Liên hoan múa cổ Thăng Long-Hà Nội

15:55, 12/02/2008

220 nghệ nhân, diễn viên không chuyên đến từ một số làng Hà Nội và vùng lân cận, đã trình diễn các điệu múa cổ tại Liên hoan múa cổ Thăng Long-Hà Nội lần thứ II, khai mạc tối 12-2 tại vườn hoa Lý Thái Tổ, bên hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì đem tới Liên hoan 3 điệu múa gồm múa Rồng, múa Trống bồng và múa Chạy cờ. Theo quy ước trong hội làng Triều Khúc từ nhiều đời nay, những người múa Trống bồng phải chọn trong đám con trai chưa vợ, tuấn tú, có tài nhảy múa và phải trang điểm, mặc trang phục giả nữ. Đây cũng là nét khác biệt cơ bản của múa trống bồng Triều Khúc với các nơi khác thuộc Hà Nội.

Những nghệ sĩ dân gian đến từ làng Chử Xá, xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) đem tới Liên hoan điệu múa Gậy. Đây là điệu múa cổ với 6 dạng kiểu gồm múa gậy trước mặt, sau lưng, trên đầu, quét dưới chân, xoay tròn, quay phải, quay trái.

Làng Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây mang đến điệu múa Bài bông cổ xưa, với ý nghĩa nghiêm trang, chúc tụng.

Điệu múa Lễ chữ (còn gọi là múa chạy chữ) mang tính nghi lễ của cư dân nông nghiệp, mong ước được sống bình yên, ấm no đã được 22 trai làng thuộc làng Trung Quan, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm biểu diễn.

Liên hoan còn thu hút sự tham gia của các nhà tu hành chùa Đống Lim (Long Biên) với hai điệu múa cổ mang tính chất nghi lễ tôn giáo là múa Thiên long bát bộ (múa Đàn trấn) và múa Lục cúng, thường được sử dụng vào các dịp lễ Phật đản, lễ Vu lan, khánh thành chùa, hô thần nhập tượng do hai sư thầy thể hiện.

Liên hoan do Văn phòng Ban chỉ đạo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long và Hội nghệ sĩ Múa Hà Nội phối hợp tổ chức. Liên hoan là bước khởi đầu cho việc phục hồi múa cổ ở các địa phương Hà Nội.