ký, chuyện kể, sách báo được phân loại lưu trữ, khai thác lập trung tâm thông tin tại Nhà trưng bày ATK Định Hóa phục vụ nghiên cứu, học tập, du lịch, dịch vụ...
Nhiều cơ quan, đơn vị từng ở ATK hồi kháng chiến trở lại chung sức đền ơn đáp nghĩa. Các xã Phú Đình, Bảo Biên, Điềm Mặc, Bình Thành, Thanh Định có 12 nhà văn hóa, nhà cộng đồng, 3 trường học, trạm xá. Huyện Võ Nhai được tặng 3 nhà văn hóa. Huyện Phú Lương được bệnh viện quân đội 108 tặng y cụ, góp sức xây dựng trạm xá xã Yên Ninh.....
Trong việc đầu tư phục hồi, tôn tạo phát huy giá trị các di tích ATK – Thủ đô kháng chiến, ngoài sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, chung sức chung lòng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc. Khoa học lịch sử có vai trò cực kỳ quan trọng, một yếu tố quyết định thành công cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử ATK - Thủ đô kháng chiến, từ sưu tầm tài liệu, hiện vật, lời kể nhân chứng, ký ức, phim ảnh... để phục dựng, tái tạo, phục hồi di tích, giúp cho các nhà bảo tồn, kiến trúc sư có cơ sở khoa học thiết kế, thi công… phải đảm bảo “hai yếu tố quan trọng nhất là tính nguyên gốc và tính chân xác lịch sử của di tích”, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của Thái Nguyên.