Đưa những bức tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng lên chất liệu đồng là ý tưởng độc đáo của nghệ nhân Nguyễn Văn Điền ở làng đúc đồng Đại Bái, huyện Gia Bình (Bắc Ninh).
Thực hiện thành công ý tưởng này từ năm 2000, ông Điền đã đóng góp một phần quan trọng vào việc chuyển hướng sản xuất, kinh doanh của cả làng đúc đồng Đại Bái, làm hồi sinh làng nghề ngàn năm tuổi đang có nguy cơ mai một. Với nhiều sản phẩm đồ đồng mỹ nghệ tinh xảo, có chất lượng cao, hàng loạt mặt hàng đồ đồng của làng thủ công truyền thống Đại Bái đã đến với đông đảo bạn hàng trong và ngoài nước.
Năm 2000, khi có dịp đến thăm làng tranh Đông Hồ, ông đã say mê và ước mong đưa được tranh lên chất liệu đồng. Khi mới bắt tay vào làm các mặt hàng, ông gặp không ít khó khăn, những nét vẽ tinh tế của tranh Đông Hồ trên các bức tranh "Tố nữ", "Mục đồng thổi sáo", "Đánh ghen", "Đám cưới chuột", "Hứng dừa"... thật khó thể hiện trên chất liệu đồng.
Qua nhiều lần thử nghiệm với sự giúp đỡ của những nghệ nhân làng tranh Đông Hồ, ông đã thành công. Từ đó, ông tiếp tục mở rộng phạm vi sản xuất, bên cạnh tranh Đông Hồ ông còn làm tranh chữ, tranh phong cảnh theo yêu cầu của khách.
Đến giờ, tranh đồng của gia đình ông đã trở thành một trong những mặt hàng được ưa chuộng nhất, và được bán ra khá nhiều thị trường thuộc các tỉnh miền Bắc.
Không chỉ trụ vững ở thị trường trong nước, sản phẩm của ông đã bước đầu vươn tới các thị trường "khó tính" như Đài Loan, các nước Đông Nam Á. Thành công của ông đã lôi kéo được nhiều người quay lại với nghề truyền thống, mang lại sức sống mới cho làng đúc đồng, tạo điều kiện cho hàng trăm cơ sở xuất, làm ra các sản phẩm tinh xảo, có giá trị như chóe, tượng, phù điêu…