Bản sắc văn hoá người Mông

02:53, 19/12/2007

Theo lịch sử để lại thì người Mông có ở Việt Nam từ thế kỷ thứ XVIII. Người dân tộc Mông có trên 558.000 người, họ sống chủ yếu trên các vùng núi cao, đầu nguồn nước thuận lợi cho sinh hoạt.

Người Mông ở Thái Nguyên tuy không nhiều, mặc dù các bản đã có cuộc sống định canh định cư nhưng ruộng nương canh tác của họ chủ yếu là ruộng bậc thang, trên các sườn núi. Họ đắp bờ chắc chắn để giữ nước. Mùa lúa chín nhìn những nương ruộng bậc thang vàng óng trông thật vui mắt.

Nông sản thực phẩm của người Mông có lúa nương, ngô, khoai, sắn, rau xanh, đậu; chăn nuôi có bò, lợn, dê. Các loại cây khác như lanh, sợi. Tiểu thủ công nghiệp như dệt thổ cẩm khá phát triển.

Bản là tiếng gọi chung của khu dân cư người Mông như Bản Lân Đăm, Bản Tèn, Bản Đồng Tâm . Quan hệ dòng họ vẫn giữ nguyên vị trí quan trọng. Người cùng họ có thể được sinh đẻ hay chết trong nhà nhau mà không phải kiêng cữ. Người Mông theo chế độ gia đình phụ hệ. Nam nữ lựa chọn người yêu trong số người không cùng họ.

Ở Việt Nam nói chung và các tỉnh miền núi nói riêng có 4 nhóm người Mông chính: Mông Trắng, Mông Đen, Mông Xanh, Mông Hoa. Mỗi nhóm có ngôn ngữ phong tục riêng.

Người Mông nổi tiếng về kỹ thuật dệt các hoa văn trên vải lanh nên váy áo, khá độc đáo. Người Mông ở những vùng du lịch có biệt tài là nói tiếng nước ngoài khá thành thạo. Họ có thể giao dịch mua bán bằng tiếng Anh, tiếng Trung Hoa như tiếng mẹ đẻ.

Từ gỗ Pơ mu người Mông chế tạo ra các dụng cụ gia đình đẹp, bền như mâm, thau, chậu, yên ngựa, thùng chứa nước, các dụng cụ dùng để mát sa, vv... Nhạc cụ của người Mông phục vụ cho sinh hoạt văn hoá lễ hội là khèn, đàn môi, kèn lá, sáo trúc.

Những đêm chợ tình hoặc phiên chợ vùng cao, thanh niên làng thường dùng các nhạc cụ trên để múa hát gọi bạn. Những bài hát mang đậm bản sắc văn hoá Mông là bài chị Mai đi chợ; Bài ca trong hang đá; Tiếng khèn gọi bạn... thu hút lòng người.