Đã gần một tháng kể từ giờ phút đăng quang, Hoa hậu Xứ Trà Hà Thị Thu Hiền trở lại nhịp sống thường ngày tại trường THPT Lương Thế Vinh (T.P Thái Nguyên).Với khuôn mặt "mộc", tóc buông giản dị... ít ai nhận ra cô thí sinh số 25 đã giành điểm cao nhất của Ban Giám khảo.
Hiền kể: Có em gái học Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Hồi Tết, 2 chị em xem ti- vi, thấy thông tin về cuộc thi “Người đẹp Xứ trà”, em Hiền động viên: Chị dự thi đi. Các chỉ số về chiều cao, cân nặng cũng như các vòng đo, năng khiếu, kiến thức... em thấy được đấy. Hiền cười xòa, coi là chuyện đùa. Ra Tết, Bí thư Chi đoàn đưa thông báo của Thành đoàn: Mời các bạn dự tuyển... Nghĩ đi nghĩ lại mấy ngày, thế là Hiền quyết định đi tuyển. Hôm sơ tuyển, Hiền đến sớm nhất và xin với ban giám khảo cho “sơ” trước để còn về... đi làm. Trúng tuyền, họ gọi điện thông báo.... Rồi, trở thành Hoa hậu Xứ trà 2008.
Sinh năm 1985 tại thị trấn Giang Tiên (Phú Lương), Hiền đã từng đoạt danh hiệu Nữ sinh thanh lịch của Trường THPT Lương Thế Vinh. Thời gian còn là sinh viên, Hiền nhận ra mình có khả năng hoà đồng cao bởi những “tài lẻ” như hát, múa, khiêu vũ... mỗi thứ biết một ít. Thi năng khiếu Người đẹp Xứ trà, Hiền đã trình diễn 1 điệu Rumba dịu dàng...
Chốc chốc câu chuyện giữa chúng tôi bị ngắt bởi những cú điện thoại. Tôi tò mò nghe và hiểu: Hiền đại diện cho nhóm 10 người đẹp của Cuộc thi đang vận động tài trợ để làm từ thiện.
- Em và các bạn muốn làm cái gì đó cho các em nhỏ khuyết tật, muốn tri ân những gia đình chính sách ở ATK Định Hoá.
- Đó là điều tuyệt vời, nhưng nguồn tiền ở đâu?
- Chúng em đang gặp gỡ một số nơi để đề đạt ý kiến. Và cũng có nhiều người ủng hộ việc làm này của chúng em.
Còn đối với chị Ma Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi thì vẫn chưa hết...lo. Âu cũng là tâm trạng thường thấy của người làm một việc mà trước đó chưa ai làm.
Le lói ý nghĩ tổ chức cuộc thi Người đẹp Thái Nguyên từ lâu lắm rồi, nhưng nó bùng ra mạnh là từ năm 2007- khi tỉnh tổ chức Ngày hội văn hoá Trà- Chị Nguyệt tâm sự- Chè Thái ngon là thế nhưng chưa được tôn vinh xứng tầm, chưa có sự lan toả cần thiết. Phụ nữ thời kỳ CNH-HĐH cần làm việc gì đó để góp vào sự tôn vinh đó. Được Ban Thường vụ Tỉnh hội ủng hộ, từ cuối năm 2007, “quân” của Hội tung về cơ sở để tuyển người: lo lắm, thí sinh mà kém thì hỏng ngay từ đầu. 120 em, rồi chọn được 40 em vào chung khảo. Thí sinh có rồi lại lo sang kinh phí: Nào ăn, ở, tập luyện, giám khảo, cố vấn, đạo diễn, đi lại, sân khấu, loa đài... trăm thứ trông chính vào nguồn tài trợ. Cũng do tiền ít nên chỉ có 5 ngày cả tập, cả thi, tất bật, túi bụi. Có em lần đầu đi đôi guốc 12cm, có em chưa bao giờ đứng trước đông người, nhiều em chưa hề tiếp xúc với trẻ khuyết tật, chưa biết pha trà đúng cách. Cả người dạy và người thi, cả Ban giám khảo và ban Tổ chức đều làm việc hết tốc lực.
- Và chị nhận được nhiều nhận xét sau Cuộc thi?
- Nhiều chứ- cả khen cả chê, nhưng tôi cho rằng việc làm của chúng tôi là thành công. Cả anh Ngọc Tình, Phóng viên báo Tiền Phong, nơi tổ chức nhiều cuộc thi hoa hậu cũng nhận xét rất tốt về cuộc thi.
- Chị có tiếp tục tổ chức các cuộc thi người đẹp vào những năm sau?
- Có chứ. Chúng tôi đã làm việc với Sở Khoa học Công nghệ, sắp tới sẽ làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam để đăng ký bản quyền cuộc thi này. Từ nay, cuộc thi “Hoa hậu Xứ trà” thuộc quyền của Hội Phụ nữ.
- Các người đẹp đang vận động tài trợ để làm từ thiện, chị có biết điều này?
- Mặc dù Ban tổ chức cuộc thi đã giải thể nhưng chúng tôi đã đưa ra kế hoạch đó, và sẽ giúp các em thực hiện điều này.
Tôi muốn qua những việc làm như thế, người đẹp của chúng ta khẳng định mình trong xã hội, trong dư luận, biết giữ gìn nhân phẩm, tâm hồn để vẻ đẹp được toả sáng và có ích.