Chữ là một phương tiện đắc lực để biểu đạt tình cảm và thông điệp của cá nhân, nhóm các bạn trẻ quyết định biểu diễn thư pháp trên thân thể. Một nam, một nữ, cả hai đều trẻ đẹp đứng trước đám đông để các ông đồ viết chữ lên da thịt, để cảm nhận một “cảm giác lạ chưa từng có”, để không ít khán giả trẻ có cảm giác muốn thử nghiệm mình một chút.
“Thư pháp đã phát triển đến thế này rồi ư? Một phong cách, một kiểu chơi chỉ có ở giới trẻ”. Bác Nguyễn Văn Dân- một trong những khán giả đầu tiên của triển lãm Vũ hội chữ diễn ra tại 31 Văn Miếu, Hà Nội, nói trong sự ngạc nhiên
Quả thật, đây là kết quả của một quá trình lao động say mê, ngẫm nghĩ với quyết tâm đổi mới hay là chết của những ông đồ thời @ của đất Hà thành. Và họ đã phần nào chứng tỏ nghệ thuật thư pháp có thể có những bước tiến khiến nhiều người sửng sốt.
Trước tiên, các ông đồ trẻ (trẻ nhất SN 1984) muốn phủ nhận hình ảnh có phần hơi cũ của “ông đồ già bày mực tàu giấy đỏ trên phố đông người qua”, vốn đã ăn sâu vào khán giả từ lâu và tạo một cảm giác buồn thê thảm về nghệ thuật thư pháp, giữa sự phát triển không ngừng của đời sống mới.
Họ muốn chứng tỏ, thư pháp không bao giờ đáng bị coi là đồ cổ, dù xã hội này có bị số hóa đến đâu, miễn là phải có lòng say mê và ham muốn sáng tạo. Với suy nghĩ ấy, họ đã làm cho người xem thực sự choáng ngợp trong một không gian tràn ngập chữ.
Hơn 1.000 bức thư pháp bằng giấy bồi được đặt ở tất cả các vị trí có thể như trần nhà, tủ và các vật dụng khác mà khán giả không ngờ tới (sau triển lãm, các tác phẩm này sẽ bị xé bỏ như một sự hóa vàng). Có cảm giác, đôi lúc người xem bị lạc vào mê cung chữ dưới sự đa dạng của nghệ thuật thư pháp. Vẻ đẹp của chữ, vì thế mà bộc lộ tối đa hiệu quả.
Không những thế, để chứng tỏ, người và chữ có thể nhập làm một, chữ là một phương tiện đắc lực để biểu đạt tình cảm và thông điệp của cá nhân, nhóm các bạn trẻ quyết định biểu diễn thư pháp trên thân thể. Một nam, một nữ, cả hai đều trẻ đẹp đứng trước đám đông để các ông đồ viết chữ lên da thịt, để cảm nhận một “cảm giác lạ chưa từng có”, để không ít khán giả trẻ có cảm giác muốn thử nghiệm mình một chút.
Đây rõ ràng là tư tưởng rất đương đại, thể hiện khát khao “bắt” được sự đắm đuối nơi công chúng vốn có ít người hiểu tường tận chân tơ kẽ tóc của thư pháp, rằng đây là một loại hình nghệ thuật có đẳng cấp cao, chứ không phải là một thú chơi theo phong trào. “Chúng tôi muốn đẩy thư pháp đến đỉnh điểm hành vi, đưa nghệ thuật này chuyển từ trạng thái tĩnh sang động, nhờ thế câu chuyện của nó được rõ nét hơn và khán giả không chỉ xem để hiểu mà cần cảm được câu chuyện ấy.
Chúng tôi đã phải mất khá nhiều thời gian để phá bỏ sự gò bó của không gian chữ đơn thuần của thư pháp truyền thống. Trong triển lãm này, người xem cũng thấy được nội tại sự biến đổi của thư pháp để hình thành ba khuynh hướng phát triển ở thế chân vạc: Hán Nôm - quốc ngữ - tiền vệ” - Trịnh Tuấn, một thành viên của nhóm các ông đồ thời @, người giữ hai kỷ lục về thư pháp, cho biết.
Người xem cũng bị bất ngờ khi thưởng thức những bức thư pháp tiền vệ được viết trên giấy xuyến chỉ với các kích cỡ, màu sắc khác nhau được trưng bày trên tầng 2 của nhà triển lãm. Loại hình thư pháp này còn khá mới mẻ với nhiều người do được du nhập vào Việt Nam hơi muộn, nhưng lại được các nhà thư pháp sử dụng nhuần nhuyễn. Các tác phẩm đa phần được lấy cảm hứng từ lời ca quen thuộc trong thơ, nhạc Việt Nam.
Đây được coi là chiếc cầu nối se duyên cho cuộc hôn phối giữa thư pháp Hán Nôm và quốc ngữ, sẽ cuốn người xem vào chiều sâu ý niệm, phá vỡ hoàn toàn các khuôn thước quy chuẩn cổ điển để đạt đến cái tận cùng của bản ngã. “Người xem phải tự tìm ra thông điệp gửi gắm trong tác phẩm theo cách riêng của mình” - Trần Trọng Dương cho biết. Giá bán mỗi tác phẩm này trung bình từ 800 đến hơn 1.000 USD.