Sự thật đằng sau trò đùa Cá tháng tư

09:33, 31/03/2008

Truyền thống ngày Cá tháng tư đã có từ hàng trăm năm nay. Nhiều người cho rằng ngày này chẳng có gì hay ho và mong muốn nó chấm dứt. Nhưng những người thích đùa thì lại rất háo hức và luôn cố gắng duy trì truyền thống đó.

Theo Alex Boese, Giám đốc Bảo tàng các trò đùa tại San Diego, California, Mỹ, ngày nay con số các trò đùa ở gia đình và công sở đã giảm và dần thay thế bởi những trò chơi khăm mang tính quy mô do những tổ chức lớn tạo ra.

 

Tuy vậy, nguồn gốc của ngày Cá tháng 4 vẫn còn là bí ẩn.

 

Giả thuyết phổ biến nhất là ở Pháp, người ta đã thay đổi bộ lịch vào những năm 1500 để năm mới bắt đầu vào tháng 4, nhằm trùng khớp với lịch La Mã, thay vì bắt đầu vào cuối tháng 3, đầu tháng 4.

 

Tuy nhiên, sự thay đổi này được thông báo chậm trễ và rất nhiều người ở những vùng nông thôn vẫn tiếp tục chào đón năm mới muộn hơn. Những người này về sau bị gọi là "kẻ ngốc tháng 4".

 

Tuy vậy, Boese không đồng ý với cách giải thích này.

 

"Truyền thuyết về nước Pháp là hoàn toàn sai lầm, bởi ngày mà dân Pháp đón chào năm mới một cách chính thống là ngày lễ phục sinh, vì vậy nó chẳng bao giờ trùng với ngày 1/4".

 

Boese tin rằng ngày Cá tháng tư chỉ đơn giản bắt nguồn từ một lễ hội mùa xuân lâu đời của người châu Âu, trong đó người ta đùa cợt và cải trang lẫn nhau.

 

Joseph Boskin, giáo sư danh sự tại Đại học Boston, thì đưa ra một lý giải của riêng mình, về sau hóa ra lại là một trò đùa.

 

Năm 1983, Boskin giải thích với hãng AP rằng ý tưởng về ngày Cá tháng tư đến từ những anh hề La Mã vào thời vua Constantine I, thuộc thế kỷ 3-4. Theo đó, những chàng hề đã thuyết phục thành công chủ của mình cho phép một trong số họ được làm vua trong một ngày. Vì vậy, vào ngày đầu tiên của tháng tư, vua Constantine đã trao quyền cai trị đế quốc La Mã trong một ngày cho Kugel, một trong những người hề của ông. Kugel đã ban chỉ thị rằng ngày đó sẽ mãi mãi là một ngày ngớ ngẩn.

 

Boskin cho rằng những người hay đùa cợt mang tới một cái nhìn cần thiết cho xã hội. "Những người hài hước tài ba về cơ bản là những pháp sư gạo cội - một mặt họ chế giễu xã hội, mặt kia họ lại tìm cách xoa dịu".

 

Tuy nhiên, những trò đùa tưởng tượng dần thế chỗ cho những câu chuyện ngớ ngẩn thực tế trong xã hội. Một ví dụ không xa lạ chính là giải thưởng Ig Nobel được trao cho các nghiên cứu khoa học hằng năm. Giải thưởng mới nhất đã thuộc về các nhà nghiên cứu tìm ra những tác dụng phụ của việc nuốt kiếm.

 

"Chúng ta ngày càng sáng tạo ra ít thứ hơn vì chúng ta hiểu rằng không thể bắt kịp với chính thực tế", Marc Abrahams, người sáng tạo ra giải Ig Nobel nói.

 

"Những cái có thật đáng buồn cười hơn đơn giản bởi vì chúng thật. Theo một nghĩa nào đó, những thứ có thật và buồn cười là một hình thức siêu đẳng của trò đùa Cá tháng tư, bởi vì chúng ta kể ra và người khác thì cho rằng chúng ta bịa".