II- Một thoáng với Thủ đô Phnom Penh

09:22, 12/12/2007

Khi vừa đặt chân đến Sân bay Quốc tế Pô-chen-tông, chúng tôi nhận được sự đón tiếp, giúp đỡ tận tình, chu đáo của đồng nghiệp TTX Việt Nam và các bạn Campuchia.

Còn chút thời gian ngắn ngủi trước khi chúng tôi lên đường đến tỉnh Kam phot, Stung treng theo bước chân của liệt sỹ Vũ Xuân, họ muốn giới thiệu với chúng tôi -những người bạn Việt Nam đôi nét về Thủ đô Phnom Penh đang đổi mới.

Điểm đầu tiên chúng tôi được giới thiệu là Đài Độc lập được xây dựng năm 1960 trên Đại lộ Nô-rô-đôm, đường phố lớn nhất của Phnom penh. Đây là dấu tích lịch sử quan trọng của đất nước chùa tháp này, vì ngày 9-11-1953, tại nơi đây, thực dân pháp đã trao trả độc lập cho Camphuchia. Đài có 4 tầng, xòe như hình cánh sen, một kiến trúc truyền thống của người Khơmer. Xung quanh Đài tưởng niệm là Ngân hàng, Trường Đại học Sư phạm, nhìn ra Công viên Hunsen rộng lớn. Xe chúng tôi dừng lại trước Nhà quốc hội trên đại lộ Sihanuc. Công trình tuyệt đẹp này được khánh thành vào thứ bẩy, ngày mồng bẩy, tháng bẩy năm 2007, với 7777 vị khách được mời. Theo quan niệm của người Campuchia thì số bẩy là con số may mắn.

Một địa điểm được các bạn đặc biệt quan tâm đưa chúng tôi đến là Tượng đài quân tình nguyện Việt Nam đặt cạnh Hoàng cung của Quốc vương Siamoni. Được biết Tượng đài xây năm 1985, thể hiện tình đoàn kết và lòng biết ơn của đồng bào Camphuchia đối với quân đội và nhân dân Việt Nam đã giải phóng nhân Campuchia khỏi nạn diệt chủng. Trong cuộc chiến này, đã có 6 vạn chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam anh dũng hy sinh. Chúng tôi lặng ngắm bức tượng đài, được tạc uy nghi trên độ cao trên 50 mét, trong khuôn viên đầy cây xanh và hoa, trước mặt là không gian rộng lớn - nơi những đứa trẻ hồn nhiên vui đùa trong không khí thanh bình của ngày hôm nay. Lúc này, chúng tôi càng nhớ đến Vũ Xuân - người đã có gần một năm sống trên đất nước Campuchia, nhưng đó là những ngày đi bộ luồn rừng và sốt rét. Anh Vũ Xuân ơi! Campuchia hôm nay đã khác nhiều. Sự đổi thay này có một phần đóng góp của thế hệ các anh - với tinh thần quốc tế vô sản đã chẳng quản ngại gian khổ, hy sinh.

Thời gian không còn nhiều, nhưng chúng tôi không thể không đến một địa điểm - nơi lưu lại một thời kỳ đau thương của người dân Campuchia. Đó là Bảo tàng lưu giữ tội ác diệt chủng của bè lũ Khơmerđỏ, có tên là Tuol Sleng, tại đường 113, Boeng Keng Kang 3, Chamkar Morn, Phnom penh. Chúng tôi nghẹn ngào khi nhìn những hình ảnh minh chứng cho tội ác mà những người dân vô tội đã phải gánh chịu. Hàng nghìn người, trong đó có nhiều em nhỏ, phụ nữ, người già bị tra tấn đến chết. Trong những căn phòng là những dụng cụ tra tấn mà chúng tôi cảm thấy còn thấm máu, quanh quẩn đâu đây là những oan hồn còn ẩn khuất. Tại Bảo tàng chúng tôi gặp nhiều người từ nhiều quốc gia trên thế giới đến đây. Đọc trong ánh mắt họ là sự ghê sợ, căm thù. Và chúng tôi càng thấm thía hơn ý nghĩa sự hy sinh của các chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam trên đất nước này.

Rời khỏi nơi đau thương ấy, chúng tôi lại bắt gặp những nhành hoa Chămpa (hoa đại) thơm ngát, ngắm phố phường sầm uất và cuộc sống đang phát triển nhanh chóng. Lòng chúng tôi yên tĩnh trở lại khi rời Phnom Penh tiếp tục cuộc hành trình. (còn nữa)


Nhà Quốc hội Vương quốc Campuchia mới được xây dựng.

Nhà báo Minh Hằng trao đổi với Nhà báo Trần Chí Hùng,
Trưởng phân xã Việt Nam tại Phnom Penh.


 Đài Độc lập Campuchia.

(Email từ Phnom Penh đêm 12-12)

I- Ngày đầu hành trình

III- Một ngày ở Ăngco

IV: Nơi này nhớ mãi các anh