Tôn vinh giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long

16:35, 19/11/2007

Vịnh Hạ Long - Kỳ quan thiên nhiên thế giới, là chủ đề của Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ 3-2007 - diễn ra tại Hà Nội từ ngày 20 đến 23-11. Tiến sĩ Đặng Văn Bài - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trao đổi về ý nghĩa và các hoạt động trong khuôn khổ ngày hội.

Ngày Di sản văn hóa Việt Nam được tổ chức nhằm tôn vinh giá trị kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Chủ đề của Ngày Di sản văn hóa VN 2007 (23-11) tập trung vào bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Đây là dịp để chúng ta đánh giá hoạt động bảo tồn và phát triển di sản này trong hơn 10 năm kể từ khi Vịnh Hạ Long được UNESCO đưa vào danh mục di sản thiên nhiên thế giới. Chúng ta sẽ xem bài học tích cực rút ra ở đây là gì, những khiếm khuyết cần khắc phục để giải quyết một vấn đề có tính thời sự nóng bỏng : xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.

- Hoạt động nào trong khuôn khổ Ngày Di sản văn hóa VN năm nay có thể làm nổi bật thêm giá trị của Vịnh Hạ Long, thưa ông ?

- Có rất nhiều hoạt động. Ngoài lễ khai mạc, bế mạc được tổ chức hoành tráng thì còn có triển lãm, hoạt động văn hóa nghệ thuật. Tôi muốn lưu ý đặc biệt đến một hội thảo cấp quốc gia về các giá trị tiêu biểu, đa dạng của Vịnh Hạ Long - cả giá trị lịch sử, khảo cổ, văn hóa truyền thống, đa dạng sinh học, địa chất địa mạo, môi trường sinh thái. Hội thảo, ngoài việc trao đổi kinh nghiệm bảo tồn còn là dịp để chúng ta xác định lại nhận thức của toàn xã hội và đặc biệt là thái độ ứng xử với môi trường - vấn đề mang tính toàn cầu.

- Vậy theo ông, chính quyền cũng như người dân địa phương có vai trò như thế nào trong việc bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long ?

-Tôi nghĩ cộng đồng dân cư và chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã nghiêm túc quản lý di sản theo Luật Di sản văn hóa. Tôi có thể kể ra đây nhiều bài học tích cực trong lĩnh vực này, như Quảng Ninh đã kiên định kiến nghị Chính phủ di dời cảng chuyển tiếp Trà Báu ra khỏi vùng lõi Vịnh Hạ Long. Đây là quan điểm đúng đắn vì nếu để cảng chuyển tiếp ở vùng lõi ấy thì khả năng gây ô nhiễm môi trường là rất lớn. Thứ hai, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với ngành than chuyển nhà máy tuyển than, cũng như cảng tuyển than ra khỏi thị xã Hòn Gai - nay là TP Hạ Long - nhằm bảo vệ cảnh quan, môi trường Vịnh Hạ Long. Việc này cần kinh phí rất lớn và chính quyền phải cương quyết mới có thể làm được. Ví dụ thứ ba: trong quá trình chuẩn bị xây dựng cảng Cái Lân và cầu Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh và đối tác Nhật Bản đã đầu tư nhiều triệu đô-la Mỹ để tiến hành dự án đánh giá tác động môi trường. Đó là việc tốt vì có biết rõ sự tác động đó thì sẽ tìm được cách ngăn chặn ô nhiễm môi trường.

- Có thái độ ứng xử đúng đắn với thiên nhiên thì mới giữ được sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Nhưng, dường như ta vẫn còn những bất cập cần giải quyết?

- Tôi đồng ý là giờ đây Hạ Long vẫn hàng ngày, hàng giờ đối mặt với nguy cơ, nhất là nguy cơ ô nhiễm môi trường. Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam năm nay và việc Vịnh Hạ Long được vận động đề cử cho danh hiệu một trong 7 kỳ quan thế giới thêm một lần nhắc chúng ta cần có thái độ đối xử đúng mực hơn nữa với Vịnh Hạ Long. Bài học thực tế cho thấy là: nếu chúng ta có thái độ ứng xử phù hợp thì công tác bảo tồn di sản sẽ tạo điều kiện cho phát triển kinh tế và ngược lại, phát triển kinh tế có kiểm soát cũng tạo điều kiện cơ sở vật chất giúp bảo tồn di sản văn hóa tốt hơn.

Tôi xin nêu ra một con số: 10 năm kể từ khi Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, lượng khách đến Hạ Long vào khoảng 10 triệu người. Riêng năm 2006 có 3 triệu khách đến Quảng Ninh, một nửa trong số đó đến Vịnh Hạ Long. Cơ sở hạ tầng tại đây cho thấy một Hạ Long đang hướng tới sự phát triển rất hiện đại. Rõ ràng di sản văn hóa đã trở thành mục tiêu, đồng thời cũng là động lực phát triển. Và ngược lại, phát triển kinh tế cũng tạo điều kiện tốt để bảo vệ di sản văn hóa.

- Xin cảm ơn ông !