Cuộc thi Biếm hoạ Báo chí Việt Nam lần thứ nhất, do báo Thể thao Văn hoá tổ chức, với sự giúp đỡ của Hội Nhà báo Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam là một lần nhìn nhận biếm hoạ như một thể loại không thể thiếu trong báo chí hiện đại, một ngôn ngữ nghệ thuật mang tính xã hội cao, cần một sự khẳng định dứt khoát và công bằng để được coi trọng hơn đúng vị trí của nó.
Được coi như một vũ khí sắc bén của báo chí, bị lãng quên trong nhiều năm, biếm họa là một thể loại "báo chí nghệ thuật" tái hiện bản chất sự kiện bằng thủ pháp hài hước, cách điệu và điển hình hóa của nghệ thuật tạo hình. Nó gây ấn tượng trực giác trong nhận thức, tính phổ thông trong truyền bá, đọng lại lâu dài trong trí nhớ người xem. Đó là những thế mạnh tạo nên sự đặc sắc so với các thể loại báo chí khác.
85 năm trước đây, khi Hồ Chủ tịch (lúc đó là Nguyễn Ái Quốc), khai sinh ra tờ báo cách mạng đầu tiên Le Paria – Người Cùng Khổ năm 1922, Người đã ý thức việc dùng biếm họa như một thứ vũ khí báo chí chống quân thù. Người đã tự tay vẽ những tác phẩm biếm họa báo chí đầu tiên, chống lại chế độ nô dịch hà khắc của thực dân Pháp trên đất nước Việt
Kể từ đó đến nay, trải qua hai cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, từ những tờ báo sơ khai của cách mạng cho đến một nền báo chí tương đối đồ sộ hiện nay, Biếm họa - ở vị trí như một thể loại báo chí tiên phong, luôn có mặt nhanh nhậy, tức thời, theo sát những sự kiện thời sự - xã hội nóng bỏng của đất nước và thế giới qua các thời kỳ... .
Cùng với sự phát triển của nền báo chí, là sự hình thành một đội ngũ tác giả biếm họa đông đảo, có sự góp mặt của từ các họa sĩ lão thành, cho đến những người yêu thích nghiệp dư vẽ nhiều trở thành chuyên nghiệp. Những tên tuổi như Phan Kế An, Mai Văn Hiến… của thời kỳ đầu báo chí cách mạng đến Nguyễn Nghiêm, Đặng Nhân, Văn Thanh, Lý Trực Dũng, Phạm Tiến Phú, Trần Quyết Thắng, Choé, Đốp, Ớt, Đan, Đad và những tên tuổi trẻ hơn sau này: Lap, Nhím Nhốp, Cò lả, Satế v…v đã khiến biếm hoạ có một đời sống riêng sinh động và thiết thực.
Song, suốt nhiều năm, biếm hoạ dường như lép vế, không được coi như báo chí, cũng chẳng được xem là mỹ thuật, nói như hoạ sĩ lão thành Phan Kế An “tôi tủi thân vì biếm hoạ vốn vẫn luôn chỉ được coi như một anh hề trong chiếu chèo, như một đứa con rơi của ngành mỹ thuật…”. Biếm hoạ tồn tại như một nhánh nhỏ trong ngành đồ hoạ, như một thứ trang sức của báo chí, chưa được đặt đúng vị trí của mình.
Cuộc thi Biếm hoạ Báo chí Việt Nam lần thứ nhất, do báo Thể thao Văn hoá tổ chức, với sự giúp đỡ của Hội Nhà báo Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam là một lần nhìn nhận (muộn còn hơn không) biếm hoạ như một thể loại không thể thiếu trong báo chí hiện đại, một ngôn ngữ nghệ thuật mang tính xã hội cao, cần một sự khẳng định dứt khoát và công bằng để được coi trọng hơn đúng vị trí của nó.
Kể từ ngày phát động Cuộc thi (11-12-2007), cho đến hết ngày 14-3-2008, hạn cuối cùng nhận tranh gửi dự thi cho Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam lần thứ I - nhân kỷ niệm 85 năm lịch sử Biếm họa Báo chí Việt Nam, BTC đã nhận được tổng cộng gần 800 bức tranh (cụ thể là 791 bức: 656 tranh dự thi và 135 tranh dự treo); trong số 99 tác giả dự thi (thuộc đủ mọi lứa tuổi, đến từ khắp mọi miền đất nước) có 13 tác giả đã gửi thêm tranh dự treo – ngoài số tác phẩm gửi dự thi chính thức, với tinh thần chung là “để ủng hộ cho Giải thêm sôi động”.
Trong số những tác phẩm được gửi đến dự thi, có rất nhiều vấn đề xã hội nóng bỏng được đề cập trực diện. Đứng đầu là mảng chống tham nhũng – vấn đề đang được Đảng, Nhà nước và toàn dân tập trung quan tâm (57 tranh). Sau đó là các vấn đề tệ nạn của mọi mặt đời sống xã hội (26 tranh).
Các vấn đề thời sự không chỉ có nguy cơ ở nước ta mà còn mang tính toàn cầu như ô nhiễm môi trường, giao thông, phá hoại rừng (18 tranh). Vấn đề "cơn bão giá" và lạm phát đang ảnh hưởng đến toàn xã hội (16 tranh), vấn đề cải cách hành chính, quy hoạch, dự án trong thời kỳ hội nhập. Và cuối cùng là mảng tranh vui, tranh hài hước với 14 tranh. Mảng tranh chân dung biếm họa, gần như không có tác phẩm nào...
Sau nhiều ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, Hội đồng Giám khảo của cuộc thi gồm các chuyên gia uy tín về mỹ thuật và báo chí đã chọn lọc 168 tác phẩm để trưng bày triển lãm, cùng 42 tác phẩm dự treo (không thi).
Các tác phẩm được chọn lọc để treo, chấm giải, in vựng tập đều đạt được những yêu cầu ý tưởng độc đáo, sâu sắc, mới lạ với bút pháp mới mẻ; làm nên những hình tượng nghệ thuật phản biện, châm biếm... có tính xây dựng. Nội dung đề cập trực diện tới các vấn đề xã hội lớn mà giới truyền thông đang quan tâm nhằm hoàn thiện xã hội và con người Việt