Sau 49 năm gom góp sưu tập, hiện ông Đỗ Thành Kim (68 tuổi, ở TP.HCM) đang nắm trong tay bộ tem tất niên độc đáo do nhiều quốc gia trên thế giới phát hành.
Trên đầu chú chuột ấy có thắt chiếc nơ màu vàng như màu những đóa mai rừng phương nam. Tiếp đó, ngày 3.12, Nhật lại đưa thêm một lốc 10 con tem nữa vào bộ tem tất niên, lần này có hình chú chuột tròn lẳn đang ẵm những trái nho đầu mùa.
Ông Kim cho biết: "Đó là bộ tem chuột đón Tết Mậu Tý sớm nhất thế giới. Tiếp theo là Việt Nam với bộ tem phát hành ngày 1.12, vẽ chú chuột màu tím trang nhã đang đứng thẳng người trên hai chân sau và ở tư thế từa tựa động tác "múa hoa" bằng hai chân trước trông rất dễ thương!".
Ông Kim đem ra một chồng những cuốn sưu tập dày cộm "khoe" các con tem ngộ nghĩnh khác thuộc hệ "12 con giáp". Như bộ tem Tết năm Tỵ của CHDCND Triều Tiên vẽ hình đôi rắn thanh xà, bạch xà theo truyện cổ Trung Quốc.
Philippines có tem năm Thân với hình con khỉ đang cười, Ireland có tem năm Tuất với hình con chó đang chạy, New Zealand có tem năm Dậu với hình con gà đang "vểnh" đuôi. Úc có loạt 12 tem vẽ 12 con vật ra đời suốt 12 năm liên tục từ 1994 - 2006 gồm trâu, cọp, mèo, rồng, rắn... Ông Kim khẳng định tem "12 con giáp" xuất hiện sớm nhất ở Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc cũng như một số nước châu Á khác như Thái Lan, Lào, Campuchia. Việt Nam phát hành con tem tất niên đầu tiên vào năm Ngọ 1966 (ở Hà Nội) với hình "ngựa phi đường xa" và từ năm 1993 trở đi thì năm nào cũng có.
Tại các nước Âu Mỹ, khi giao lưu văn hóa rộng mở hơn vào thập kỷ 1980 - 1990, nhiều nước đã tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa của "thập nhị địa chi" và đã in hình các con vật "cầm tinh" từng năm lên mặt tem.
Điển hình là Mỹ từ 1993 - 2005 đã phát hành giáp vòng "12 con giáp" với dòng chữ Happy New Year ở góc trái mỗi con tem. Nước Pháp từ 3 năm nay (2005 - 2007) sau mỗi dịp Tết dương lịch cũng lần lượt phát hành tem mèo, chó, heo và có lẽ sẽ tiếp tục làm tem chuột vào Tết Mậu Tý này...
Dòng tem này còn lan mạnh qua các nước châu Phi như Nam Phi, Ghana, Zambia, Guyana, Namibia và cả những quần đảo hoặc các vùng lãnh thổ xa xôi như Polynesia, Batum, New Caledonia, Palau... Quần đảo Marshall in tem năm Tý vào 12 năm trước với hình chuột đang ngồi bằng hai chân sau, hai chân trước thành "hai tay" đưa lên, một tay cầm trái đào và một tay cầm cái đuôi dài thượt uốn cong quá đầu. Các nước đông đảo tín đồ Hồi giáo như Indonesia, Malaysia, Afghanistan cũng mở cửa giới thiệu mặt tem "thập nhị chi" của họ ra thế giới.
Ông Kim còn dí dỏm nói rằng, có một "con giáp thứ 13" nữa, hiếm thấy lắm. Khi được hỏi là con gì, ông cười đáp: "Cũng là con tem, nhưng chúng in ra chứ không lưu hành vì nhiều lý do và đang được người chơi lùng tìm, song khó kiếm lắm!".
Rồi ông lấy ví dụ bộ tem rồng do chính quyền Sài Gòn cũ đặt in sẵn dự định sẽ tung ra đón Tết Bính Thìn (1976) nhưng đến mùa xuân 1975 thì Việt Nam hoàn toàn thống nhất, bộ tem trên vĩnh viễn không lưu hành nữa, chỉ lưu giữ trong kho tài liệu của ngành bưu chính. Đó là tem in hình rồng màu vàng đang cuộn mình vờn chụp quả cầu lửa trong mây, mặt tem in giá 500đ (tiền Sài Gòn) trên nền màu xám tro. Có 21 con tem thuộc loại ấy.
"Tôi không uống rượu, không đánh bạc, chỉ ham chơi tem thôi, mà chơi từ hồi còn đi học trường Thủ Khoa Huân ở Chợ Lớn. Tới lúc đi làm cũng vậy, hễ dư tiền chút đỉnh là mua tem liền. Bây giờ tuy tuổi đã cao nhưng chưa ngày nào tôi rời con tem cả", ông Kim nói về niềm đam mê của mình. Rồi ông lấy trong hộc bàn hai bao thư của các nhà sưu tập ở Trung Quốc và Nhật Bản vừa gửi cho ông vào dịp Giáng sinh năm nay. Trong đó có các con tem in hình núi tuyết, núi lửa đang phun khói, kèm theo lá thư nêu những yêu cầu trao đổi tem giữa ông và họ qua đường bưu điện trong năm mới 2008.
Tại nhà mình ở số 40A đường Nguyễn Thông, Q.3, TP.HCM, ông còn sắm sẵn một chiếc cân nhỏ để cân trọng lượng của mỗi bức thư sắp gửi đi. Cân xong ông lựa các con tem để dán cho khớp với giá tiền tương ứng với trọng lượng đó. Làm tại nhà như thế, theo ông, mới đủ thời giờ lựa tem đẹp, tem đúng giá cần dán để gửi đi, chứ đến bưu điện phải gấp gáp, lúng túng lắm. Người nhận thư ở Pháp, Mỹ và các nước khác cũng có thêm bì thư đẹp gửi từ Việt Nam đến. Sau gần nửa thế kỷ chơi tem, hiện ông Kim đang sở hữu một "kho tàng" gồm tất cả những con tem đã phát hành từ Hà Nội, Sài Gòn và vùng giải phóng miền Nam trước đây, gọi là Tổng tập tem VN thế kỷ 20.
Ngoài ra, ông tâm đắc với một số đề tài sưu tập trong đó có động vật hoang dã. Ông mang ra một số tem để thuyết minh, từ tem về loài "chuột túi" kangaroo hiện vẫn sống đông đúc tại châu Úc, đến những loài bị tuyệt chủng như ngựa Quagga trong rừng già nguyên sinh ở Tanzania.
Ông nói tem Việt Nam cũng theo các bì thư gửi ra nước khác để giới thiệu các động vật quý hiếm hoặc đặc hữu (chỉ có ở nước ta) như bướm rừng Mura, tê giác Việt Nam, cá sấu Xiêm, gà so cổ hung của vườn quốc gia Cát Tiên chẳng hạn. Riêng bộ sưu tập "12 con giáp" của ông được giới chơi tem đánh giá là phong phú nhất Việt Nam về đề tài tem tất niên. Gọi là tem tất niên vì theo ông Kim chúng thường ấn loát và phát hành vào những ngày gần Tết dương lịch, hoặc khoảng một hai tháng trước Tết Nguyên đán hằng năm.