Sau những vòng thi bán kết khu vực miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và Nam bộ, 48 thí sinh thuộc 24 dân tộc đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2007 - diễn ra tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) từ ngày 11 đến 21-12. Đêm nay, 21-12, ai sẽ vinh dự là người đầu tiên đăng quang ngôi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam?
Cuộc thi sắc đẹp này xứng đáng là hoạt động trọng tâm của Festival Hoa Đà Lạt 2007. Từ ba ngày qua, khi những kỳ cuộc hay nhất của Festival đã lắng lại, mọi sự chú ý như dồn cả vào việc ai sẽ đăng quang ngôi Hoa hậu vào đêm nay.
Đã mươi ngày nay, 48 thí sinh bước vào kỳ huấn luyện cuối cùng để chuẩn bị cho đêm chung kết. Họ đã cố gắng đến tận cùng, đã thật sự lao động không nghỉ theo cái chu trình dường như chỉ có ăn và tập. Xen giữa chu trình nhọc nhằn ấy là những cuộc thi tài trong trang phục áo tắm, những lần thử tài cưỡi ngựa, cắm hoa, nấu ăn, đấu bóng, leo núi... Từ những cuộc thi ấy, người ta chọn ra những người đẹp xứng đáng với 10 danh hiệu được đặt tên theo các loài hoa - từ người đẹp Hoa Sen có khuôn mặt khả ái nhất, người đẹp Hoa Đào có phong cách trình diễn hay nhất đến người đẹp Hoa Tulip có làn da đẹp nhất, người đẹp Hoa Mimoza có nụ cười đẹp nhất, người đẹp Hoa Cẩm Chướng có đôi mắt đẹp nhất... Cả một chuỗi hoạt động giúp cho các thí sinh thuộc 24 dân tộc, từ Tày, Nùng, Kinh, Thái, Mường đến người Lô Lô, Chơ Ro, Cơ Tu, Lào, Hoa, La Chí, Bana... thêm tự tin trước đêm thi quyết định.
Người ta nói với nhau rằng cái đặc biệt nhất ở cuộc thi này là sự khác biệt giữa những người đẹp các dân tộc so với các thí sinh của những cuộc thi sắc đẹp trước nay. Vẫn là những thiếu nữ qua tuổi 18, đã tốt nghiệp phổ thông nhưng trong số họ có người chỉ rời thôn bản lần đầu tiên khi dự cuộc thi này. Có người chưa từng xỏ chân vào đôi guốc cao. Có người đã rất ngượng ngùng trong lần thi tài “sao mà nhiều người đến thế”. Có người đã dùng dằng cả buổi trước bộ áo tắm cho cuộc thi tại thác Pren đẹp mê hồn... Đâu đó văng vẳng lời người mẹ trong ngày tiễn con đi: “Ra trước ống kính truyền hình đi đi lại lại thế, về ai mà dám lấy nữa con ơi!”.
Cuộc thi này, tự thân mỗi thí sinh đã là điều đặc biệt. Các thành viên Cty CIAT, nhà tài trợ chính - Cty Phong Phú, các ủy viên HĐGK đã phải theo sát thí sinh, giúp họ từ bộ trang phục, đôi guốc hợp thời trang, cách thức đi lại, nói năng sao cho nền nã mà vẫn tỏ rõ sự duyên dáng hiện đại. Theo TS - hoa hậu Đoàn Thị Kim Hồng, Phó chủ tịch HĐGK thì ngoài vẻ đẹp hình thể, những yếu tố quan trọng nhất để xác định các danh hiệu là tài năng và lòng nhân ái. Bởi vậy mà suốt chặng dài chung kết, các thành viên HĐGK luôn hướng thí sinh theo những tiêu chí này. Họ giúp thí sinh cách luyện tập để nâng cao vẻ đẹp thể hình, thêm tự tin, thêm tri thức về dân tộc mình. TS nhân trắc học Thẩm Hoàng Điệp nhận xét: “Sau sự bỡ ngỡ ban đầu, qua vòng bán kết và hơn chục ngày tập luyện ở Đà Lạt, rõ ràng là các thí sinh đã tự tin rất nhiều. Họ đã hoạt bát hơn nhiều, có ý thức luyện tập giữ gìn hình thể và các số đo ngày càng chuẩn hơn”.
Theo TS Nguyễn Văn Huy, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, cuộc thi này có ý nghĩa chính trị - văn hóa sâu sắc. Ông nói :”Đây là dịp hiếm hoi để những con người thuộc 24 dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam tụ hội cùng nhau trong 10 ngày. Họ cùng sống, cùng chia sẻ niềm vui và giá trị văn hóa dân tộc mình. Không có sự đố kỵ, đó cũng là nét riêng ở cuộc thi này” .
Có thể cảm nhận sâu sắc ý nghĩa cuộc thi qua suy cảm và hành động của từng thí sinh. Họ, như người ta nói là đa số “từ rừng già đến chốn phồn hoa” mà vẫn không quên những giá trị tinh thần dân tộc trong hành trang. ý thức giữ gìn di sản thể hiện từ một bài hát ru bằng tiếng dân tộc, một điệu múa Khơ-me, một tiếng cồng Mường, một chiếc túi lưới Dao, một bộ trang phục Lô Lô tự làm ròng rã trong 3 năm... Kra Jan Jut Jui 20 tuổi, dân tộc Cơ Ho (Lâm Đồng), người đã tạo ấn tượng đặc biệt trong phần thi năng khiếu nói rất đơn giản: “Em muốn tạo sự khác biệt bằng chính giá trị văn hóa của dân tộc mình, điều đó giúp em làm những gì mọi người cho là không thể”.
Khi thí sinh thi nấu ăn, mỗi người đều muốn giới thiệu đặc trưng dân tộc mình. Họ mang thắng cố với thảo quả, mắc mật từ Bắc vào, đem theo món cá hấp theo cách nấu của người miền Nam ra, lại cùng nhau lập nhóm nấu món mướp đắng và chia sẻ suy nghĩ “nhớ đến những đắng cay gian khổ mà cha mẹ đã trải qua”. Người này chia sẻ với người kia những hay đẹp của dân tộc mình. Cái sự giao lưu ấy đem lại bao điều thú vị, những hiểu biết mới mẻ và cả sự ngạc nhiên vào loại lớn nhất trong đời vào cái lúc chúng bạn hỏi Phạm Thị Thanh Phương rằng “đất nước mình có dân tộc Chơ Ro à?”. Thi đấy, đua tài đấy mà thấm đẫm nhân văn. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa trong hội nhập chẳng phải là thế sao!
Đêm nay chung kết, đêm của những bông hoa núi rừng giữa ngàn hoa Đà Lạt. Họ sẽ đối diện với 6.000 khán giả, trước hàng triệu người xem truyền hình qua VTV1 bằng sự tự tin đã được thử thách. Và đêm nay ai sẽ là hoa hậu, ai sẽ là chủ nhân của 17 danh hiệu danh giá? Với những gì đã trải thì dường như sự thắng thua đã không còn quá quan trọng nữa rồi.