Các cụ đồ, không biết từ nơi đâu tới, trải chiếu mài mực bên xấp giấy hồng đơn. Ai xin chữ, xin đối, mua bức thì sẵn sàng, chữ thảo viết trên giấy đỏ hình vuông, hình thoi dán cột nhà, dán cửa trên.
Ấy là chuyện cách đây đã sáu, bảy chục năm rồi.
Những ngày áp Tết, chợ búa có vẻ rộn rịp, nhất là các ngày phiên, vậy mà các làng cá vùng bãi Ngang xem ra vẫn thờ ơ lắm.
Bữa nay hai mươi tháng Chạp mà gió bấc thổi kiểu này chỉ còn cách uống nước lã thay rượu, đêm Giao thừa thắp nhang cáo ông bà rồi đắp chiếu dọc ngủ chứ những nhà nghèo tiền bạc đâu sắm Tết.
Vậy mà chiều lại, gió bấc riu riu, nửa đêm nam non thổi ngọt, rừ nửa đêm nghe tiếng người ồn ào đưa lưới, đưa thuyền ra biển, cá tháng Chạp đắt gấp đôi, rồi mành cơm, mành ruốt, lưới quác, lưới cao... Chỉ mấy ngày biển cuối năm, ông bà mình nói: Tháng Chạp là tháng cắn ống giựt nhợ, không khí trong làng nhộn nhịp kẻ kêu người réo nói cười hỉ hả, mấy bà lo mua sắm Tết, các ông đi khơi về lộng, kẻ bán người mua tấp nập.
Ðồng tiền tháng Chạp kiếm không biết bao nhiêu cho đủ. Ðã không thì thôi, mà đã sẵn tiền thì sắm Tết. Cả năm dài đằng đẵng chỉ có ba ngày Tết rước ông bà về gần gũi con cháu, hà tiện quá sao được. Phải mướn người lợp lại mái nhà, trát lại vách cho láng bóng, tô lại nền nhà bị lở lói do mưa nhiều để mừng năm mới, mùa xuân.
Phải đi đặt trước tre nêu ở Huỳnh Giảng Phú Hậu, ngày 27 tháng Chạp là có nêu dựng trước sân nhà, mấy chủ nghề lo mua heo nhóm bạn cuối năm.
Nghe biển có cá, mấy nhà hàng xáo chở gạo Tết bán: nào nàng hương, nào tám thơm, nào gạo lúc cúc nâu thơm như mùi nếp sục sạc. Các chị buôn bán bánh Tết, bán quần áo vải vóc dàn hàng dãy trước chợ xổm, có tiền là có đủ thứ.
Mấy bà mẹ thấy dâu con sắm Tết nhiều quá đâm lo, nhắc chừng:
Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay
Qua sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm
(thơ Tố Hữu)
Có bà còn ý nhị nhắc chừng qua Tết thì:
Tháng Giêng động dài
Tháng hai động tố
- Các con mua sắm Tết nhưng cũng phải lo ăn tháng Giêng, tháng hai nghe, động tố thì không ra biển được.
Chị con dâu hàm răng đen nhưng nhức cười: "Biết sao mẹ, ngày Tết mà".
Ở chợ một dãy dài nào tranh tứ quý xuân lan, thu cúc, hạ sen... tranh đám cưới chuột, cá chép hóa rồng. Các cụ đồ, không biết từ nơi đâu tới, trải chiếu mài mực bên xấp giấy hồng đơn. Ai xin chữ, xin đối, mua bức thì sẵn sàng, chữ thảo viết trên giấy đỏ hình vuông, hình thoi dán cột nhà, dán cửa trên. Cạnh cụ đồ là mấy người bán bức thờ còn thơm mùi giấy, mùi mực mới.
Mấy anh gánh bầu bán con gà chút chít, con ve,... trẻ con xúm xít tranh nhau giành giựt.
Cụ Trùm Ba mời ông giáo làng tới nhà, trên bàn có đủ thứ nhắm và chai rượu, ông luôn miệng nói: "Bữa này chú giáo phải vui vẻ với qua..."- rồi uống cái ực- "Cuối năm, qua có chuyện hệ trọng mới nhờ tới chú".
Ông giáo thuộc hàng con cháu, một điều kính hai điều thưa, ai đời 29 Tết mà bị giam chân kiểu này, không biết là chuyện gì nhưng chắc hệ trọng lắm.
Ông Trùm Ba rót rượu mời rồi nói:
- Nói thiệt với chú giáo, hồi nhỏ ông già tui cũng cho tui học chữ nho, chứ chữ quốc ngữ thì tui chưa học, chữ nho tui còn nhớ: Thiên trời, địa đất, thất mất, tồn còn, tử con, tôn cháu, lục sáu, tam ba, gia nhà, quốc nước... Ông Trùm Ba đọc một hơi dài rồi nói tiếp: Thuộc lòng là vậy, ăn giỗ tui nói hay lắm nhưng mà mặt chữ quên hết rồi. Tết năm nào tui cũng thỉnh con chữ về dán cột nhà, dán cửa, nhưng mấy ai đọc được. Nói cho chú giáo mừng, chỉ mấy ngày biển mà vợ chồng tui trả hết nợ nần, sắm Tết dư dả, ông bà cho mà chú, các con tui đứa nào cũng quần áo mới.
Lần đầu, ông giáo làng được người xin chữ, người đó lại là ông Trùm Ba, tuy không phải là từ hương, lý trưởng nhưng tiếng nói của ông cũng rất có trọng lượng trong làng, một là tuổi tác, hai là chắc thiệt, ba là ông rất đàng hoàng trong sinh hoạt làng xóm. Ông Trùm Ba nói tiếp: Chú viết đối sao cho hợp cảnh nhà tui năm nay, nợ nần trả hết, sắm Tết ngon lành, tui nói hồi nãy rồi đó, tui cũng biết là khó nhưng tôi tin chú làm được... Ông giáo nhận lời, hẹn sang 30 Tết đem tới. Ðúng hẹn, ông giáo đem câu đối quốc ngữ viết kiểu giả chữ nho trên giấy hồng đơn, ai đọc cũng hiểu và đây và câu đối:
Sống với làng, sang với nước, sạch nợ nần chiều tối ba mươi
Ăn cho mình, mặc cho người phải tươm tất sáng ngày mùng một
Ông Trùm Ba nghe khoái chí uống hết góc rượu, nhắc đi nhắc lại thuộc lòng. Tết năm đó, nhà ông Trùm Ba như có thêm sinh khí, ai đọc câu đối cũng khen hay, vì nó hợp cảnh, hợp tình.