Đồi Cọ, nơi khai sinh nền điện ảnh Việt Nam

08:33, 14/03/2008

Kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Ngành Điện ảnh Việt Nam (15-3-1953-15-3-2008), Cục điện ảnh, Công ty Fafim Việt Nam đã tổ chức tuần phim trên hệ thống rạp trong cả nước bắt đầu từ 11 đến 17-3. Đây là hoạt động lớn thiết thực kỷ niệm Ngày thành lập Ngành Điện ảnh, nhưng ít người biết rằng mảnh đất khai ra Ngành Điện ảnh chính là Đồi Cọ, thuộc Bản Bắc, Điềm Mặc, Định Hoá.

Ngược thời gian , từ năm 1945 trở về trước, Việt Nam là thị trường tiêu thụ của Điện ảnh Pháp do hai công ty Phim và chiếu bóng Đông Dương và Công ty Chiếu bóng Đông Dương độc quyền khai thác phim Pháp và một số phim Mỹ, Anh. Việt Nam lúc này là thuộc địa của Pháp nên chưa có nền điện ảnh cho riêng mình.

 

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) Pháp đẩy mạnh khai thác thuộc địa kéo theo việc mở nhiều rạp chiếu bóng ở thuộc địa trong đó có Việt Nam. Theo con số thống kê chưa đầy đủ, năm 1927 ở Việt Nam có khoảng 33 rạp chiếu bóng của Pháp, những năm sau đó con số tăng lên rất nhiều. Đến chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945), Pháp dồn lực cho chiến  tranh cùng với việc một phần lãnh thổ bị chiếm đóng nên nhiều hoạt động bị đình trệ trong đó có kinh doanh điện ảnh nhất là trên các nước thuộc địa.

 

Trong khi đó Nhật vào Đông Dương năm 1940 lại mải mê mở rộng lãnh thổ nên cũng không chú ý đến kinh doanh điện ảnh, nhưng chúng cũng dùng điện ảnh để phục vụ mục đích chính trị, vì thế tại Việt Nam trên các thành phố lớn chúng cho chiếu nhiều phim lừa bịp nhân dân ta: Đông Á của người đông Á, Đoàn kết đại đông Á…

 

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Việt nam ra đời, dù bận nhiều việc nhưng Chính quyền non trẻ vẫn dành sự quan tâm cho điện ảnh: Cho phép các rạp chiếu bóng hoạt động tiếp tục; thành lập Nha Tổng Giám đốc Tuyên truyền ngày 13-5-1946, (sau đổi thành Nha Thông tin) nhiếp ảnh và điện ảnh là một tổ thuộc phòng 5 do đồng chí Phan Nghiêm phụ trách; lập ra đội chiếu bóng lưu động di chuyển bằng tàu hoả từ Bắc vào Nam chiếu các phim phóng sự: Hồ Chủ tịch thăm nước Cộng hoà Pháp, phái đoàn Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hoà tại hội nghị Phông-ten-nơ-blô…Sau khi chiếu ở Hà Nội, đội đã lần lượt chiếu tại Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh.

 

Kháng chiến Toàn quốc bùng nổ (19-12-1946) các cơ quan của Trung uơng chuyển lên Việt Bắc, bộ phận nhiếp ảnh điện ảnh thuộc Nha Thông tin cũng rút lên Việt Bắc.

 

Sau nhiều lần di chuyển địa điểm, bộ phận này đến Tuyên Quang, tại đây tháng 5- 1950, Phòng nhiếp ảnh điện ảnh được thành lập do anh Nguyễn Hùng phụ trách. Một thời gian sau phòng rời về Đồi Cọ thuộc Bản Bắc, Điềm Mặc, Định Hoá, lúc này do đồng chí Phạm Văn Khoa phụ trách. Tại Định Hoá phòng được tăng cường nhân lực và vật lực: Văn nghệ sỹ, cán bộ vùng tự do; máy móc thiết bị do Liên Xô, Trung Quốc viện trợ. Chính tại nơi này ngày 15-3-1953, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh 147/SL thành lập Doanh nghiệp Quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam với 4 nhiệm vụ:

 - Tuyên truyền chính sách, chủ truơng của Chính phủ

 - Nêu cao những thành tích nhưng gương chiến đấu anh dũng của quân và dân Việt Nam

- Giới thiệu đời sống và thành tích đấu tranh kiên cường của quân và dân các nước bạn

 - Giáo dục văn  hoá chính trị cho nhân dân

 

Doanh nghiệp Quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam là doanh nghiệp quốc gia đâù tiên của Ngành Văn hoá ra đời trong kháng chiến chống Pháp. Đồng chí Phạm Văn Khoa được giao trọng trách đứng đầu doanh nghiệp.

 

Ngày 15-3-1953 trở thành ngày khai sinh nền điện ảnh Việt Nam, khu Đồi Cọ, Bản Bắc, Điềm Mặc được coi là cái nôi của điện ảnh cách mạng Việt Nam.Tại đây bộ phim tài liệu đầu tiên của điện ảnh nước nhà “Anh hùng chiến sỹ thi đua Toàn quốc” đã ra đời.

 

 Từ năm 1953 doanh nghiệp hoạt động thí điểm kinh doanh với tư cách là một doanh nghiệp Nhà nước. Ngoài vốn cố định ban đầu là một số máy móc, doanh nghiệp chỉ có vài bộ phim truyện, tài liệu do Liên Xô, Trung Quốc viện trợ và năm tấn thóc do Bộ Tài Chính cấp, song doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn ban đầu hoạt động có hiệu quả.