Phấn đấu để phim Việt đến được với khán giả đã là một nỗ lực, nhưng làm sao để khán giả chủ động tìm đến với điện ảnh mới là điều quan trọng nhất. Sau đây là ý kiến của một số người công tác trong ngành điện ảnh.
(Ý kiến của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, Giám đốc Hãng phim Hội Điện ảnh)
Thật mừng là ở các thành phố lớn những năm gần đây, rạp chiếu phim được xây dựng khá nhiều, với quy mô bề thế và hiện đại. Nhiều cụm rạp mọc lên chứ không còn là các rạp nhỏ lẻ. Các cụm rạp này đều được trang bị máy chiếu hiện đại, âm thanh vòm, phòng chiếu trang nhã, lịch sự.
Các bộ phim mang vào chiếu ở đó cũng cần phải có được một chất lượng nghệ thuật và kỹ thuật tương xứng. Nghĩa là nội dung phim phải hấp dẫn, câu chuyện phải hay, âm thanh, hình ảnh phải chuẩn, thỏa mãn cả nhu cầu nghe và nhìn của công chúng. Tiếc là các phim Việt Nam hiện nay vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của khán giả.
Công tác phát hành phim của chúng ta cũng chưa tốt. Về sự nhanh nhạy trong quảng bá, phát hành phim, các đơn vị nhà nước kém năng động hơn các đơn vị tư nhân.
Sự gắn bó dài lâu giữa các đối tác phát hành không có gì hữu hiệu hơn là lợi nhuận, nhưng từ lâu chúng ta đã quên mất điều đó. Chúng ta đã quen làm việc theo kiểu bao cấp, là dựa trên sự chiếu cố, sự nể nang. Nhưng thế giới hiện nay đã không còn chỗ cho kiểu làm việc đó nữa.
Làm thế nào để phim đến được rạp, từ đó đến với khán giả? Nên chăng nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các rạp để họ được bù lỗ trong giai đoạn đầu chiếu phim Việt Nam.
Cũng có thể thành lập một Hiệp hội phát hành phim Việt Nam gồm các nhà phát hành, các nhà sản xuất, các chủ rạp, chủ công ty điện ảnh các tỉnh, thành nhằm mục đích ủng hộ và bảo vệ phim Việt, để phim Việt xuất hiện ngày một nhiều hơn trên màn ảnh lớn, nhỏ của nước nhà....
* Hướng tới khán giả là yếu tố sống còn của một bộ phim
(Ý kiến của Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, Hãng phim truyện Việt Nam)
Vấn đề đặt ra đối với các đạo diễn trẻ hiện nay là chất lượng phim và thị hiếu của khán giả. Khi bắt đầu một bộ phim, người đạo diễn thường muốn đặt cái Tôi của mình lên trên tất cả, điều đó sẽ tạo ra một tác phẩm mang đậm màu sắc cá nhân mà không nhiều tính đại chúng.
Những đạo diễn trẻ gần đây đã biết kết hợp giữa thị hiếu công chúng và phong cách cá nhân của mình để tạo ra những bộ phim gần gũi, hấp dẫn với công chúng. Những bộ phim mang màu sắc giải trí mà vẫn tạo ra những giá trị nghệ thuật nhất định. Không thể nói giá trị của một bộ phim mà không giới thiệu được tới công chúng.
Trong điều kiện hiện tại, việc hướng tới khán giả là điều tối cần thiết đối với sự sống còn của một bộ phim. Tuy nhiên thị hiếu và thẩm mỹ của khán giả ngày càng cao nên việc định hướng sản xuất phim mang tính giải trí phải rất cẩn trọng, nếu không sẽ lạc sang xu hướng kém thẩm mỹ, rẻ tiền...
Điện ảnh Việt Nam đang chịu sự quay lưng của khán giả, bởi sự tấn công ồ ạt của thị trường phim nước ngoài. Việc kéo khán giả tới rạp xem phim là một việc làm quan trọng của các nhà làm phim.
Chúng ta phải có những bộ phim có chất lượng kỹ thuật tốt, hấp dẫn và thỏa mãn tính giải trí, một thuộc tính quan trọng đầu tiên của một bộ phim có mục đích hướng tới khán giả. Sau đó là chất lượng nghệ thuật để hướng tới các kỳ liên hoan phim.
Cá nhân tôi nghĩ rằng trong giai đoạn hiện tại, dòng phim tác giả với mục đích nghệ thuật chưa phải là cái đích của một nền điện ảnh đang phát triển. Chúng ta đang cần công chúng, đang cần khán giả tới rạp.
Chúng ta không nên để điện ảnh, một bộ phận quan trọng của nền công nghiệp giải trí phụ thuộc vào sự bao cấp của nhà nước. Cần phải biến điện ảnh Việt Nam trở thành một ngành công nghiệp giải trí thu lợi nhuận...
* Xác định đối tượng khán giả trước khi làm phim
(Ý kiến của nghệ sĩ Phước Sang, Giám đốc Hãng phim Phước Sang)
Trước khi sản xuất một bộ phim, chúng tôi bao giờ cũng xác định rõ ràng mình làm phim cho đối tượng khán giả nào. Chúng tôi phải có những cuộc thăm dò thị hiếu khán giả một cách nghiêm túc để hiểu rõ nhu cầu của họ, biết được họ muốn gì ở một tác phẩm điện ảnh. Bởi vì chính họ sẽ là những người bỏ tiền mua vé vào xem phim.
Nếu phim không làm họ cảm thấy hấp dẫn, thích thú, thì đó là thất bại của nhà làm phim. Không có loại phim nào đáp ứng mọi đối tượng khán giả.
Chúng tôi xác định rõ ràng, mỗi một bộ phim chỉ để phục vụ một đối tượng khán giả nhất định, và cố gắng tập trung khai thác triệt để những ưu thế của kịch bản đó, nhằm thỏa mãn cao nhất cho đối tượng khán giả mà mình đã lựa chọn.
Đối với chúng tôi, mục tiêu làm phim cuối cùng luôn luôn là hướng về khán giả. Làm sao để khán giả đến với bộ phim mình làm ra nhiều nhất. Những giải thưởng khác đều không quan trọng.