IV: Nơi này nhớ mãi các anh

08:39, 16/12/2007

6 giờ ngày 15-12, tạm biệt thủ đô Phnom Pênh, nhằm hướng Đông Nam, chúng tôi tiến về huyện Xúc, tỉnh Cam Pốt.

Lái xe đưa đoàn đi là anh Bun Tik, 47 tuổi, bố người Trung Quốc, mẹ người Việt Nam. Anh Bun Tik sinh ra và lớn lên ở Campuchia. Để kịp đón chúng tôi, anh và người phụ xe người Campuchia tên Phall đã phải đi từ Cam Pốt lúc 2 giờ sáng.

Phnom Pênh sáng sớm có vẻ đẹp tinh khôi. Đường phố không quá đông đúc nên chúng tôi có thể quan sát được cảnh người dân mua bán, học sinh đến trường với đồng phục quần xanh, áo trắng, khăn quàng đỏ. Xe đi qua sân bay Pô Cheng Tông, qua các nơi thờ tự lộng lẫy của đất nước Chùa tháp này.

Trên đường đi, anh Bun Tik tỏ ra áy náy vì không bố trí được chiếc xe đẹp hơn để chở đoàn, nhưng khi thấy chúng tôi rất thoải mái mở phanh cửa kính đón gió trời, hít hà không khí sớm mai, anh Bun Tik mới hết băn khoăn. Anh liên tục gọi điện cho một người bạn để hỏi ra đường nào thuận lợi nhất để đưa chúng tôi đi.

Sau hơn 100 km, địa giới tỉnh Cam Pốt hiện ra trên cột mốc cây số ven đường khiến chúng tôi bồi hồi. Cái tên Cam Pốt không chỉ quen thuộc với liệt sĩ Vũ Xuân mà còn rất gần gũi với những người làm Báo Thái Nguyên, mặc dù chúng tôi ở cách nơi này vài nghìn cây số. Vì cách đây nửa năm, khi có ý định làm phóng sự truyền hình “Theo dấu chân liệt sĩ Vũ Xuân”, chúng tôi đã đọc nhuyễn cuốn nhật ký của anh, viết kịch bản văn học, kịch bản chi tiết, nghiên cứu kỹ bản đồ Đông Nam Á, vạch định kế hoạch cho chuyến đi, cái tên Cam Pốt cũng trở nên quen thuộc từ đấy.

Trong nhật ký của mình, Vũ Xuân dành nhiều trang viết về huyện Xúc, tỉnh Cam Pốt. Tại đây, anh và đồng đội đã có biết bao kỷ niệm trong khoảng thời gian 5 tháng trời lưu lại, khiến lúc chia tay anh ngậm ngùi lưu luyến và bà con cũng nhung nhớ không nguôi.

Huyện Xúc có những cánh đồng lúa trải rộng, những cây thốt nốt ngạo nghễ điểm xuyết giữa không gian mênh mông làm nên bản sắc Campuchia. Chúng tôi đã được nếm những viên đường thốt nốt thơm ngọt ở đây. Hoa thốt nốt, quả thốt nốt dưới bàn tay khéo léo của người lao động Campuchia đã làm thành đặc sản của đất nước này.

Huyện Xúc- nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp trong quãng đời quân ngũ cùa liệt sĩ Vũ Xuân đây rồi. Chắc hẳn ngày Vũ Xuân ở đây, làng quê khác bây giờ nhiều. Chúng tôi ngắm mãi vẻ đẹp những nếp nhà sàn cổ truyền của người Khơ Me, hàng chum vại trữ nước ăn vì bây giờ đang là mùa khô, gầm sàn nhà nào cũng có ít nhất 1 chiếc xe máy, nhiều nhà đã có ô tô riêng. Chúng tôi dừng xe vào một ngôi nhà bất kỳ ở Phum Naiê, ấp Xnaicrômmia. Chủ nhân là ông Rua Sà Rơn. Lạ lẫm nhìn chúng tôi, nhưng chỉ sau lời giới thiệu của anh Tik, ông đã rất thân tình:

- Bộ đội Việt Nam à? Nếu không có họ, Phum (xã) tôi không còn ai sống sót. (Chúng tôi hiểu ông đang nói về những người lính tình nguyện Việt Nam đã giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của chế độ Pôn Pốt. Ở ấp trên, nhiều người biết bộ đội Việt Nam lắm). Nói rồi, ông vào nhà lấy chiếc Dream mới cóng ra, đi trước dẫn mọi người theo. Ông dừng trước một dãy nhà sàn có hàng thốt nốt, chẳng mấy chốc dân làng đã đến vây quanh chúng tôi. Đúng là chẳng riêng ông Rua Sà Rơn, hầu như những người khoảng trên 60 tuổi ở đây đều biết bộ đội Việt Nam. Bà ThuSan, 63 tuổi cứ nhắc đi, nhắc lại tên: Ông Nam, ông Phương, ông Xô... là bộ đội Việt Nam đã dừng chân nơi này những năm 1971-1972.

- Trong Phum có chuyện gì vướng mắc là chúng tôi đều chạy đến hỏi các anh bộ đội Việt Nam cả- Bà ThuSan kể.

Còn bà Pray Nam lại trở thành con dâu Việt Nam. Bà kết hôn với anh bộ đội tên là Tiến: - Anh ấy đóng quân gần nhà mình, thích nhau thì lấy thôi. Giờ hai người đã có 4 con rồi, đứa lớn 26 tuổi, đứa nhỏ đang học lớp 9.

- Cảm ơn bộ đội Việt Nam nhiều lắm- đó là câu nói chúng tôi được nghe nhiều lần từ những người nông dân chân chất này. Tình cảm đó gây dựng được là nhờ những người lính Cụ Hồ như Vũ Xuân, những người "đi dân nhớ, ở dân thương" không chỉ trên đất Cam Pốt mà ở cả Stungtreng, Công pông chàm, Carachê, những tên đất, tên người nước bạn đã nhiều lần nhắc đến trong nhật ký của anh.

Vì muốn chuyển tải nhiều thông tin đến khán giả khi xem tập 6 này, chúng tôi đã quay nhiều cảnh sinh hoạt của người dân Capuchia. Ở cảnh quay nào chúng tôi cũng nhận đươc sự hợp tác rất nhiệt tình của người dân nơi đó. Họ tươi cười trước ống kính của chúng tôi, tận tình chỉ đường, dừng lại hồi lâu dưới nắng trưa cho chúng tôi cận cảnh. Đó là chưa nói anh Tik lái xe đã thành phiên dịch viên đắc lực và anh Phall không biết từ lúc nào đã trở thành người giúp chúng tôi vác phụ kiện quay phim rất nhanh nhẹn.

Thời gian trên đất bạn trôi qua thật nhanh. 16 giờ ngày 15-12, chúng tôi có mặt ở cửa khẩu Xà Xía (bên này là cửa khẩu Hà Tiên của tỉnh Kiên Giang). Sau khi xem giấy giới thiệu của Bộ Văn hóa Thông tin Vương Quốc Campuchia cho phép Đoàn làm phim của Báo Thái Nguyên hoạt động nghiệp vụ và đề nghị các cơ quan có liên quan giúp đỡ, các chiến sĩ cửa khẩu Xà Xía đã tận tình hướng dẫn chúng tôi làm thủ tục xuất cảnh. Họ còn nhờ xe đưa chúng tôi đến cửa khẩu Việt Nam.

Tạm biệt Campuchia, tạm biệt Cam pốt, tạm biệt Công pông thom, Công pông chàm...., tạm biệt những cánh đồng thốt nốt, những con người ấm nồng tình cảm, chúng tôi trở về Tổ quốc cùng biết bao điều sẽ còn nhớ mãi. Chắc rằng liệt sĩ Vũ Xuân sẽ rất vui khi biết mảnh đất xưa anh từng gắn bó giờ đã nhiều đổi khác, nhưng tình cảm của nhân dân ở đây dành cho các anh và dành cho đất nước Việt Nam vẫn thơm thảo ngọt ngào như đường thốt nốt vậy.

Sau 4 ngày làm việc trên đất bạn, đoàn làm phim “Hành trình theo dấu Nhật ký liệt sỹ Vũ Xuân” đã hoàn thành việc ghi hình tập 6. Theo kế hoạch của kịch bản, đoàn tiếp tục thực hiện tập 5 tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và các tỉnh miền Trung Việt Nam trong thời gian tới. (Hết)

Phương tiên vận tải thông dụng ở nông thôn Campuchia

Phương tiên vận tải thông dụng ở nông thôn Campuchia

Đòan làm phim với nhân dân huyện Chuck, tỉnh Kam Pot nới liệt sỹ Vũ Xuân từng hoạt động

Đoàn làm phim với nhân dân huyện Chuck, tỉnh Kam pot nơi liệt sỹ Vũ Xuân từng hoạt động

Đoàn làm phim với nhân dân Campuchia

Đoàn làm phim với nhân dân Campuchia

Đoàn làm phim dời Campuchia

Đoàn làm phim rời Campuchia.

I- Ngày đầu hành trình

II- Một thoáng với Thủ đô Phnom Penh

III- Một ngày ở Ăngco