Tôi gặp Phạm Tiến Duật lần đầu vào trưa hè năm 1979, tại một căn nhà bé nhỏ lại là một cổng để nhà hàng xóm đi qua ở gần Cửa Nam. Cùng đến thăm có nhà thơ Trần Hậu Nhân và Nguyễn Thị Hồng Ngát.
Anh Duật hỏi chuyện, biết tôi là phóng viên Thông tấn xã- Nhà báo. Anh bảo: Nhà báo thì cũng tốt nhưng phải biết làm thơ. Dĩ nhiên, thơ anh Duật đã rất nổi tiếng, tôi thuộc khá nhiều bài thơ của anh, tỷ dụ như bài Lửa đèn.
“Ngày mai, ngày mai chúng ta hoàn toàn chiến thắng
Anh dắt tay em trời chi chít sao giăng
Thắp đèn ta sẽ chơi trăng ngoài thềm
Ta thắp đèn lồng, thắp cả đèn ông sao năm cánh
Ta sẽ dẫn nhau đến ngôi nhà đèn hoa lấp lánh
Nơi ấy là phòng cưới chúng mình
Ta sẽ làm chiếc đèn kéo quân thật đẹp
Mang hình những người, những cảnh hôm nay
Cho những cuộc hành quân nào còn trong bóng tối
Sẽ hiện muôn đời trên mặt ngọn đèn xoay”
Nhà thơ mô tả theo chiều dài của cuộc chiến tranh chống Mỹ, lấy lửa làm chủ đề chính- Lửa là văn minh đến sớm của loài người. Nhưng để chống Mỹ “Ôi ngọn lửa đèn dầu, có nửa cuộc đời ta trong ấy/ Giặc Mỹ cướp đi, giặc muốn cướp nửa tim ta đấy”, rồi: “Mang lửa từ nghìn năm về trước/ Vùi trong tro, trong trấu nhà ta/ Có từ thuở cha ông/ Giữ qua đời này đời khác.” Cả nước phải tắt đèn để lừa địch, đánh địch đến thắng lợi...
Thế nhưng, làm thơ thì phải có năng khiếu, có tâm hồn thơ, thôi đành chỉ biết cười. Anh lấy hạt vải đen nhánh rồi dùng dao găm “có lẽ là kỷ vật thời lính” rồi chích hai bên một cách khéo léo, một chút trở thành đôi cánh cò. Anh bèn với lọ tăm rồi cắm hai bên thành hai chiếc chân. Ở đầu của hạt vải, anh gọt thành đầu một con cò rồi vừa nói chuyện với khách vừa gọi cậu con trai còn bé bỏng nói: Ba tặng cho con con cò. Ký ức miền quê được anh mô phỏng chỉ với một hạt vải. Rồi anh cũng xin lỗi mấy vị khách để kịp ra xe đi Ba Vì, nơi vợ anh đang dạy học.
Tôi còn gặp anh một số lần nữa, có lần với nhà thơ Bảo Định Giang, Nguyễn Duy, Chim Trắng ở T.P Hồ Chí Minh, lần nào anh cũng chỉ động viên làm thơ. Anh nói nhiều đến việc thơ là nơi gửi gắm tâm hồn, ý tưởng và ước mơ dễ đi vào lòng người.
Sau này, dù cố gắng lắm cũng không biết làm thơ, nhưng thơ của Phạm Tiến Duật kể cả sáng tác thời rực rỡ khi còn mặc áo lính hay khi anh là nhà quản lý, thậm chí có lúc còn là Giám đốc một hãng phim thì tôi không thể nào quên được. Mô tả cái bi tráng của chiến tranh như Lửa đèn hay sau này anh anh viết những bài thơ ca ngợi những con người là chủ thể bé nhỏ của một tập thể nhưng cũng lấp lánh, góp sức cho thành công chung (Nghe em hát đồng ca).
Thế rồi nghe tin nhà thơ bị bệnh trọng, tình cảm bạn thơ, bạn văn, bạn chiến đấu đến với anh qua những câu chuyện thật cảm động như nhà văn Nguyễn Khắc Phục thường xuyên đem áo cho anh thay, cố gắng giúp anh để hoàn thành những phần việc mà anh trăn trở, dồn sức suốt cả một đời. Rồi trái tim nhà thơ ngừng đập vào lúc 8 giờ 49 phút ngày mồng 4 tháng 12.
Tôi viết ra đây một kỷ niệm nhỏ nhưng đã mấy chục năm qua vẫn nhớ. Nhà thơ mất nhưng thơ của Nhà thơ thì còn mãi trong tâm hồn, ký ức của cả một lớp người, thế hệ các anh và thế hệ trẻ sau này.