Lễ hội là một nét sinh hoạt văn hóa độc đáo tiêu biểu của những nước thuộc nền văn hóa cổ truyền phương Đông nói chung và của Việt Nam nói riêng. Trong quan niệm truyền thống, lễ hội là dịp thể hiện những phong tục, tín ngưỡng văn hóa và tái hiện những sự kiện quan trọng trong lịch sử.
Thời gian diễn ra lễ hội thường vào những ngày đầu Âm lịch của tháng và được tục ngữ Việt ghi lại như một nét văn hoá cộng đồng độc đáo trên nhiều phương diện. "Mồng bốn là hội kéo co, mồng năm hội Ó chẳng cho nhau về, mồng sáu đi hội Bồ Đề, mồng bảy trở về trảy hội Đông La”, "Mồng sáu tháng ba ăn cơm với cà đi hội chùa Tây", "Mồng năm tiến nữ tập quân, mồng sáu bách nghệ an dân trừ tà”, "Dù ai buôn bán đâu đâu, mồng mười tháng Tám chọi trâu thì về”, "Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng Ba”. Những ngày diễn ra lễ hội thường được tổ chức trong mùng, những ngày chẵn đầu tháng, đó thường là những ngày đẹp theo quan niệm của dân gian. Ngày tổ chức lễ hội của các địa phương được phản ánh trong tục ngữ không có sự trùng lặp. Dường như nhân dân ta đã quy ước với nhau để có một lịch hội hợp lý để họ có thể được hưởng trọn vẹn những ngày vui của các địa phương.
Không gian lễ hội được diễn ra ở cả ba miền: Bắc, Trung, Nam. Miền Bắc lễ hội diễn ra rất phong phú, vừa có lễ hội tưởng nhớ các nhân vật anh hùng lịch sử, vừa có lễ hội tưởng niệm vị tổ sư các ngành nghề, lễ hội tín ngưỡng tôn giáo, lễ hội theo mùa vụ. Từ hội làng đã mở rộng ra đến hội đình, hội chùa “Dù ai đi đâu, về đâu- hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về”, “Chẳng vui cũng hội chùa Thầy, chẳng trong cũng thể Hồ Tây xứ Đoài”, “Đồn rằng hội Dóng vui thay, vui thì vui vậy chẳng tày hội Thau”, “Nhất khoa thi nhì hội Dóng”… Lễ hội đã trở thành một trong những nhân tố củng cố tinh thần cộng đồng.
Trò chơi lễ hội rất phong phú và được gắn với những tín ngưỡng khác nhau. Có trò chơi biểu diễn tài khéo léo: Thổi cơm, nấu cỗ, dệt vải, bắt vịt, săn cuốc, đuổi lợn, có những trò chơi trí tuệ như đánh cờ người. Có những trò chơi mang tinh thần thượng võ như: Đấu vật, bơi trải, múa quyền, kéo co. "Bơi Đăm, rước Giá hội Thầy, vui thì vui vậy chẳng tày giã La", "Bơi Me vật Triệu, hát làng Dầu", "Bơi trải làng Keo, hát chèo làng Khuốc", "Làng Đăm có hội bơi thuyền, có lò đánh vật có miền trồng rau", "Hội đám xem bơi, hội chơi xem rước", “Hội Dóng ngơ ngác, hội Ngạc vác đùi”, “Hội Vật có tiếng làng Gia, hội Đu làng Hả, chọi gà Nhã Nam”. Những trò chơi lễ hội diễn ra trang trọng nhưng náo nức, có tính chất gắn kết mọi người với nhau, giải toả mệt nhọc, thăng hoa tinh thần, ai nấy cũng được vui hết mình để rồi sau đó bước vào những ngày lao động hết mình, chuẩn bị cho những mùa lễ hội năm sau.
Trò chơi trong lễ hội đã phản ánh tập trung nhất tính chất nhân văn, tính chất thuần Việt của người Việt Nam. Các trò chơi đều có số lượng người đông đúc. Bản thân điều đó đã tạo ra không khí cho ngày hội. Vì vậy, vui như hội và cũng là đẹp như hội. Nó đẹp ở các hình thế tâm lý ứng xử của con người với thần linh, với thiên nhiên, con người với nhau trong mối cộng cảm của tình đoàn kết. Thông qua trò chơi, người dân muốn nhắc lại những hoạt động sản xuất như: Cày bừa, gieo hạt cấy lúa, rước thờ những sản phẩm nông nghiệp bông lúa, bánh trái gia súc, rước nước, vẩy nước cầu mưa làm mùa, hoặc rèn luyện các kỹ năng lao động bằng cách săn đuổi tìm các thú vật: "Mồng bốn cho ăn, mồng năm đuổi chạy" (Lễ đuổi chim quốc ở Gia Bình, Bắc Ninh). Mọi lễ hội dù là lễ hội lịch sử hay lễ hội nông nghiệp bao giờ cũng thể hiện được sinh hoạt của một cộng đồng người. Họ đến lễ hội để được sống trong không khí văn hoá cộng đồng, tìm được sự cộng mệnh, cộng cảm. Từ chỗ họ đến với nhau trong cộng đồng làng, cộng đồng nghề nghiệp, cộng đồng gia tộc, cộng đồng địa phương để họ vươn tới cộng đồng quốc gia dân tộc.
Trong lễ hội mùa xuân người dân không chỉ bộc lộ sự sùng bái thành kính biết ơn, hay thầm dâng những khát vọng cầu mong của riêng mình với thần linh, không chỉ giao hoà với tự nhiên mà còn trực tiếp sáng tạo và tái sáng tạo những giá trị văn hoá, văn minh, tinh thần của dân tộc. Qua lễ hội con người được trở về với cội nguồn của dân tộc, sống đẹp với quá khứ cũng là sống tốt cho hiện tại và tương lai, đó là những giá trị đích thực, bền vững mà những lễ hội mùa xuân mang lại.