Người dân thành phố Thái Nguyên vẫn thường gọi nhà điêu khắc Hứa Tử Hoài là người có bàn tay vàng. Đó là cách gọi yêu mến và quí trọng đối với anh. Nhưng thực ra, điều ấy cũng chỉ mới đúng một nửa.
Đứng trước những tác phẩm điêu khắc của Hứa Tử Hoài và chứng kiến những lúc anh làm việc buộc ta phải nghĩ những thành tựu nghệ thuật đích thực không chỉ được sản sinh ra từ đôi bàn tay - dù là ''bàn tay vàng'' - mà nó chính là sản phẩm của trí tuệ và tâm hồn nghệ sĩ.
Hứa Tử Hoài sinh năm 1942, là người dân tộc Nùng. Anh sinh ra và lớn lên từ miền quê xa xôi thuộc Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Sau khi tốt nghiệp Khoa Điêu khắc Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Hứa Tử Hoài về công tác và lập nghiệp tại thành phố Thái Nguyên, nơi đã trở thành quê hương thứ hai của anh.
Hứa Tử Hoài cũng khác với nhiều hoạ sĩ - nghệ sĩ là từ ngày ra trường, anh chỉ công tác duy nhất ở Bảo tàng Việt Bắc (sau trở thành Bảo tàng Văn hoá các Dân tộc Việt Nam) cho đến tận khi nghỉ hưu. Anh không phải “típ” người thích “bay nhảy” hoặc lấy đơn vị công tác làm đồ trang điểm.
Suốt gần 40 năm làm việc miệt mài, đầy hiệu quả, dành được sự khâm phục và tín nhiệm của rất nhiều bạn bè đồng nghiệp ở trong và ngoài cơ quan nhưng Hứa Tử Hoài không hề nhận bất cứ một chức vụ nào, dù là nhỏ nhất. Nhưng chính ở nơi đây, anh đã để lại nhiều tác phẩm lớn có giá trị lâu bền. Có lẽ, khách tham quan Bảo tàng Văn hoá các Dân tộc Việt Nam khó ai quên được những bức tượng và phù điêu bằng các chất liệu đồng, gỗ, đá của Hứa Tử Hoài như “Bác Hồ với thiếu niên vùng cao”, “Lễ hội đua voi”, “Phiên chợ vùng cao”… với những kích thước cực lớn trên vòm, trên tường của Bảo tàng. Nhiều hoạ sĩ, nhiều khách tham quan trong và ngoài tỉnh đã gọi đó là những kiệt tác.
Tuy đã sáng tác thành công tới hàng trăm bức tượng và phù điêu, trong đó có cả những tượng đài hoành tráng, nhưng điều mà Hứa Tử Hoài tâm đắc nhất, dành nhiều thời gian tâm trí nhất chính là những tác phẩm về số phận con người trong chiến tranh. Những tác phẩm về đề tài này như: “Ác mộng”, “Bi hùng”, “Mạnh hơn bom đạn”, “Ký ức chiến tranh”… của anh đều đạt giải cao trong các triển lãm mĩ thuật toàn quốc. Đặc biệt, bức “Ác mộng”, đạt giải nhất của Hội mỹ thuật Việt
Nhưng căn bệnh ung thư máu quái ác đã buộc anh phải rời bỏ công việc mà anh hằng say sưa, ấp ủ. 23 giờ 40 phút ngày 15 tháng 4 năm 2008 Hứa Tử Hoài đã vĩnh viễn ra đi, gửi lại biết bao dự định lớn lao và đẹp đẽ.
Là một nhà điêu khắc hàng đầu của cả nước, là một người dân tộc thiểu số duy nhất được trao Giải thưởng Nhà nước từ đợt đầu tiên về mĩ thuật, sự ra đi của Hứa Tử Hoài là một mất mát khó có thể bù đắp đối với nền mĩ thuật Việt Nam, đồng thời, là nỗi tiếc thương vô hạn đối với bạn bè văn nghệ.