Đi làm tập sáu phim Vũ Xuân

03:58, 11/12/2007

Thu xếp công việc báo chí hàng ngày cho gọn, tạm yên tâm về nội dung cơ bản của số báo Tết dương lịch chào năm mới 2008, dày chừng 40 trang, rồi số báo Tết âm lịch Mậu Tý đón xuân, vui tết cổ truyền dự kiến 100 trang, chúng tôi định ngày lên đường thực hiện quay tập sáu bộ phim hành trình cùng nhật ký liệt sỹ Vũ Xuân như trong kịch bản đã thể hiện.

I- Ngày đầu hành trình

Định ngày thì không khó, nhưng đi thế nào là cả một vấn đề. Đồng chí Tổng biên tập Hữu Minh, vốn có thời kỳ làm báo vùng này dự định phương án: Đó là, đoàn làm phim bay vào thành phố Hồ Chí Minh, mượn xe ô tô cuả đồng nghiệp Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh rồi đi Cần Thơ đón bạn chiến đấu xưa của liệt sỹ Vũ Xuân, đại tá Đỗ Hà Thái rồi đi tiếp đến Kiên Giang. Đồng chí Đặng Tuyết Em, mấy năm trước là Tổng biên tập Báo Kiên Giang, hiện đang làm Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ đón đoàn rồi từ đó đi Châu Đốc, qua kênh Vĩnh Tế, cửa khẩu Tịnh Biên sang tỉnh Căm Pốt nước bạn.

Tuy vậy, hành trình này có hạn chế là từ rẻo đất cuối cùng của nước bạn sẽ phải đi ngược đến giáp biên giới Căm Pu Chia – Lào. Và quan trọng hơn là ngược với hành trình xưa liệt sỹ Vũ Xuân cùng với đồng đội nhiều năm tháng hành quân chiến đấu. Hơn nữa Đoàn làm phim sẽ gặp nhiều khó khăn về phương tiện ô tô để thực hiện các cảnh quay. Thế rồi, đồng chí Nguyễn Quốc Uy, những năm trước từng là Trưởng ban K của Thông tấn xã Việt Nam nay là Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam gợi ý với Tổng biên tập Báo Thái Nguyên (vốn là cán bộ dưới quyền xưa) nên nhờ sự trợ giúp của Phân xã của TTX Việt Nam tại Phnom pênh.

Thế là một hướng mở mới lại đến. Nhà báo Trần Chí Hùng, học Đại học Tổng hợp Văn Hà Nội, ra trường từ năm 1979, mấy chục năm qua gắn bó với nước bạn Campuchia tận tình giúp đỡ để Đoàn làm phim của Báo Thái Nguyên có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình. Hành trình được hoạch định như sau: Đoàn làm phim sẽ bay thẳng từ Nội Bài sang Phnom pênh, rồi từ đó sẽ thực hiện các cảnh quay dọc theo đường hành quân cũ của bộ đội ta tiến vào giải phóng miền Nam. Khi bắt tay vào chuẩn bị cho chuyến đi, Đoàn lại gặp những vấn đề thuộc về thủ tục. Được sự giúp đỡ, giới thiệu tận tình của đồng chí Trịnh Thị Cúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, anh Nguyễn Văn Kiệm, Trưởng phòng Ngoại vụ UBND tỉnh, chúng tôi cử đồng chí Đỗ Xuân Hòa, Phó Trưởng Phòng Phóng viên Chuyên đề; Nguyễn Minh Hằng, Trưởng phòng Thư ký xuất bản về Đại sứ quán Vương quốc Campuchia tại Hà Nội, được hướng dẫn tận tình về thủ tục; Vụ Châu Á 2; Vụ Thông tin Báo chí (Bộ Ngoại giao) giúp đỡ để tạo điều kiện cho Đoàn làm phim. Bởi rất hiếm một tờ báo địa phương ra làm việc ở nước ngoài nên các anh đều trao đổi với bên Campuchia, đặc biệt là Bộ Thông tin để tạo điều kiện giúp Đoàn với thiết bị máy móc cồng kềnh và thẻ nhà báo Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tác nghiệp ở nhiều tỉnh trên đất bạn.

Và ngày lên đường của đoàn là ngày 12 tháng 12 năm 2007. Chúng tôi rời Thái Nguyên lúc 5h sáng, từ Sân bay Nội Bài, máy bay đưa chúng tôi đến Vientiane (thủ đô Lào), rồi đến Pochentong vào lúc 12h trưa.

          Phòng chờ Sân bay Quốc tế Thạp luông- thủ đô Viên chăn (Lào).

Tới Phnom pênh, anh Trần Chí Hùng Đã có mặt tại sân bay đón đoàn. Anh vui vẻ thông báo: Bộ Trưởng Bộ Thông tin Vương quốc Campuchia ngài Khieu Kanharith đã ra thông báo tạo mọi điều kiện cho đoàn hoạt động và Bộ Thông tin cũng đã phúc đáp cho bà Trịnh Thị Cúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên về việc Bộ sẵn sàng giúp đỡ Đoàn hoàn thành nhiệm vụ.

Ở sân bay quốc tế Pochentong, chúng tôi nhận được sự đón tiếp hướng dẫn tận tình của các nhân viên sân bay. Và bắt đầu thực hiện những cảnh quay đầu tiên. Đất nước Campuchia đổi mới rất nhiều so với 30 năm trước, đó là cảm nhận của Trưởng đoàn Hữu Minh đã hơn một lần có mặt ở vùng đất này.

Thế là chúng tôi đã được theo lại dấu chân của lớp cha anh đi trước vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, cố gắng tái hiện cuộc hành trình vất vả của thời ấy để có cuộc sống thanh bình hôm nay.

(Email từ Phnom Penh chiều 12-12)

                                                                           (Còn tiếp tục cập nhật)

II- Một thoáng với Thủ đô Phnom Penh

III- Một ngày ở Ăngco

IV: Nơi này nhớ mãi các anh