Ngày thơ Việt Nam lần thứ VI: Người về, thơ còn theo mãi

09:07, 21/02/2008

Rằm tháng Giêng, trời bỗng ấm và nắng vàng rực rỡ. Hà Nội dường như quên mất vừa hôm qua còn rét đậm, rét hại. Rằm tháng Giêng vốn quan trọng với người Việt Nam, giờ còn mang ý nghĩa mới: Ngày tôn vinh Thơ và Người làm thơ.

Văn miếu Quốc Tử Giám mới sáng sớm đã đông nghìn nghịt. Bãi gửi xe rộng là thế mà chật ních. Các tác giả từ nhiều vùng miền đổ về, các khán giả cũng vậy. Những mái tóc bạc dài lõa xõa, những đôi mắt mơ màng và nhiều ưu tư, những gương mặt quen bên nhiều gương mặt lạ, các cao niên bên những cô cậu sinh viên, học sinh….Tất cả, tất cả hướng đến Thơ.

 

Quốc tử giám trầm mặc và cổ kính nhưng lại rất hài hòa với màu đỏ rực của thảm, của bóng bay, đèn lồng và cờ hội. Lòng người rạo rực và bay bổng cùng cảnh sắc thiên nhiên và không khí thi ca.

 

Đúng 8 giờ 30, Lễ khai mạc Ngày Thơ bắt đầu. Sau hồi trống của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đơn vị cách đây 6 năm có sáng kiến lấy ngày Rằm tháng Giêng là ngày Thơ, lễ rước cờ và rước kiệu thơ bắt đầu. Trống rộn ràng, màn múa cờ, múa trống và bài thơ Cảm Hoài của Trần Quang Khải vang lên. Sân Khuê Văn Các và Thiên Quang Tỉnh không còn một chỗ trống. Nhiều người yêu thơ ngồi bệt xuống thảm ngay trước sân khấu mà xem.

 

Sau phần biểu diễn của Đoàn nghệ thuật Quân đội với màn múa hát có tên: Âm vang Tết Mậu thân 1968, sân thơ “già” bắt đầu chương trình đọc thơ.

 

Dẫn chuyện khá dí dỏm và thông minh, nhà thơ Đỗ Trung Lai lần lượt giới thiệu các tác giả lên đọc thơ. Đó là nhà thơ Vân Long đang nằm viện nhưng vẫn “vượt tường” góp mặt đọc thơ. Ngày thơ năm trước, nhà thơ Vân Long đã có 2 câu thơ được bình chọn để thả lên trời là: Hoa đại đầu thế kỷ/ Rụng vào tôi bây giờ.

 

Nhà thơ Bùi Tuyết Mai (dân tộc Mường) ở Hòa Bình với trang phục của dân tộc mình đọc bài “Ru con” với hình ảnh nương, bản, khói, rễ cây, cơm đồ, ú ù, la hay rất ấn tượng và giành được nhiều thiện cảm của người xem. Ngay sau khi đọc thơ, Nhà thơ còn mời mọi người thưởng thức rượu cần với lời giới thiệu ngọt ngào: Rượu cần của Hòa Bình quê em đấy.

 

Nhà thơ dân tộc Pa dí- Pờ Sào Mìn đi tàu suốt đêm qua vượt 400 km từ Lào Cai về Hà Nội cho kịp ngày thơ nên nét mặt vẫn vương vẻ mệt mỏi. Ông đọc bài thơ ngắn có tên: Bài thơ dài nhất trần gian….

 

Tạm biệt sân thơ “già”, chỉ vài bước chân sang sân Nhà Thái Học. Không khí của sân thơ trẻ khác hẳn. Hoa đào nở rực đặt quanh sân. Các bảng ảnh giới thiệu trích ngang những gương mặt thơ trẻ cũng rất độc đáo. Mọi người dễ dàng đọc được những cái tên quen thuộc như: Phương Lan, Vi Thùy Linh, Trương Quế Chi, Nguyễn Vĩnh Tiến…và những “tuyên ngôn thơ” đầy cá tính.

 

Các nhà thơ trẻ không chỉ biết viết thơ mà còn nghĩ ra nhiều cách trình

diễn thơ thật độc đáo, cuốn hút. Nhà thơ Chu Tthị Minh Huệ, dân tộc

Mông, từ Hà Giang về với lù cở và miếng khâu vá trên tay ra sân khấu đọc thơ như tâm sự bên cạnh bếp lửa. Bài thơ có nhan đề “Đám cưới”. Huệ vừa cho ra tập thơ “Dốc chín khoanh” với âm hưởng chính là mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người.

 

Đặc sắc nhất là nhóm Lá Trầu của nhà thơ Ngân Hằng, họ mang mẹt

đựng thơ và những cô gái mặc áo chữ để trình bày thơ với những suy ngẫm về chữ và nghĩa: Ngày mai chữ có thể li dị/ đến đứng cạnh một con chữ khác đi tìm nghĩa mới…Nói về nhóm Lá Trầu, Ngân Hằng cho biết thành lập nhằm đưa thơ nữ ra công chúng một cách gần gũi và thân thiện. Mục đích này của Ngân Hằng được thể hiện ở cả hậu trường thơ: Mời khán giản chè xanh ủ trong ấm tích, ăn kẹo lạc và xem thơ bày trên mẹt.

 

Ngoài 15 nhà thơ hệ 8x trình diễn thơ trên sân khấu, còn có hàng chục

nhà thơ tương lai được ban tổ chức xếp chỗ cho giới thiệu thơ. Nhiều tên

mới của làng thơ được ra mắt như: Đoàn Văn Mật, Hồ Huy Sơn, Chu

Minh Huệ, Vũ Thị Huyền Trang…. Đa số đang là sinh viên có thơ đăng

trên Báo Văn nghệ Việt Nam.

 

Đọc thử mấy bài thơ của các tác giả vòng ngoài này cũng thấy giật mình:

Thời gian đục ruỗng cả những ngày bình yên nhất/Nghe trái chín rụng

ngoài vườn , mẹ giật mình hứng tuổi mình rơi…(Vũ Thị Huyền Trang)…

Thơ đọc trên sân khấu, thơ cài trên cành cây, thơ tặng bên bàn nước, thơ

bán ở quầy sách. Thơ và thơ tràn ngập Văn miếu Quốc Tử Giám, tràn

ngập rằm tháng Giêng.

 

Thật tiếc, mới chỉ nửa ngày mà tiệc thơ đã tan. Người về, nhưng Thơ còn theo mãi!