Được mệnh danh là vùng đất phì nhiêu màu mỡ, sông ngòi chằng chịt, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mỗi năm sản xuất ra hàng chục triệu tấn lương thực, trong đó nghề trồng lúa nước đã phát triển rất lâu đời, đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của cư dân vùng châu thổ.
Đôi nét làng nghề xưa
Nghề thủ công xưa kia của cư dân vùng châu thổ ĐBSCL ban đầu chưa định hình thành những làng nghề, chỉ là những nghề phụ trong lúc nông nhàn, sản xuất ra các vật dụng thiết yếu phục vụ cho đời sống, sinh hoạt hằng ngày, gắn với điều kiện tự nhiên về địa lý, môi trường của từng vùng. Theo thời gian, những nghề phụ đã thể hiện được vai trò to lớn của mình, mang lại lợi ích thiết thực, như các vật dụng từ mây, tre đan, nghề dệt vải, dệt chiếu, nghề chài lưới đánh bắt cá, tôm, nghề nhào nặn đất sét để làm lò đun nấu, làm lu, khạp... phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày.
Nghề rèn, đúc đồ sắt, đồ đồng sản xuất ra công cụ phục cho sản xuất, khai hoang mở đất, dựng nhà cửa... Nghề phụ từ chỗ phục vụ nhu cầu riêng đã trở thành hàng hóa mua bán, trao đổi, mang lại lợi ích kinh tế to lớn. Đã làm thay đổi tập quán sản xuất riêng lẻ. Từ chỗ một vài gia đình làm, đến nhiều gia đình khác cũng học làm theo, dần dần lan rộng, hình thành nên những làng nghề.
Cũng chính từ lợi ích kinh tế mang lại, cộng đồng dân cư từng bước xây dựng nên những làng nghề chuyên sâu, sản xuất hàng hóa mang tính chuyên nghiệp hơn, sản phẩm làm ra ngày càng tinh xảo mang nét đặc trưng, mà ngày nay nhìn những sản phẩm ấy, ta có thể nhận biết được xuất xứ của chúng. Sản xuất gạch ngói từ nguyên liệu đất sét ở vùng châu thổ ĐBSCL.
Hấp dẫn du khách
Hiện nay, ĐBSCL có hàng trăm làng nghề, với hàng vạn lao động có tay nghề cao, trong đó có rất nhiều người được xem là nghệ nhân. Sản phẩm làm ra không chỉ tiêu thụ nội địa, mà đã được khẳng định thị phần trên các thị trường châu Âu, châu Mỹ, châu Úc và các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, và các nước ASEAN. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm ra từ đôi tay của người thợ, đang được khách nước ngoài rất ưa chuộng nhờ độ tinh xảo, tính thẩm mỹ... trên mỗi sản phẩm còn thể hiện nét văn hóa riêng của từng vùng.
Thương hiệu của những sản phẩm đang góp phần quảng bá cho du lịch Việt Nam, một hướng đi để xây dựng thương hiệu vững mạnh trong quá trình hội nhập, mở ra sự giao lưu văn hóa với nhiều nước trên thế giới. Cho thấy sự bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ trên lĩnh vực văn hóa mà còn mang lại nguồn lợi kinh tế to lớn, giúp cho việc giải quyết việc làm, tạo thêm thu nhập cho người thợ thủ công có đời sống ổn định, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo... đang là những đòi hỏi người nghệ nhân, người thợ, các nhà quản lý, cần có một tầm nhìn chiến lược, “thổi hồn” cho những sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở các làng nghề, ngày càng đa dạng về mẫu mã, phong phú về tạo hình... để vừa phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch, một giải pháp tốt nhất để bảo tồn và phát huy năng lực của các làng nghề truyền thống.
Ở Cà Mau, làng nghề đan đát truyền thống Trúc Xanh tuy mới được khôi phục vào năm 2005, nhưng sản phẩm làm ra đã chiếm lĩnh thị trường Campuchia, với hàng trăm ngàn sản phẩm xuất đi mỗi năm, thu về nguồn lợi kinh tế khá lớn, đã làm cho làng nghề có sức sống mới, vùng nguyên liệu ngày càng được mở rộng, bảo đảm cho sản xuất đang thật sự bền vững, đã minh chứng cho giá trị nghề truyền thống sẽ không bị mai một, nếu có bước đi phù hợp, chuẩn bị tốt trong quá trình hội nhập sẽ khẳng định được thương hiệu trong tương lai.
Vừa qua, sản phẩm gốm sứ Vĩnh Long đã có mặt triển lãm tại Cộng hòa Liên bang Đức, từ gốm thô đến gốm trang trí mỹ thuật, cho thấy sự quan tâm của khách nước ngoài đối với sản phẩm thủ công mỹ nghệ không chỉ trên lĩnh vực gốm sứ, mà ngay cả các loại sản phẩm khác, nếu được sự quan tâm xây dựng thương hiệu, có chính sách quảng bá tốt, gắn với việc phát triển hài hòa giữa du lịch và sản phẩm du lịch, trong đó bản sắc văn hóa truyền thống phải giữ một vai trò đặc biệt quan trọng, không bị thương mại hóa. Khuyến khích sự hợp tác giữa các vùng, giữa các nghệ nhân. Đặc biệt quan tâm đến việc dạy nghề cho đội ngũ lao động trẻ nắm bắt các kỹ thuật sản xuất truyền thống... Một giá trị không thể thiếu của các làng nghề.