Nhiều phát hiện quan trọng về Đàn tế Nam Giao thành nhà Hồ

10:12, 24/11/2007

Kết quả khai quật di tích Đàn tế Nam Giao Tây Đô (thành nhà Hồ) tại núi Đốn Sơn ở huyện Vĩnh Lộc của tỉnh Thanh Hóa, cho thấy đây là đàn Nam Giao cổ nhất còn tương đối nguyên vẹn dấu tích nền móng ở khu vực trung tâm trong lịch sử kiến trúc đàn tế Việt Nam.

Tại hội thảo công bố kết quả khai quật, do Viện Khảo cổ học và Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Thanh Hóa tổ chức ngày 24/11 ở Thanh Hóa, các nhà nghiên cứu cũng cho biết dấu tích đàn tế Nam Giao Tây Đô tuy mới được phát lộ một phần nhỏ nhưng đã phản ảnh phần nào cấu trúc hết sức độc đáo của nó.

Đàn tế này có nhiều cấp nền được xây tường đá cao ở 3 mặt Đông, Tây và Bắc, riêng mặt Nam dựa lưng hoàn toàn vào núi. Đây là một kiểu bình đồ rất riêng, chưa từng thấy ở những đàn tế khác.

Cũng theo các nhà khảo cổ, dấu tích đàn tế này đã góp phần cung cấp thông tin đầy đủ về giá trị tổng quát của thành nhà Hồ và góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu lịch sử kinh thành Thăng Long-Hà Nội.

Trước đó, trong cuộc khai quật thăm dò đầu tiên năm 2005, các nhà khảo cổ đã tìm thấy các dấu tích kiến trúc như móng nền, cối cửa, móng tường, bậc thềm tại khu di tích này. Căn cứ vào hiện trạng di tích, thư tịch cổ, địa danh và mối quan hệ với thành nhà Hồ, đoàn khai quật đã khẳng định đây là "một bộ phận dấu tích đàn Nam Giao thời Hồ thuộc thành nhà Hồ".

Kết quả khai quật khảo cổ học lần này sẽ bổ sung những chứng cứ thuyết phục vào hồ sơ di tích lịch sử văn hóa thành nhà Hồ, để trình Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới trong tương lai./.