Những câu thơ mắc lại ở trong đầu

10:54, 04/12/2007

Mỏng mảnh và giản dị, tập thơ chỉ có 30 bài, tất cả viết trong thời gian từ năm 2005 đến năm 2007. Tác giả còn rất trẻ, mới 23 tuổi và đây là tập thơ đầu tay của anh.

Thực ra Phạm Văn Vũ là gương mặt sáng giá của sinh viên Sư phạm Thái Nguyên khi không chỉ là học sinh giỏi, anh còn được Giải thưởng cuộc thi thơ Bút Hoa (báo Hoa học trò) năm 2005; là đại biểu trẻ nhất dự hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc năm 2006. Để có chuyến đi vào tỉnh phía Nam xa tít ấy, các thày, cô và các bạn sinh viên Khoa văn đã có cuộc quyên góp hết sức cảm động, trở thành kỷ niệm khó quên đối với Vũ và đối với nhiều người.

Đọc bài thơ đầu tiên, tôi không thể không đọc tiếp bài thứ 2, 3, đến bài thứ 30. Càng đọc càng có cảm giác lạ lẫm. Cậu sinh viên có nét mặt ngây thơ ấy lại có những phát hiện hết sức bất ngờ, nhiều ẩn ý: Bóng nến liêu diêu/ngã vào đêm/không ngủ/cháy đến cạn mình/chưa thắp nổi một giấc mơ (ánh nến). Hoặc: Tiếng chuông rất nặng/Cứ chìm mãi chìm mãi không về/có biết mái chùa đang cong?(Mái chùa). Vũ rất nhạy trong quan sát để nhìn sâu vào trái tim người: Cái bắt tay hờ/câu chuyện ve vuốt/ lời chào lệ/ cuộc rượu suông/câu hát hụt hơi/bài thơ nhạt thếch/ đến cả nụ hôn còn mở mắt (Nhạt). Nhìn thấy và chạnh nghĩ, đó là con người Vũ. Thấy những đứa trẻ tật nguyền hát quốc ca bằng tay, người nghe bỏ chạy, vì sao? Bước chân vô thuỷ vô chung/nhẩm quốc ca/câu nào cũng vấp/ mới hay mình tật nguyền.(Một lần hát). Vũ viết: Không ai dạy ta nhận ra sự yếu đuối/khi cúi mặt lặng yên/đừng dối mình, ngẩng lên (Đi).

Kiệm lời là đặc điểm thơ Vũ. 22/30 bài thơ tít chỉ có 1 đến 2 chữ. Các câu thơ của anh cũng vậy, nặng trĩu ý tưởng, đọc và nghĩ, anh bắt người đọc không được lười nhác: Xin cha mẹ dành cho con một cái tên/, mai này người gọi/xin biển dành con hạt muối/cho đậm vị cuộc sống/xim mây trời dành cho con giọt nước/về gột rửa tháng ngày/Muối cứ tan thành nước/nước cứ tan thành hơi/còn trơ tên gọi/chính mình cũng quên (Quên.)

Còn rất nhiều câu thơ khác mắc lại khi đọc “Trong nỗi nhớ màu chàm của Vũ”. Từ tập thơ đầu tay mỏng mảnh này tôi dám chắc rằng Vũ sẽ còn đi xa và sẽ để lại dấu ấn trên chặng đường thơ không chỉ của Thái Nguyên.