Cuộc thi Tài năng Âm nhạc trẻ Concours Mùa thu - 2007 do Cục Nghệ thuật biểu diễn và Nhạc viện Hà Nội phối hợp tổ chức đã khép lại bằng lễ trao giải trang trọng và ấm cúng tối 14-11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhìn vào số lượng hơn 100 thí sinh dự thi, có thể lạc quan về một thế hệ nghệ sỹ trẻ kế tục những người đi trước, nhưng băn khoăn vẫn còn đó...
Các thí sinh đã phần nào thể hiện được trình độ kỹ thuật, năng khiếu cảm thụ âm nhạc và phong cách biểu diễn khá chuyên nghiệp. Không ít thí sinh dự thi chuyên ngành piano gây ấn tượng mạnh với các vị trong Hội đồng giám khảo (HĐGK) và với khán giả: Đỗ Hoàng Linh Chi (Nhạc viện Hà Nội) và Trần Yến Nhi (Nhạc viện TPHCM) đồng giải nhất bảng A (dưới 16 tuổi); Tống Đức Cường (Nhạc viện Hà Nội) giải nhất bảng B (tuổi từ 17 đến 24); Đặng Hoàng Bảo Trâm (Nhạc viện TP HCM) giải “Thí sinh trình bày tác phẩm VN hay nhất” của Hội Nhạc sỹ VN tặng... Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch HĐGK nhìn thấy “những nhân tố rất tài năng” ở bảng A với kỹ thuật tốt và phong cách chững chạc. NGND Trần Thu Hà - Trưởng Tiểu ban giám khảo piano nhận xét với báo giới: “Sự khổ luyện đã giúp cho trình độ của các thí sinh năm nay được nâng lên rất nhiều. Thí sinh tự tin hơn, khác biệt hơn khiến cho vòng thi piano trở nên rất đa dạng”.
Chuyên ngành violon mặc dù thu hút ít hơn số thí sinh dự thi với piano nhưng bảng A có đến 2 giải nhất: Nguyễn Thiện Minh và Nguyễn Thị Huyền Anh (Nhạc viện Hà Nội), 2 giải nhì và 1 giải ba; bảng B: giải nhất Trần Quang Duy ( Nhạc viện Hà Nội), 1 giải nhì và 2 giải ba. Nhìn chung, chất lượng thí sinh dự thi chưa cao so với kỳ trước. Nhạc viện TP.HCM được coi là chiếc nôi nâng đỡ nhiều tài năng âm nhạc violon nhưng vắng bóng cả bảng A và B. Có nhiều nguyên do, có người cho rằng nhạc viện chưa chuẩn bị kịp do thời gian gấp rút, nhưng sự “mất mùa” bắt nguồn từ thực tế: có những kỳ tuyển sinh, Nhạc viện TP.HCM chỉ lèo tèo vài kỳ thí sinh đăng ký dự thi chuyên ngành này. Chế độ đãi ngộ và môi trường làm nghề đối với những người theo đuổi các chuyên ngành âm nhạc hàn lâm, đặc biệt với violon, cũng làm nản lòng những thí sinh có năng khiếu. Hơn chục năm cần mẫn đào luyện mới có một người chơi violon ở dàn nhạc giao hưởng, nhưng lương khởi điểm ở mức 500.000 - 600.000 đồng/tháng, bồi dưỡng luyện tập: 10.000 đồng/buổi và thù lao biểu diễn: 30.000 đồng/suất. Thử hỏi, còn ai mặn mà theo đuổi nghề này và bố mẹ nào can đảm cho con cái theo đuổi nghề nghiệp mà thu nhập khiêm tốn nhường ấy?!
Chuyên ngành giao hưởng - thính phòng với giải Nhất được trao cho nhóm nhũ tấu kèn gỗ (trưởng nhóm Nguyễn Hoàng Tùng - Nhạc viện Hà Nội), 2 giải nhì và 2 giải ba. Bên cạnh một vài thí sinh có kỹ thuật điêu luyện thì sự phối hợp trong một số nhóm còn chưa ăn ý, có khi còn vấp hay bộc lộ những sai lệch về kỹ thuật...
Giới hạn độ tuổi năm nay thấp hơn các năm trước (24 tuổi), nhưng có một thực tế trớ trêu là nếu càng mở rộng biên độ tuổi thì càng không có nhiều thí sinh dự thi và chất lượng thí sinh sẽ tỷ lệ nghịch với độ tuổi. Bằng chứng là chúng ta đạt nhiều giải thưởng quốc tế ở lứa tuổi nhỏ nhưng ở độ tuổi càng lên cao càng hiếm. Thành viên HĐGK Bùi Công Duy chia sẻ khi trả lời phỏng vấn báo chí: “Tôi không kỳ vọng quá nhiều vào các thí sinh vì tôi biết trước trình độ của các em và cũng biết chúng ta đang ở vị trí nào”.
Concours Mùa thu - 2007 không tổ chức vòng thi biểu diễn cùng dàn nhạc vì mặc dù đây là một bước rất quan trọng để thí sinh thể hiện trình độ và bản lĩnh. Băn khoăn khác: công tác thông tin, tuyên truyền cho cuộc thi chưa được thực sự chú trọng. Không hề có băng rôn nào ở cả khu vực Nhạc viện Hà Nội, nơi diễn ra cuộc thi. Cổng Nhạc viện “lặng như tờ”, chỉ đến tòa nhà nơi có phòng hòa nhạc đang diễn ra cuộc thi mới có một băng rôn duy nhất! Khán giả chủ yếu là người nhà của thí sinh đến cổ vũ, vì vậy sau phần thi của mỗi thí sinh, khán phòng lại vắng hơn... Lễ trao giải tổ chức ở Nhà hát Lớn có thể trở thành một hoạt động thu hút sự chú ý của công chúng và nhân dịp này để khuếch trương nhạc hàn lâm, nhưng chỉ có 2 băng rôn mỏng manh ở hai bên Nhà hát. Một vị trong giám khảo thừa nhận, thời gian tổ chức cập rập nên còn nhiều bất cập ảnh hưởng đến chất lượng cuộc thi...
“Điều quan trọng trước mắt là sau cuộc thi này, các em sẽ được tiếp tục bồi dưỡng và đào tạo ra sao. Với các cuộc thi quốc tế, các em này có sẵn một chương trình biểu diễn, thu thanh vào từng năm... Còn với các thí sinh đoạt giải lần này thì sao? Các em sẽ được biểu diễn ở đâu trong nước để được cọ xát?”, GS, NSND Tạ Bôn - Trưởng tiểu ban violon - đau đáu.