Tranh và tem về Ðám cưới chuột

08:23, 19/02/2008

36 năm trước, tranh dân gian Đám cưới chuột đã xuất hiện trên tem bưu chính trong nước. Cùng với thời gian, hình ảnh thể hiện sức sống lâu bền của nghệ thuật dân gian Việt Nam.

Truyện ngụ ngôn "Ðám cưới chuột"

 

Ở Trung Quốc, không một cuốn sách nào khi nói về lễ hội ở nước này lại không đề cập ít nhiều về "Ðám cưới chuột". Truyện "Ðám cưới chuột" ở nước này có thể tóm tắt như sau: Vợ chồng chuột sinh một con gái đến tuổi lấy chồng nhưng chưa ai hỏi, bèn đi tìm nơi quyền thế để gả. Sau khi đến Mặt trời, Mây, Tường đều không đắt, đành quay lại. Song sợ mèo nên vợ chồng chuột nhận lời gả cho Mèo. Ðám cưới linh đình, nhưng khi đưa dâu đến nhà trai thì bị chú rể Mèo đớp cả họ chuột. Than ôi!

 

Truyện "Ðám cưới chuột" ở Nhật Bản: Chuột muốn lấy bằng được ai là kẻ mạnh nhất trần gian. Chuột thấy Mặt trời mạnh nhất. Chuột tìm đến Mặt trời. Mặt trời cho Mây mạnh nhất, bởi Mây che Mặt trời. Chuột tìm đến Mây. Mây bảo Gió mạnh nhất. Chuột tìm đến Gió. Gió chỉ ra Bức Tường mạnh nhất. Nhưng quanh năm Chuột vẫn gặm nhấm đục Tường đấy thôi. Cuối cùng Chuột tìm đến Chuột và thế là có "Ðám cưới chuột".

 

Chuyện "Ðám cưới chuột" ở Việt Nam: Theo sách văn hóa truyền thống Liễu Ðôi của Bùi Văn Cường và Nguyễn Tế Nhị có thể tóm tắt như sau: Vợ chồng Chuột làm lễ cưới cho con phải lo cống hỉ cho Mèo, lo yến tiệc hai họ, thế mà đưa dâu đến nửa đường bị Mèo chặn đường. Họ nhà chuột phải chạy vạy tốn kém mới trót lọt. Ðến ngày chuột vợ trở dạ, chuột chồng phải lặn lội lo chạy lễ cho Mèo suýt chết để vợ đẻ con. Nhưng bị Mèo đớp cả mẹ lẫn con. Họ nhà Chuột ngậm ngùi cay đắng và bó tay thúc thủ.

 

 

Tranh dân gian và tem "Ðám cưới chuột"

 

Trước năm 1945, tranh Tết dân gian về con giáp nói chung, tranh chuột nói riêng, xuất hiện đầu tiên ở làng Ðông Hồ khá phổ biến. Viện Viễn Ðông Bác Cổ đã tổ chức sưu tập, giới thiệu ở Việt Nam và Pháp. Năm 1960, M.Dand cho xuất bản thành tập tranh dân gian Việt Nam và lẻ tẻ vài tờ báo, tạp chí cũ có minh họa tranh dân gian trên báo Tết Nguyên đán.

 

Chỉ riêng dòng tranh Ðông Hồ, tranh dân gian dưới dạng châm biếm mèo - chuột đã có vài ba bức cùng chủ đề, cùng bố cục, chỉ khác một hai chi tiết và nhất là chữ thơ đề trên tranh, qua đó để người xem gọi tên. Trên tranh đề hàng chữ "Lão thử thủ thân" (Chuột giữ thân) hoặc "Lão thử vinh quy" (Chuột vinh quy) hoặc "Lão thử thú thân" (Chuột cưới vợ hay Ðám cưới chuột). Khi tranh không đề chữ, có người gọi tên tranh "Chuột vinh quy" là tranh "Ðám cưới chuột" hoặc ngược lại.

 

Nội dung tranh ngụ ngôn "Ðám cưới chuột" cũng khác truyện ngụ ngôn "Ðám cưới chuột" trong sách Văn hóa vùng Liễu Ðôi.

 

Do điều kiện chiến tranh, ván in thất lạc, nghề tranh gián đoạn, sưu tập tranh công bố sau này không còn đầy đủ, chủ đề tranh chủ yếu dựa vào  trí nhớ. Tranh chuột được khôi phục qua thành ngữ, ca dao, câu chuyện truyền miệng trong dân gian.

 

Những tờ tranh Ðông Hồ xuất xưởng đều là tranh điệp truyền thống, nền tranh xốp, vàng chanh hay đỏ cam, lấp lánh ánh bạc, nền ấy không lỳ mà nổi vân song hành mịn màng. Trong khung tranh hình chữ nhật chật hẹp, tỷ lệ hài hòa, đầy những chi tiết, những nhân vật khác nhau về tính cách.

 

Chưa tính mèo, ngựa, kiệu,... chỉ đám rước kéo dài của lũ chuột được tác giả cắt đôi, xếp chồng lên nhau: "Phía trên đút cá cho mèo/ Bên dưới lọng tán chuột ngồi vinh quy".

 

Cặp chuột đi đầu tuy có dịp dâng cá, chim, hai món khoái khẩu cho bề trên, nhưng không giấu nổi lo sợ, khúm núm co quắp đuôi. Cặp chuột theo đánh trống thổi kèn toàn là bọn thiên lôi của quan trạng sai đâu đánh đấy, tuy phải khom lưng quỳ gối nịnh nọt, cống hỷ cấp trên nhưng vẫn đề phòng sự trở mặt, mất không của cống, nên cố phồng mang láo mắt thổi kèn  cho thật om sòm.

 

Chuột vác biển "tiến sĩ" được tiến sĩ chuột tin dùng thì quên cả việc vác biển cho thật chỉnh tề ngay ngắn, vừa bước thấp bước cao vừa ngoái đầu lại sau và đưa mắt nhìn tình nàng dâu chuột ngây thơ ngồi trong kiệu hoa. Cặp chuột đi sau quên cả việc khiêng kiệu thụng xanh. Chân mang hia, đầu đội mũ quan văn, cưỡi ngựa hồng, có vẻ như chàng rể cũng ngoái đầu lại, vừa nhìn nàng dâu chuột trong kiệu hoa, vừa giục đám rước đi nhanh lên cho thoát mèo.

 

Tác giả vẽ mèo chặn đường lầm lì oai vệ, mắt chăm chú nhìn vào những món khoái khẩu, chân vươn ra như sẵn sàng nhận hối lộ chứ không để ý đến đám rước đang diễn ra bên cạnh. Người xem tranh có liên tưởng mèo sẽ nhận của biếu, rồi tha để bọn chúng tiếp tục triều cống mình.

 

Bức tranh "Ðám cưới chuột" khác với các bức tranh nổi tiếng khác trong dòng tranh Ðông Hồ như "Hứng dừa", "Thầy đồ cóc". Tranh "Hứng dừa" có nhiều đường cong của chàng trèo dừa và nàng nâng váy lên hứng dừa. Tranh "Thầy đồ cóc" nhiều nét xù xì da  cóc, đây là hai bức tranh trữ tình lạc quan. Còn tranh "Ðám cưới chuột" là tranh châm biếm dưới dạng mèo chuột.

 

Tết Nhâm Tý 1972, hai họa sĩ của Công ty tem là Ðỗ Việt Tuấn và Ðặng Quang Lục thể hiện trên tem thư Việt Nam mẫu tem "Ðám cưới chuột". Mẫu tem này trong 36 năm qua, đi khắp bốn biển năm châu trên thế giới. Vào dịp Tết Nguyên đán  truyền thống của Việt Nam, đồng bào ta ở nước ngoài nhớ quê hương xứ sở đã phóng to mẫu tem "Ðám cưới chuột" treo trong nhà, cũng là dịp thưởng thức mẫu tem nổi tiếng bên cạnh nhiều mẫu tem chuột đã phát hành trên  thế giới.