Luận bàn về văn xuôi Thái Nguyên

15:33, 27/11/2007

20 năm kể từ khi thành lập, lần đầu tiên Hội Văn học Nghệ thuật Thái Nguyên mới có cuộc hội thảo về văn xuôi. Có lẽ chưa có hội thảo nào số khán giả đến nghe lại đông đến thế, mà toàn người làm nghề chữ nghĩa.

Đó là các thày cô giáo dạy văn THCS của Phòng giáo dục T.P. Các thày cô đến đông không hẳn chỉ vì lịch sự, vì yêu mến văn chương, mà còn vì trong chương trình dạy văn vài năm nay có thêm phần văn học địa phương. Đây là dịp tốt nhất để biết mặt, biết người, trao đổi trực tiếp với nhiều tác giả mới biết tên trên bìa sách. Thời gian hội thảo chỉ có vài giờ đồng hồ thôi nhưng có đến 10 tham luận đăng đàn, tham luận nào cũng tầm cỡ về vấn đề, tâm huyết khi bày tỏ. Dưới nhiều nguồn ánh sáng chiếu rọi, góc cạnh của văn xuôi Thái Nguyên hiện ra rõ nét hơn.

Trước hết là tiểu thuyết, nhà phê bình văn học Lâm Tiến đưa ra con số giật mình: Chỉ trong 10 năm (từ 1990 đến 1999), Thái Nguyên xuất bản 21 cuốn tiểu thuyết. Nhưng từ năm 2000 đến nay Thái Nguyên chưa có cuốn tiểu thuyết nào.

Tuy nhiên tác giả không tìm hiểu nguyên nhân vì sao thể loại này lại đột nhiên vắng bóng trong suốt 7 năm qua mà phân tích nội dung và bút pháp nghệ thuật của 21 tác phẩm đã có. Nhà lý luận phê bình Lâm Tiến cho rằng tiểu thuyết Thái Nguyên còn nặng về nội dung, tư duy và hình thức nghệ thuật chưa thật sự đổi mới. Cách viết nặng truyền thống, nặng đơn thanh hơn đa thanh, nặng độc thoại hơn đối thoại.

Khác với thể loại ký chỉ có 1 tham luận của nhà văn Ma Trường Nguyên, thể loại truyện ngắn được mổ xẻ nhiều nhất, có đến 3 tác giả phân tích ở nhiều góc độ. Nhà giáo ưu tú Vũ Đình Toàn khẳng định "truyện ngắn Thái Nguyên đang tiến bước". Ông cho rằng truyện ngắn đã thoát khỏi "vòng kim cô" của tư duy văn nghệ thời bao cấp để vươn lên với khát vọng "đại náo thiên cung", và khi đọc hàng trăm truyện ngắn sản sinh trên đất này, ông có cảm giác mình được bơi lội vùng vẫy trong biển đời rộng lớn, được chạm vào muôn mặt của cõi nhân sinh.

Tuy nhiên, theo nhà văn quân đội Bùi Thị Như Lan thì thành tựu của truyện ngắn Thái Nguyên quá "khiêm tốn" ở tất cả các mảng, đặc biệt thiếu hụt ở mảng đề tài chiến tranh cách mạng, lực lượng vũ trang và miền núi. Sau khi phân tích nguyên nhân, nhà văn Bùi Thị Như Lan khẳng định: Đội ngũ viết truyện ngắn Thái Nguyên đang mỏng và thiếu vắng dần những cây bút khả thi.

Đồng tình với ý kiến này, ở bình diện rộng hơn, nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh cũng cho rằng đội ngũ những người viết văn xuôi vốn chưa mạnh về số lượng lại chậm được bổ sung nhân tố mới. Số lượng tác phẩm xuất bản thì nhiều nhưng có tiếng tăm thì ít, được giải thưởng lại càng ít. Điều đáng lo ngại nhất đối với văn xuôi Thái Nguyên- theo nhà thơ- là tình trạng nghèo nàn về giọng điệu và phương pháp sáng tác.

Văn xuôi Thái Nguyên đang ở mức nào trong bình diện chung của văn xuôi cả nước? Có lẽ khó ai có thể xếp hạng cho chính xác. Nhưng một điều cảm nhận được qua hội thảo là: Cần có sự can thiệp tích cực của Hội văn học nghệ thuật vào việc phát hiện, ươm mầm, giới thiệu các tác giả mới nhằm tăng cường đội ngũ viết văn xuôi; đổi mới cách thức tổ chức các trại sáng tác theo hướng đề cao chất lượng; tổ chức nhiều cuộc sinh hoạt chuyên môn với sự tham gia của các nhà văn, nhà lý luận phê bình có uy tín; và hơn hết, chính người viết phải "làm giàu" mình, học hỏi tri thức, kinh nghiệm của người khác mới có thể thoát khỏi cảnh bí bách khi cầm bút hiện nay.